Video Iran trình làng hai loại vũ khí mới giữa căng thẳng ở Trung Đông

Ngày 17/2, Iran đã ra mắt hai loại vũ khí mới trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng khi Houthi thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm vào các tàu có liên kết với Mỹ, Anh và Israel ở Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với Hamas ở Dải Gaza.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh Iran trình làng hai loại vũ khí mới giữa căng thẳng ở Trung Đông. Ảnh cắt từ clip do Reuters phát

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin ngày 17/2, nước này đã công bố hai loại vũ khí mới, bao gồm hệ thống tên lửa đạn đạo Arman được sản xuất trong nước và hệ thống phòng không tầm thấp Azarakhsh.

Theo IRNA, lễ ra mắt hai loại vũ khí nêu trên diễn ra với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Iran, tướng Mohammad Reza Ashtiani và với việc đưa các hệ thống mới vào mạng lưới phòng thủ, năng lực phòng không của Iran sẽ tăng lên đáng kể.

IRNA cho biết thêm hệ thống tên lửa đạn đạo Arman "có thể đối phó đồng thời với 6 mục tiêu trong tầm bắn từ 120 - 180 km còn hệ thống phòng không Azarakhsh "có thể xác định và tiêu diệt mục tiêu... ở cự ly lên tới 50 km với 4 quả tên lửa trên giàn phóng đặt trên xe sẵn sàng khai hoả.

Thông báo của IRNA đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng khi Houthi thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm vào các tàu có liên kết với Mỹ, Anh và Israel ở Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Houthi là lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất ở Yemen. Sau khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ, từ ngày 19/11/2023, Houthi đã tấn công các tàu thương mại và cả tàu quân sự trong khu vực mà họ cho rằng có liên quan đến Israel. Sau đó, Houthi đã mở rộng mục tiêu sang bao gồm các tàu có liên kết với Mỹ và Anh.

Houthi cho biết các cuộc tấn công của họ ở Biển Đỏ là một phần để hỗ trợ người Palestine đang bị lực lượng Israel bao vây và bắn phá ở Gaza thời gian qua.

Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 15/2, thủ lĩnh lực lượng Houthi ở Yemen Abdul Malik al-Houthi ngày 15/2 cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công các tàu thuyền chở hàng trên Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột với Israel.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu Pollux vẫn tiếp tục hành trình sau khi bị Houthi tấn công hôm 17/2/2024. Ảnh: X

Theo hãng tin Reuters, sau đó hai hôm, Houthi thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào tàu chở dầu Pollux mà lực lượng này cho là tàu của Anh ở Biển Đỏ. Người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Sarea cho rằng lực lượng này đã bắn nhiều tên lửa nhắm trực tiếp và chính xác vào chở dầu Pollux. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay tên lửa bắn từ Yemen chỉ trúng mạn tàu và tàu Pollux có thể tiếp tục hành trình.

Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa trên một số tuyến đường từ Trung Quốc sang châu Âu tăng khoảng 400%. Theo Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni, tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ cũng đã khiến thời gian giao hàng tăng thêm 10 - 15 ngày. Ngoài ra, các cuộc tấn công của Houthi còn khiến giá container trung bình tăng gấp đôi trên toàn cầu trong tháng qua, đẩy giá cước tàu chở nhiên liệu đến một số điểm đến đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Xem video Iran trình làng hai loại vũ khí mới giữa căng thẳng ở Trung Đông. Nguồn: Reuters

Để đối phó với các cuộc tấn công của Houthi, ngày 17/1, Mỹ đã đưa Houthi trở lại danh sách “Các tổ chức khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt”. Với quyết định này, Houthi sẽ không thể tiếp cận các nguồn tài trợ và vũ khí để tấn công tàu thuyền qua lại tuyến đường vận chuyển quan trọng trên Biển Đỏ. Trên thực địa, từ ngày 12/1, quân đội hai nước Mỹ và Anh với sự hỗ trợ của nhiều đối tác và đồng minh bắt đầu tấn công các mục tiêu Houthi ở Yemen.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), dự kiến vào ngày 19/2 tới, khối này bắt đầu triển phái bộ hải quân  ở Biển Đỏ với sự tham gia của các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng trong trường hợp có mối đe dọa.

Hãng AFP đưa tin phái bộ nêu trên tên là Aspides, sẽ gồm ít nhất 4 tàu chiến. Tổng chỉ huy phái bộ này sẽ là Hy Lạp, trong khi việc điều hành hoạt động kiểm soát trên thực địa sẽ do Italy đảm nhận. Theo EU, phái bộ sẽ có thời hạn hoạt động ban đầu là 1 năm. Nhiệm vụ chỉ giới hạn ở bảo vệ tàu dân sự tại Biển Đỏ và sẽ không thực hiện các vụ tấn công vào lãnh thổ Yemen.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters, AFP)
Houthi thừa nhận tấn công tàu chở dầu Pollux
Houthi thừa nhận tấn công tàu chở dầu Pollux

Ngày 17/2, lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào tàu chở dầu Pollux mà lực lượng này cho là tàu của Anh ở Biển Đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN