Đặc phái viên Trung Quốc lần đầu gặp thủ lĩnh chính trị của Hamas

Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Khắc Kiện đã gặp thủ lĩnh văn phòng chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh.

Chú thích ảnh
Ông Ismail Haniyeh (phải) và ông Vương Khắc Kiện tại Qatar ngày 17/3. Ảnh: X/@soupalestina

Theo tờ SCMP, một nguồn tin của Trung Quốc ngày 19/3 cho biết đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một quan chức Trung Quốc và đại diện Hamas kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra vào năm 2023.

Tuyên bố ngắn gọn cho biết ông Vương Khắc Kiện đã gặp ông Ismail Haniyeh ở Qatar ngày 17/3 và trao đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Gaza cũng như các vấn đề khác.

Tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin từ Hamas nói rằng ông Haniyeh đã nhấn mạnh với đặc phái viên Trung Quốc là cuộc chiến ở Gaza cần phải kết thúc nhanh chóng. Ông cũng nói rằng Israel phải rút lực lượng khỏi Gaza và cần phải thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Về phần mình, ông Vương Khắc Kiện khẳng định Trung Quốc quan tâm đến mối quan hệ với Hamas - tổ chức mà ông gọi là một phần của cơ cấu quốc gia Palestine.

Ông Vương Khắc Kiện là nhà ngoại giao đầu tiên mà Trung Quốc cử tới Palestine và Israel kể từ khi chiến tranh ở Gaza xảy ra. Tuần trước, ông đã đến thăm Bờ Tây và gặp Ngoại trưởng Chính quyền Palestine là ông Riyad al-Maliki. Tại đây, ông cho biết Trung Quốc đang nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và kêu gọi thực hiện giải pháp “hai nhà nước”.

Ông Vương Khắc Kiện cũng đã hội đàm với ông Hagai Shagrir, lãnh đạo phòng châu Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Israel và bà Rachel Feinmesser, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách của Bộ Ngoại giao Israel.

Kể từ khi xung đột ở Gaza bắt đầu, Trung Quốc đã tìm cách thể hiện vai trò khi công bố quan điểm gồm 5 điểm về cuộc khủng hoảng ở Gaza, trong đó kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vạch ra một mốc thời gian và lộ trình cụ thể để thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Trước đó, ngày 13/2, Trung Quốc kêu gọi Israel ngừng hoạt động quân sự tại thành phố Rafah của Gaza càng sớm càng tốt, đồng thời cảnh báo về thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nếu giao tranh không dừng lại. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở khu vực Rafah, phản đối và lên án những hành động gây tổn hại cho dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế".

Ngày 12/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân đã cảnh báo về hậu quả của chính sách buộc người Palestine phải di dời khỏi Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện Trung Quốc bày tỏ quan ngại về số người Palestine thiệt mạng. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng đã có trên 200 nhân viên Liên hợp quốc và nhà báo thiệt mạng, trong khi 90% người dân sinh sống ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Đại sứ Trung Quốc còn lo ngại về tác động lan rộng của cuộc xung đột ở Gaza đối với Biển Đỏ. Theo ông, hành động quân sự do Mỹ và Anh phát động nhằm vào phong trào Houthi ở Yemen chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.

Năm 2023, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm riêng với người đồng cấp Israel và Palestine. Các quan chức Trung Quốc khác cũng đã thảo luận về tình hình Gaza với nhiều quốc gia ở Trung Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không lên án Hamas hay gọi nhóm này là một tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, các nhà đàm phán đã gặp nhau tại Doha (Qatar) ngày 18/3 để cố gắng thu hẹp những bất đồng còn lại giữa Hamas và Israel để thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza cũng như vấn đề trao đổi con tin. Các nhà đàm phán Ai Cập, Qatar và Israel đã tổ chức các cuộc thảo luận kéo dài trong ngày 18/3. Các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar sau đó đã gặp gỡ các quan chức của Hamas. Giám đốc Cơ quan Tình báo Mossad của Israel David Barnea, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA) William Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Ai Cập Abbas Kamel cũng đã đến Qatar ngày 18/3.

Các cuộc đàm phán tại Doha là nỗ lực mới nhất trong hơn 3 tháng đàm phán giữa các nhà hòa giải của Mỹ, Ai Cập và Qatar nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Động thái này diễn ra sau khi các nhà đàm phán không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 11/3, bất chấp sức ép mạnh mẽ của Mỹ. Các nguồn tin cho hay các cuộc đàm phán tại Doha có thể sẽ kéo dài vài ngày vì các nhà hòa giải muốn giới lãnh đạo Hamas ở Gaza phản hồi các câu hỏi và đề xuất mới.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Israel và Hamas sẽ đề xuất những gì trong cuộc đàm phán sắp tới?
Israel và Hamas sẽ đề xuất những gì trong cuộc đàm phán sắp tới?

Trong khi Israel muốn trao đổi một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần để 40 con tin được thả thì phong trào Hamas đề xuất một kế hoạch 3 giai đoạn dẫn tới một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN