100 năm thảm kịch Titanic: Nỗi ám ảnh ở Southampton

Không có nơi nào trên thế giới phải chịu nhiều đau khổ và ám ảnh như thành phố Southampton (Anh) khi con tàu huyền thoại Titanic chìm xuống biển cách đây một thế kỷ. Bởi lẽ 549 công dân của thành phố này – những thủy thủ trên tàu Titanic - đã vĩnh viễn đi cùng con tàu đó vào ngày 15/4 định mệnh.

Đám đông tụ tập bên ngoài bảng tin dán danh sách người đã được giải cứu từ con tàu Titanic trước trụ sở một tờ báo ở New York. Ảnh: Internet


Có được một công việc trên con tàu nổi tiếng Titanic là ước mơ thành hiện thực của những thủy thủ này năm 1912. Làm việc trên Titanic nghĩa là được nuôi ăn ba bữa một ngày, có chỗ ngủ nghỉ trong thời buổi kinh tế đặc biệt khó khăn lúc bấy giờ.

3/4 thủy thủ trên tàu Titanic là người ở Southampton. Nhiều người làm thợ đốt lò trong phòng động cơ của con tàu, một số làm phục vụ hành khách.

Khi Titanic rời cảng Southampton ngày 10/4/1912, những người dân ở Southampton tiễn người thân trong niềm tự hào khôn xiết.

Trái với không khí hồ hởi đó, 5 ngày sau, khi tin dữ bay về, không từ nào có thể tả hết không khí tang tóc và u ám ở Southampton.

Bà Maria Newbery, giám đốc bảo tàng SeaCity, một bảo tàng hàng hải về các thủy thủ của Titanic vừa mới mở, nói: “Chuyện về con tàu Titanic ở Southampton rất đặc biệt vì phần lớn thủy thủ đoàn đều là người Southampton và câu chuyện này chưa được biết tới nhiều”.

Chỉ vài giờ sau thảm họa, mẩu tin đầu tiên đã được đăng trên một tờ báo địa phương – điều mà không ai có thể tin nổi lúc mới đọc. Khi sự thật không còn có thể phủ nhận được, cả thành phố dường như bàng hoàng. Ông Charles Morgan, khi đó mới 9 tuổi, nhớ lại: “Tôi cho rằng khó có thể tìm được một con phố nào ở Southampton mà không mất một người thân trên Titanic”.

Người thân của họ lo lắng tụ tập quanh bảng tên của những người thiệt mạng dán bên ngoài văn phòng của công ty White Star Line – chủ tàu Titanic.

Trong số 724 thành viên thủy thủ đoàn Titanic sống ở Southampton, chỉ có 175 người sống sót.

Một trong số những người sống sót là Alexander Littlejohn, một phục vụ trên khoang hạng nhất. Ông được ra lệnh chèo một trong những chiếc thuyền cứu sinh toàn phụ nữ và trẻ em.

Cháu trai của ông, Phillip, kể lại: “Lúc đó ông mới chỉ 40 tuổi nhưng cú sốc đã khiến tóc ông bạc trắng trong vòng vài tháng. Ông không bao giờ nói về vụ chìm tàu dù những người sống sót ai cũng kể. Ông phải nuôi sống nhiều người nên ông lại tiếp tục làm việc trên con tàu chị em của Titanic là Olympic”.
Bảo tàng SeaCity còn có một bản đồ đánh dấu đỏ những ngôi nhà có thủy thủ chìm cùng tàu. Những dấu chấm đỏ dày đặc ở những khu vực của người dân lao động gần khu vực bến tàu.

Những gia đình nghèo khó đã mất những người thân là trụ cột gia đình trong chuyến tàu định mệnh đó. Họ đã phải nhờ cậy vào tiền từ thiện của thành phố quyên góp sau tai nạn. Mỗi một buổi hòa nhạc hay ngày lễ thánh ở nhà thờ đều trở thành một buổi gây quỹ từ thiện cho nạn nhân tàu Titanic.

Khi mà 100 năm thảm kịch Titanic đang đến gần, Southampton đã trở thành một miếng nam châm kéo hậu duệ của những người đã khuất đến đây để nhớ về họ.


Thùy Dương

Những bức ảnh hiếm hoi về tàu Titanic
Những bức ảnh hiếm hoi về tàu Titanic

Cách đây đúng 100 năm, khi va phải tảng băng trôi vào cái ngày định mệnh 15/4/1912, con tàu Titanic huyền thoại không chỉ nhấn chìm hàng trăm hành khách xuống đáy đại dương mà dường như còn xóa đi hoàn toàn dấu tích về cuộc sống từng hiển hiện trên tàu. Nhưng sự thật không phải như vậy...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN