Khủng hoảng Ukraine đẩy hợp tác Nga - Trung lên tầm cao ‘chưa từng thấy’

Hợp tác Nga - Trung đang có thêm xung lực mới sau việc phương Tây gây sức ép, tăng cường cấm vận Nga. Trung Quốc ủng hộ Nga khi phương Tây phát động chiến dịch chống Moskva. Giờ thì Mỹ có thể phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự trước việc liên minh giữa hai cường quốc Nga-Trung.

Phát biểu tại Diễn đàn Đại học toàn cầu ở Moskva hôm 24/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng: Quan hệ Nga - Trung đã phát triển lên một mức cao “chưa từng thấy”, tạo ra nhân tố chi phối ngày một lớn trong nền chính trị toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh, “các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy ổn định trên thế giới, tạo ra các điều kiện cho hợp tác quốc tế sâu rộng, cùng phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”.

Cái bắt tay Nga - Trung có thể làm Mỹ phải giật mình. Ảnh: AFP


Trước đó ít ngày, truyền thông Nga trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết: Chính quyền Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc áp đặt cấm vận nhằm vào Nga, dù Washington đã nỗ lực hết mức ngay từ những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về một hợp đồng “khủng” liên quan đến việc Moskva cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh thì lại đang ở những bước hoàn tất.

Hợp đồng này dự kiến sẽ được chính thức ký kết vào tháng 5 tới, nhân dịp Tổng thống Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Quốc. Các chuyên gia không loại trừ khả năng Gazprom sẽ đồng ý cho phép đối tác Trung Quốc tham gia vào việc khai thác ở một số dự án. Đây là điều mà Trung Quốc quan tâm, hơn cả vấn đề giá bán. Năng lượng, đặc biệt là khí đốt, đang là vấn đề cấp bách tại nước này, vì việc sử dụng nhiên liệu than đá thực sự đã gây ra những thảm họa môi trường, với các hình ảnh về một thủ đô Bắc Kinh “xấu xí” do khói bụi bao phủ đến nghẹt thở.

Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn cho Trung Quốc. Hợp tác với Nga là yếu tố rất quan trọng. Một mặt, Trung Quốc cần mở rộng việc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt, mặt khác cũng phải tìm kiếm các mức giá rẻ từ các sản phẩm của Nga. Trong tình thế đó, rõ là Bắc Kinh đang nắm giữ “lá bài tẩy” quan trọng khi phương Tây muốn cô lập Nga.

Năng lượng sẽ là tiền đề thúc đẩy hợp tác chiến lược Nga - Trung. Ảnh: Neftegaz.ru


Hơn thế, theo Giáo sư Alexei Maslov, Chủ tịch Khoa nghiên cứu phương Đông, Đại học kinh tế Moskva, Bắc Kinh cũng rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ chiến lược với Moskva trong lĩnh vực quốc phòng, giúp hiện đại hóa quân đội, rộng hơn nữa là hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ. Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cũng rất hào hứng. Quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện không có quá nhiều diện tích đất canh tác để có thể tự bảo đảm an ninh lượng thực, vì thế họ muốn mở rộng tiềm năng nông nghiệp bằng cách thuê đất và phát triển các dự án nông nghiệp ở các quốc gia lân cận. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp mà Trung Quốc thuê của Nga đã lên tới 420.000 hecta.

Về phần mình, Nga đang rất “khát” nguồn đầu tư nước ngoài để khai phá khu vực Viễn Đông đầy tiềm năng - vùng đất mà Điện Kremlin chủ trương phát triển nhiều khu công nghiệp. Tiến sĩ Ludmila Boni thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga) nhìn nhận: Trung Quốc có thể đảm nhận vai trò của một nhà đầu tư lớn, nhưng hiện nay việc rót tiền vẫn khá thận trọng vì giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn biết chính xác sẽ nhận được những gì. Không những vậy, Trung Quốc – nước được mệnh danh là “công xưởng” của thế giới, còn đóng vai trò là đầu mối cung cấp hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho Nga. Giáo sư Boni phân tích: Nếu các nguồn nhập khẩu hàng hóa, thiết bị mới bị ngăn lại do đòn cấm vận, Nga có thể tìm đến Trung Quốc, và “họ sẽ rất vui mừng bán hàng hóa” cho chúng ta.


Tiềm năng hợp tác Nga - Trung là rất rộng lớn. Một khi hai nước đạt thỏa thuận về vấn đề khí đốt, đó sẽ là sự khởi đầu cho các bước phát triển tiếp theo.


Hoài Thanh (Pravda, Itar-Tass)

Nga, Trung Quốc có xóa được thế độc quyền của Mỹ?
Nga, Trung Quốc có xóa được thế độc quyền của Mỹ?

Moskva cần lập cơ quan đánh giá riêng tín dụng riêng, trong đó có thể hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này và việc thành lập một cơ quan đánh giá tín dụng độc lập không phụ thuộc vào phương Tây đang trở thành "yếu tố cấp thiết".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN