MDEC – Hậu Giang 2016: Chủ động hội nhập

Tối 11/7, tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang năm 2016 (MDEC – Hậu Giang 2016) với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sứ quán và các tổ chức quốc tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tham dự khai mạc MDEC – Hậu Giang 2016.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam khi chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại lễ khai mạc

Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, ĐBSCL là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng đã gây nên những thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng như đời sống và sinh kế người dân trong vùng.

Ông Sơn Minh Thắng – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại lễ khai mạc.

Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn “an toàn, trù phú và bền vững” làm trọng tâm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Đảng và chính quyền các tỉnh trong vùng đã và đang hướng tới các giải pháp tổng hợp, vừa mang tính cấp bách cũng như những chiến lược lâu dài, có tính chất liên vùng, liên ngành để hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại lễ khai mạc.

Qua diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hy vọng các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các dịa phương sẽ tìm ra những cơ hội tốt để hợp tác; các tỉnh, thành cần có những chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực các nhà đầu tư, phù hợp với chính sách chung và điều kiện thực tế của địa phương; làm tốt cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam tới năm 2020.

Ông Sơn Minh Thắng – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận bảng tượng trưng số tiền trao tặng tăng an sinh xã hội vùng ĐBSCL.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ban tổ chức diễn đàn, các bộ, ban ngành và địa phương trong việc tổ chức Diễn đàn với nội dung phong phú và thiết thực.


Qua 8 lần tổ chức, MDEC đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực và đang tạo ra một số tiền đề quan trọng cho hội nhập và phát triển. MDEC cũng đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng; giữa vùng ĐBSCL với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước; với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài nước để phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.


Sau lễ khai mạc, MDEC - Hậu Giang 2016 sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương và các hội nghị, hội thảo quan trọng, như: hội nghị “ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016, hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL”, hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị”.


Trước thềm của buổi Lễ khai mạc Diễn đàn, chiều nay tại TP Vị Thanh cũng đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang – tiềm năng đầu tư và phát triển”. Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đang có 33 dự án ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như chế biến nông thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển thương mại, du lịch.


Dịp này, tỉnh có 7 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, với tổng vốn mời gọi đầu tư hơn 330 triệu USD, bao gồm: dự án chế biến nước khóm (dứa) cô đặc xuất khẩu, dự án chợ nông sản chất lượng cao, dự án nhà máy bảo quản, chế biến trái cây, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang, dự án du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, dự án đầu tư vùng chăn nuôi tập trung Hậu Giang và dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt Hậu Giang.


Cũng theo ông Hùng, hội nghị lần này là dịp để các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và hợp tác đầu tư trên tất cả các lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần cho Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thương mại, du lịch.

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Về thủ tục đầu tư, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục, theo đó thời gian giải quyết đang được rút ngắn, nhất là chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư. Tỉnh chỉ đạo các sở ngành phối hợp tiếp tục tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất việc doanh nghiệp tự đi liên hệ. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thực hiện quan điểm nhất quán: ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ.

Đại diện thành phố Hà Nội, ngân hàng Agribank tại lễ khai mạc MDEC – Hậu Giang 2016.

Theo đó tại hội nghị, tỉnh Hậu Giang đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Đồng thời tỉnh cũng trao tặng bằng khen cho 10 doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong đầu tư cho tỉnh Hậu Giang thời gian qua.


Tính từ năm 2004 đến nay, tỉnh Hậu Giang thu hút được 3.710 doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 43.000 tỷ đồng; bình quân hàng năm có khoảng 310 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang – tiếm năng đầu tư và phát triển” diễn ra chiều ngày 11/7.

Đến nay, tỉnh đã thu hút được gần 500 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn hơn 120.000 tỷ đồng, gấp 7,4 lần so năm 2004. Bình quân hàng năm tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng 60 dự án, với số vốn bình quân tăng hàng năm trên 8.000 tỷ đồng. Cùng với đó, trong những năm qua, Hậu Giang đã thu hút được 27 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số hơn 800 triệu USD. Trong đó có 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%, với tổng vốn gần 650 triệu USD và 12 doanh nghiệp liên doanh, với tổng vốn hơn 165 triệu USD.


Bài và ảnh: Anh Đức
Đồng bằng sông Cửu Long - hội nhập để phát triển
Đồng bằng sông Cửu Long - hội nhập để phát triển

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016 (MDEC), với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” , do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 11 - 15/7/2016, tại tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đang rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị để có thể tổ chức tốt nhất sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN