'Giới hạn đỏ' trong việc các nước chia sẻ thông tin tình báo giúp Ukraine

Washington đang tìm cách hỗ trợ chính quyền Kiev đánh bật chiến dịch quân sự của Moskva, nhưng đồng thời cũng muốn né tránh xung đột trực tiếp với Nga.

Chú thích ảnh
Mỹ tuyên bố không trao thông cho Ukraine thông tin tình báo chỉ điểm mục tiêu liên quan đến vụ soái hạm Moskva của Nga bị chìm. Ảnh: AP

Tở Wall Street Journal (WSJ) ngày 8/5 dẫn nguồn tin là quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ cho biết Washington "đang đi trên lằn ranh mỏng manh" khi chia sẻ một lượng lớn thông tin tình báo mật với Ukraine, giúp chính quyền Kiev đương đầu chiến dịch quân sự của Moskva, nhưng đồng thời cũng không muốn bị kéo vào đụng độ trực tiếp với Nga.

Số quan chức này cho biết chính sách chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ về bản chất được vận hành theo quy trình sau: Mỹ cung cấp dữ liệu về di chuyển của binh sỹ, xe tăng, tàu chiến Nga; còn Ukraine sẽ quyết định đâu là thời điểm để tấn công các mục tiêu của Nga.

Truyền thông phương Tây trong tuần trước rộ thông tin Ukraine sử dụng tin tình báo do Mỹ cung cấp để định vị và tấn công soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen (Nga), cũng như tiến hành các vụ không kích sát hại một số sĩ quan cấp cao của Nga trên chiến trường. Điều đó cho thấy một thực tế về cái gọi là “tuyến đường ống dữ liệu” được tình báo Mỹ chuyển cho Chính phủ Ukraine ở tầm mức chưa có tiền lệ - như cách nói của các quan chức Mỹ.

Trước ngày 24/2 – thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, quan chức Mỹ thường xuyên công khai tin tình báo giải mật liên quan đến kế hoạch, ý định quân sự của Moskva. Tuy nhiên, Mỹ sau đó tỏ ra cẩn trọng khi đề cập trao đổi thông tin tình báo với Kiev. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phản bác thông tin nói rằng Mỹ đang chỉ dẫn cho Ukraine về các mục tiêu, nền tảng quân sự của Nga để tấn công.

Bà Psaki nói rằng Mỹ không cung cấp thông tin chỉ định mục tiêu chi tiết cho phía Ukraine trong vụ soái hạm Moskva bị chìm trên Biển Đen hồi tháng 4 vừa qua. “Chúng tôi chuyển nhiều thông tin tình báo, nhưng chỉ để giúp Ukraine hiểu rõ mối đe dọa từ các tàu chiến Nga trên Biển Đen và giúp họ tự vệ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ hướng biển”, phát ngôn viên Nhà Trắng nói.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp xác xe tăng của Nga còn sót lại ở một điểm gần Irpin, Ukraine. Ảnh: Reuters

Khi chiến sự bước sang tháng thứ ba và Ukraine tiếp nhận thêm nhiều vũ khí hiện đại do Mỹ và đồng minh chuyển giao, chưa thể biết chắc liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận mà giới chức Mỹ gọi là “cân bằng mong manh” hay không. Ông Putin hẳn nhiên không hài lòng về chính sách chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với Ukraine. Chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ Moskva coi Mỹ vượt "lằn ranh đỏ" và trở thành bên can dự trực tiếp trong các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Nga.

Dan Hoffman, cựu quan chức cấp cao chuyên theo dõi Nga tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết phía Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo chiến thuật cho Ukraine, theo kiểu “chỗ này đặt trung tâm chỉ huy của Nga, chỗ kia có tàu chiến Nga”. Còn quyết định cuối cùng sẽ do Ukraine đưa ra. Tuy nhiên, Moskva không nhìn nhận theo cách đó. “Điểm mấu chốt nằm ở chỗ Nga sẽ nhận định theo chiều hướng nào”, ông Hoffman nói.

Từ tháng trước, Mỹ bắt đầu mở rộng chia sẻ thông tin tình báo Ukraine, giúp quân đội Ukraine có thể định vị vị trí lực lượng Nga ở Donbas và Crimea. Lấy lý do bảo đảm an ninh, giới chức Mỹ không tiết lộ thông tin chi tiết về loại hình tin tình báo chia sẻ, dù nhiều người biết rằng trong số này chắc chắn sẽ gồm có ảnh chụp vệ tinh, một số cuộc gọi, tin nhắn chặn thu.

Giới chức Mỹ chỉ đưa ra một số ít điểm giới hạn về quan hệ đối tác tình báo. Theo đó, Mỹ không cung cấp cho Ukraine tin tình báo giúp Kiev tấn công các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Nga. Washington cũng không chia sẻ thông tin giúp Ukraine triệt hạ các tướng lĩnh của Nga trên chiến trường cũng như các thủ lĩnh dân sự người Nga.

Quan điểm của Mỹ về chia sẻ thông tin tình báo cũng như viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn Nga phải trả mức giá đắt cho hành động can thiệp quân sự ở Ukraine, nhưng không để leo thang tới ngưỡng làm bùng phát xung đột giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới sở hữu tiềm lực hạt nhân.

Mỹ đến thời điểm này vẫn đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng không cấp các chủng loại có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hoặc khiến Moskva coi đây là hành động leo thang, ví như cấp máy bay tiêm kích. Lý do là bởi leo thang nhanh chóng trong chiến tranh tại Ukraine tiềm ẩn nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Mỹ với Nga.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy lượng lớn vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy lượng lớn vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine

Lực lượng vũ trang Nga đã sử dụng tên lửa chiến thuật Iskander để phá hủy hàng loạt vũ khí do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gửi cho Ukraine tại khu vực Kharkov.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN