Đức gửi 7 siêu pháo tự hành mạnh hàng đầu thế giới cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin sẽ chuyển giao 7 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Kiev để hỗ trợ nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Lựu pháo Panzerhaubitze 2000. Ảnh: Wikipedia

Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Eberhard Zorn, Tham mưu trưởng Quân đội Đức, xác nhận các lựu pháo này sẽ được lấy từ kho dự phòng của Đức và sẽ sớm chuyển giao cho Ukraine sau khoảng vài tuần bảo dưỡng. 

Ông Zorn cũng cho biết Đức dự kiến sẽ triển khai đợt huấn luyện đầu tiên bắt đầu từ tuần tới. Theo đó, khoảng 20 binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo sử dụng Panzerhaubitze 2000 tại thị trấn Idar-Oberstein. Ông nói thêm rằng những binh sĩ này đã có kinh nghiệm vận hành các loại xe tăng do Liên Xô chế tạo.

Ngoài ra, Tham mưu trưởng quân đội Đức cũng tiết lộ Berlin sẽ cung cấp lô đạn đầu tiên cho lựu pháo Panzerhaubitze 2000 do Tập đoàn quốc phòng hàng đầu Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của nước này chế tạo.

Với tốc độ bắn cực nhanh, tầm xa, khả năng cơ động tuyệt vời và chế độ tự động hóa cao, Panzerhaubitze 2000 được xem là một trong các hệ thống pháo tự hành bánh xích tối tân và uy lực nhất hiện nay. Nó cũng được coi là một trong những vũ khí pháo binh mạnh nhất trong kho vũ khí của Bundeswehr. 

Lựu pháo này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn 9 viên/phút. Đặc biệt, nó có chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau và đánh trúng mục tiêu cùng lúc. Panzerhaubitze 2000 có cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn NATO, cơ số đạn 60 viên, tầm bắn thông thường 30 km và 40 km với đạn pháo tăng tầm. Panzerhaubitze 2000 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với khả năng cập nhật tham số mục tiêu qua hệ thống liên kết dữ liệu. Thân xe được bọc giáp có thể chống lại đạn cỡ nòng 14,5 mm.

Đức sở hữu 119 hệ thống pháo PzH 2000, nhưng chỉ có 40 hệ thống đang được vận hành. Quyết định cung cấp Panzerhaubitze 2000 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lập trường của Đức về cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Ukraine đã liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev trong bối cảnh Nga dồn lực tiến hành chiến dịch quân sự giai đoạn mới ở vùng Donbass. Theo một số nguồn tin, Moskva đã chuyển hỏa lực mạnh nhất tới miền đông và miền nam Ukraine. 

Vào tuần trước, Đức đã thay đổi chính sách từ lâu của nước này là cam kết không gửi vũ khí hạng nặng tới các khu vực chiến sự, sau áp lực trong và ngoài nước nhằm giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Hôm 26/4, Berlin cho biết đã chấp thuận cung cấp 50 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard để hỗ trợ Ukraine.

Hầu hết các loại vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay đều là vũ khí do Liên Xô chế tạo, được lưu trữ trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu. Tuy nhiên, Mỹ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kiev các loại vũ khí do phương Tây chế tạo. 

Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong những tuần gần đây. Nước này đã gửi pháo tầm xa và hàng nghìn loại đạn, máy bay trực thăng và máy bay không người lái cảm tử cho Ukraine. Washington cũng đã đồng ý gửi xe tăng từ thời Liên Xô và các loại vũ khí khác cho Kiev.

Hải Vân/Báo Tin tức
Đức, Séc tăng cường hợp tác về quốc phòng, năng lượng
Đức, Séc tăng cường hợp tác về quốc phòng, năng lượng

Đức và Séc đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng và năng lượng. Đây là nội dung đạt được sau cuộc hội đàm ngày 5/5 tại Berlin giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Séc Petr Fiala đang ở thăm Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN