Chính trị Ai Cập “bế tắc nguy hiểm”

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã rơi vào “thế bế tắc nguy hiểm” sau khi các nỗ lực hòa giải quốc tế thất bại, và chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn lặp đi lặp lại lời đe dọa hành động chống lại những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.


Thời khắc quyết định


Ngay khi Văn phòng của Tổng thống lâm thời Adli Mansour tuyên bố những nỗ lực nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tại Ai Cập từ cộng đồng quốc tế thất bại, ông Mansour nhận định, Ai Cập đang trong thời khắc quyết định. Ông nói: "Con tàu đi tới tương lai đã khởi hành, mọi người phải nhận ra thời khắc này và bắt kịp con tàu đó, bất kể ai không nhận ra thời khắc này phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Ngoài ra, ông Mansour cũng cáo buộc Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã phá vỡ nỗ lực trung gian hòa giải của quốc tế và phải chịu trách nhiệm nếu đổ vỡ này dẫn tới những vụ việc "vi phạm luật pháp và gây nguy hại tới hòa bình dân sự".


 

Những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi ngồi cầu nguyện trên đường phố Cairo ngày 8/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tiếp đó, Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi nói rằng quyết định giải tán các trại biểu tình đã được đưa ra và sự kiên nhẫn của chính phủ đã gần cạn kiệt. Đồng thời, ông Beblawi cũng lên án những người biểu tình kích động bạo lực, chặn đường phố và cầm tù người dân. “Bất kỳ người nào sử dụng vũ khí chống lại lực lượng an ninh hoặc dân thường sẽ bị trừng phạt một cách dứt khoát", ông Beblawi cảnh báo.


Không nhân nhượng


Trong khi đó, những người ủng hộ ông Morsi tại hai trại biểu tình ở thủ đô Cairo đã tập trung củng cố rào chắn bằng bao cát và gạch đá để sẵn sàng đối phó lại lực lượng an ninh của chính phủ.


Phát ngôn viên của MB Gehad El-Haddad đã đặt câu hỏi về lời đe dọa trên của chính phủ, ông nói với hãng tin Reuters: "Điều đó có nghĩa rằng họ (chính phủ) đang chuẩn bị cho một cuộc tàn sát lớn hơn. Họ nên gửi cho chúng tôi những thông điệp tích cực chứ không phải là nhả đạn vào chúng tôi".
Theo Essam al-Erian, Phó Chủ tịch Đảng Công lý và Tự do (FJP) thuộc MB, bất kỳ sáng kiến nào để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ai Cập phải dựa trên các nguyên tắc hợp hiến và chấp nhận sự trở lại của ông Morsi: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về bất kỳ sáng kiến dựa trên đó, và chúng tôi sẽ không nhìn nhận bất kỳ sáng kiến nào mà không dựa trên những nguyên tắc này".


Sau khi Tổng thống lâm thời Mansour đưa ra thông điệp trên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lo ngại về "sự bế tắc nguy hiểm" tại Ai Cập. Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU Catherine Ashton cho biết các bên lo ngại về việc chính phủ lâm thời Ai Cập và thủ lĩnh phe đối lập vẫn chưa tìm được cách phá vỡ thế bế tắc cũng như chưa nhất trí thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin.


"Tình hình tại Ai Cập vẫn rất mong manh, không chỉ tiềm ẩn rủi ro xảy ra thêm các cuộc đổ máu và đất nước ngày càng bị chia rẽ mà còn cản trở sự phục hồi kinh tế, vốn rất quan trọng đối với quá trình chuyển giao thành công tại Ai Cập", ông Kerry nói.


Kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ đến nay đã có gần 300 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa chính phủ và phe biểu tình ủng hộ ông Morsi. Quân đội tuyên bố họ lật đổ ông Morsi, một thành viên của MB, theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, MB từ chối đối thoại và liên tục kêu gọi biểu tình chống chính phủ lâm thời do quân đội Ai Cập hậu thuẫn.


Công Thuận (tổng hợp)

Chính trị Ai Cập “bế tắc nguy hiểm”
Chính trị Ai Cập “bế tắc nguy hiểm”

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã rơi vào “thế bế tắc nguy hiểm” sau khi các nỗ lực hòa giải quốc tế thất bại, và chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn lặp đi lặp lại lời đe dọa hành động chống lại những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN