Xóa rào cản trong đào tạo nghề

Nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai coi trọng công tác đào tạo nghề cho lao động ở vùng thành thị và nông thôn, góp phần quan trọng giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Trong 5 năm (2011 - 2015), tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 70.000 lao động, bình quân hàng năm đào tạo khoảng 14.000 lao động ở các trình độ và giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động.

Dạy nghề khai thác mủ cao su tại Công ty 75 - Binh đoàn 15.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề vẫn còn những rào cản và chưa tương xứng với tiềm năng lao động. Trong tổng số lao động được đào tạo nghề 5 năm qua, tỷ lệ đào tạo theo hệ trung cấp và cao đẳng nghề chỉ chiếm 6,4%, số còn lại là lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn và phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự báo đến năm 2020 dân số trong toàn tỉnh tăng lên đến 1,6 triệu người, đứng thứ 2 vùng Tây Nguyên (sau Đắk Lắk), nguồn lao động trong độ tuổi cũng tăng cao và ước tính có trên 1 triệu người.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là học sinh, gia đình và xã hội còn nặng về bằng cấp, coi việc học nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng. Trong khi đó, tỉnh chưa có biện pháp tích cực để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề nên các trường dạy nghề gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. 

Các học viên học nghề sửa chữa máy kéo tại xã Gnar, huyện Đắk Đoa (Gia Lai).

Nhiều lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ văn hóa thấp, chưa nhận thức được lợi ích của việc học nghề hoặc do khó khăn về kinh tế nên ít tham gia học nghề.

Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề còn ở mức thấp chưa đáp ứng nhu cầu học tập; chưa có sự thống nhất về các chính sách liên quan đến doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề nên hầu hết các doanh nghiệp chưa chủ động vào cuộc.

Để tháo gỡ rào cản trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã có nhiều đề xuất, kiến nghị và coi đây là những giải pháp mang tính căn cơ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ở các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Đó là tăng mức học bổng trợ cấp xã hội cho học sinh học nghề là dân tộc thiểu số bằng 60% mức lương tối thiểu thay cho mức 140.000đồng/tháng như hiện nay; có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo hoặc cùng với cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo nhân lực gắn với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ đầu tư đồng bộ cho các trường đào tạo các nghề trọng điểm để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; thành lập trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động để phục vụ cơ quan quản lý nhà nước định hướng đào tạo nguồn nhân lực và quản lý thị trường lao động vùng Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Văn Thông
Say mê bảo tồn các nhạc cụ truyền thống ở Tây Nguyên
Say mê bảo tồn các nhạc cụ truyền thống ở Tây Nguyên

Kaly Tran sinh năm 1988, người dân tộc Ba Na, hiện đang sống tại làng Kon Klor, thành phố Kon Tum (Kon Tum) là người rất tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN