ECOWAS thận trọng cân nhắc hành động tiếp theo đối với cuộc đảo chính tại Niger

Các nhà lãnh đạo Tây Phi đang cân nhắc các động thái tiếp theo khi tìm cách lật ngược cuộc đảo chính quân sự ở Niger.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp bất thường các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger, tại Abuja (Nigeria), ngày 10/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10/8, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm với binh sĩ từ các nước thành viên để có thể triển khai một hành động can thiệp quân sự nhằm vào Niger.

Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, các quốc gia Tây Phi đã hoãn cuộc họp quân sự quan trọng dự kiến bàn thảo về cuộc khủng hoảng ở Niger. Theo các nguồn tin quân sự, tham mưu trưởng các quốc gia thuộc khối Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) dự kiến tham dự một cuộc họp ngày 12/8 tại thủ đô Accra của Ghana. Nhưng sau đó, cuộc họp được thông báo hoãn vô thời hạn vì "lý do kỹ thuật".

Các nguồn tin cho biết cuộc họp ban đầu được thiết lập để thông báo cho các nhà lãnh đạo của khối về "những lựa chọn tốt nhất" nhằm kích hoạt và triển khai lực lượng dự phòng. ECOWAS vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về lực lượng hoặc thời gian biểu hành động, và các nhà lãnh đạo khu vực nhấn mạnh rằng họ vẫn muốn một giải pháp hòa bình.

Các nhà phân tích an ninh đánh giá ECOWAS sẽ phải mất vài tuần để thành lập lực lượng mới can thiệp vào Niger. Chính vì vậy, vẫn còn thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán.

Trước đó, ngày 6/8, chính quyền quân sự Niger thông báo đóng cửa không phận của quốc gia Tây Phi này, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải “sự đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức". Trong một tuyên bố, chính quyền quân sự Niger nêu rõ: “Phải đối mặt với mối đe dọa về sự can thiệp, vốn đang ngày càng trở nên hiện hữu thông qua sự chuẩn bị của các quốc gia láng giềng, không phận của Niger đóng cửa kể từ ngày 6/8... đối với tất cả các máy bay cho đến khi có thông báo mới.”

Trước cảnh báo ECOWAS hành động quân sự để “khôi phục trật tự Hiến pháp” ở Niger, không chỉ số phận của Niger - một nhà sản xuất uranium lớn và là đồng minh chủ chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống lại khủng bốHồi giáo - mà mối quan tâm của các cường quốc toàn cầu có lợi ích chiến lược quan trọng trong khu vực cũng đang bị đe doạ.

Ngày 11/8, hàng nghìn người ủng hộ chính quyền quân sự của Niger đã tập trung gần một căn cứ quân sự của Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey. Những người biểu tình hô vang những khẩu hiệu phản đối Pháp và ECOWAS. Nhiều người biểu tình đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani.

Quân đội Mỹ, Pháp, Đức và Italy đều đang đóng quân ở Niger, làm nhiệm vụ hỗ trợ nước này chống lại cuộc nổi dậy đẫm máu của các phần tử thánh chiến - những kẻ đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải sơ tán trên khắp Sahel.

Tháng trước, quân đội Niger đã phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và lên nắm quyền, khiến các cường quốc quốc tế lên án và làm dấy lên nỗi ám ảnh về xung đột tiếp theo ở khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi, vốn đã bị tàn phá bởi lực lượng nổi dậy Hồi giáo cực đoan.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
ECOWAS bác tin Wagner tham gia đảo chính ở Niger
ECOWAS bác tin Wagner tham gia đảo chính ở Niger

Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) bác bỏ thông tin cho rằng tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở Nga tham gia cuộc đảo chính quân sự tại Niger. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN