Các nhóm vũ trang Iraq tạm dừng tấn công lính Mỹ theo đề nghị của tướng Iran

Nhiều nguồn tin Iran và Iraq cho biết sau chuyến thăm Baghdad của chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, các nhóm vũ trang thân Iran ở Iraq đã tạm dừng tấn công binh sĩ Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy Iran muốn ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn.

Ảnh hưởng của Iran

Chú thích ảnh
Tướng Esmail Qaani. Ảnh: WANA 

Theo hãng tin Reuters ngày 18/2, ông Esmail Qaani đã có cuộc gặp nhanh với đại diện của một số nhóm vũ trang tại sân bay Baghdad vào ngày 29/1, chưa đầy 48 giờ sau khi Mỹ cáo buộc các nhóm này sát hại 3 binh sĩ Mỹ tại Tháp 22 ở Jordan.

Ông Qaani đã nói với các nhóm vũ trang rằng việc làm cho người Mỹ đổ máu có thể gây nguy cơ Mỹ đáp trả nặng nề. Ông nói rằng các nhóm nên giảm hoạt động để tránh các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các chỉ huy cấp cao, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc thậm chí là trả đũa trực tiếp Iran.

Mặc dù ban đầu có một nhóm không đồng ý với yêu cầu của Tướng Qaani, nhưng hầu hết những nhóm khác đều đồng ý. Ngày hôm sau, nhóm Kataib Hezbollah tuyên bố họ sẽ tạm dừng các cuộc tấn công.

Từ ngày 4/2, không có cuộc tấn công nào vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. Trong khi trong hai tuần trước chuyến thăm của ông Qaani, đã có hơn 20 vụ. Đây là một làn sóng bạo lực gia tăng của các nhóm nhằm phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Chỉ huy cấp cao của một trong những nhóm vũ trang Iraq thân Iran cho biết: “Nếu không có sự can thiệp trực tiếp của Tướng Qaani, sẽ không thể thuyết phục Kataib Hezbollah dừng các hoạt động quân sự để giảm bớt căng thẳng”.

Các bên liên quan chưa phản hồi về thông tin trên của Reuters.

Chuyến thăm của ông Qaani đã được truyền thông Iraq nhắc đến nhưng chi tiết về thông điệp cũng như tác động vẫn chưa được đưa tin trước đây.

Thành công rõ ràng của chuyến thăm Iraq nói trên nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Iran đối với các nhóm vũ trang Iraq. Đây là những nhóm có chung mục tiêu đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq.

Chính phủ Iraq đang cố gắng ngăn đất nước này một lần nữa trở thành chiến trường của các thế lực nước ngoài và đã yêu cầu Iran giúp kiềm chế các nhóm sau vụ tấn công ở Jordan.

Theo cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani, ông Farhad Alaadin, Thủ tướng al-Sudani đã làm việc với tất cả các bên liên quan cả trong và ngoài Iraq, cảnh báo họ rằng leo thang bạo lực sẽ gây bất ổn cho Iraq cũng như khu vực.

Đàm phán chấm dứt hiện diện của Mỹ ở Iraq

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Semalka, biên giới Syria và Iraq ngày 12/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau cuộc tấn công ở Jordan, các cuộc đàm phán với Mỹ đã được nối lại để bàn về việc chấm dứt hiện diện của Mỹ tại Iraq. Cụ thể, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tướng Yehia Rasool, phát ngôn viên quân sự của Thủ tướng al-Sudani, cho biết Ủy ban quân sự tối cao Iraq đã nối lại các cuộc họp vào ngày 11/2 với các lực lượng của liên minh quân sự quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.

Theo ông Rasool, các cuộc thảo luận nhằm đánh giá mối nguy hiểm do IS gây ra cũng như môi trường hoạt động và khả năng của các lực lượng vũ trang Iraq. Trên cơ sở các cuộc họp này, một thời gian biểu sẽ được xây dựng để nghiên cứu và cắt giảm dần dần quân số của các lực lượng thuộc liên minh quốc tế chống IS cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.

Ông Rasool nói thêm nếu không có gì làm gián đoạn các cuộc đàm phán, các cuộc họp sẽ thường xuyên được tổ chức để hoàn tất công việc của Ủy ban quân sự tối cao chung một cách nhanh nhất có thể.

Chính quyền Iraq mong muốn chấm dứt vai trò của liên minh quốc tế chống IS để chuyển sang hợp tác quân sự song phương với từng nước thành viên thuộc liên minh này. Tuy nhiên, liên quân và Mỹ cho rằng quá trình này có thể mất thời gian. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 1, nhưng ngay sau đó xảy ra vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan.

Một số đảng và nhóm vũ trang ở Iraq cũng thích đàm phán hơn là tấn công để chấm dứt hiện diện của binh sĩ Mỹ. Trước đây, Mỹ đã không sẵn lòng đàm phán để thay đổi vì lo ngại điều đó sẽ khuyến khích Iran.

Mỹ hiện có khoảng 2.500 quân ở Iraq và 900 quân ở Syria làm nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ. Đây là một phần của liên minh quốc tế được triển khai vào năm 2014 để chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, chủ yếu ở phía Tây Iraq và phía Đông Syria.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện diện của Mỹ tại Iraq sẽ chuyển sang mối quan hệ an ninh song phương lâu dài.

Mỹ khẳng định rằng Iran có ảnh hưởng lớn tới các nhóm vũ trang trong khu vực. Iran nói họ đã tài trợ, tư vấn và đào tạo các nhóm này nhưng các nhóm tự quyết định hoạt động.

Các nguồn tin đều nhất trí rằng cả Iran và Iraq đều muốn tránh leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, một quan chức an ninh cấp cao của Iran nhận định: “Chuyến thăm của Tư lệnh Qaani đã thành công, mặc dù không hoàn toàn, vì không phải tất cả các nhóm ở Iraq đều đồng ý giảm căng thẳng”.

Nhóm Nujaba, dù nhỏ nhưng rất tích cực hoạt động, tuyên bố họ sẽ tiếp tục tấn công, lập luận rằng lực lượng Mỹ sẽ chỉ rời Iraq bằng vũ lực.

Một quan chức Mỹ khác thừa nhận vai trò của Iran trong việc giảm bớt các cuộc tấn công binh sĩ Mỹ nhưng không rõ liệu tình trạng tạm lắng có kéo dài hay không.

Một nhóm bảo trợ đại diện cho các phe phái cứng rắn tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động sau vụ Mỹ giết chết thủ lĩnh cấp cao Kataib Hezbollah là Abu Baqir al-Saadi ở Baghdad vào ngày 7/2.

Từ khi chiến sự bùng phát ở Gaza, hàng chục cuộc tấn công và một số đợt phản ứng trả đũa của Mỹ đã diễn ra.

Các quan chức Iraq hy vọng tình trạng tạm lắng hiện tại sẽ tiếp tục để các cuộc đàm phán, dự kiến sẽ mất vài tháng hoặc lâu hơn, có thể đạt được kết luận.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Video Iran trình làng hai loại vũ khí mới giữa căng thẳng ở Trung Đông
Video Iran trình làng hai loại vũ khí mới giữa căng thẳng ở Trung Đông

Ngày 17/2, Iran đã ra mắt hai loại vũ khí mới trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng khi Houthi thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm vào các tàu có liên kết với Mỹ, Anh và Israel ở Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với Hamas ở Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN