Các lực lượng Iraq giải phóng Đại học Mosul

Các lực lượng Iraq ngày 14/1 đã giành lại kiểm soát Đại học Mosul từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đây là thành công mới nhất trong các nỗ lực nhằm giải phóng thành phố Mosul, sào huyệt lớn cuối cùng của IS ở raq.

Binh sĩ Iraq tuần tra trên một con phố ở Mosul ngày 9/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Thiếu tướng Maan Saadi, Chỉ huy đơn vị chống khủng bố Iraq (CTS) tuyên bố trên kênh truyền hình Iraqiya: "Đại học Mosul đã được giải phóng. Chúng ta đã hoàn thành được phần nhiệm vụ khó khăn nhất...".

Đại học Mosul là một trong những trường đại học lớn nhất Iraq, nằm ở phía Bắc thành phố Mosul. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất của IS tại bờ Đông sông Tigris, vốn là ranh giới chia Mosul thành hai nửa Đông - Tây. Việc giành lại Đại học Mosul là thắng lợi quan trọng bởi từ địa điểm này có thể cho phép tạo ra các bước tiến lớn hơn.

Tướng Saadi cho biết quân đội Iraq "sẽ giải phóng toàn bộ phần phía Đông thành phố trong vòng 10 ngày tới". Theo ông Saadi, kể từ khi phát động chiến dịch giải phóng Mosul ngày 17/10/2016, các lực lượng Iraq đã giành lại được 85% phần lãnh thổ bờ Đông sông Tigris.

Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, các lực lượng chính phủ đã giành lại nhiều khu vực ở ngoại ô, tuy nhiên cuộc chiến đã diễn ra ác liệt hơn ở bên trong thành phố. Sau một thời gian tạm lắng, với sự yểm trợ từ trên không cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn của liên quân do Mỹ đứng đầu, CTS và các lực lượng khác đã tăng cường phối hợp đã đẩy mạnh chiến dịch từ trước thềm Năm mới 2017.

Các cuộc không kích gần đây đã phá hủy nhiều cây cầu trên sông Tigris, giúp chặn các tuyến đường tiếp tế cho các tay súng IS ở bở Đông, đồng thời cũng cắt đường trốn chạy của chúng sang bờ Tây.


Hiện bờ Tây sông Tigris vẫn đang bị IS chiếm đóng. Đây là nơi có khu phố cổ và một số pháo đài lịch sử. Dự báo, chiến dịch giải phóng khu vực này sẽ vấp phải sự chống cự mạnh nhất của IS.

Các tay súng IS đã chiếm đóng Mosul từ mùa Hè năm 2014, tuyên bố thiết lập cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tại đây sau khi chiếm phần lớn lãnh thổ trải dài từ Iraq đến Syria.

TTXVN/Tin Tức
Những động cơ, toan tính 'ngầm' của Iran và Saudi Arabia ở Mosul
Những động cơ, toan tính 'ngầm' của Iran và Saudi Arabia ở Mosul

Cuộc chiến ở Mosul cho thấy sự cạnh tranh chính trị và thù địch giáo phái, đặc biệt là giữa các cường quốc khu vực như Iran và Saudi Arabia, làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Iraq và phức tạp cuộc chiến chống lại IS. Vậy những lợi ích và các mục tiêu thực sự của Iran và Saudi Arabia ở Mosul thực sự là gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN