Lâm Đồng: Tìm giải pháp ổn định đời sống người dân di cư

Lọt thỏm giữa rừng phòng hộ Sêrêpốk là một ngôi làng với hàng trăm mái nhà kiên cố đã và đang dần mọc lên. Đời sống của người dân nơi đây đang từng ngày "ăn" vào rừng.

Việc quản lý dòng người di cư vào khu vực này thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng như một số địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gây áp lực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh - trật tự ở địa phương trong đó có việc giữ rừng. 

Khi chúng tôi đề nghị vào tiểu khu 179, 178, thuộc xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, ông Trương Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh đắn đo: “Đang vào mùa mưa, đường vào đó khó khăn lắm, phải tranh thủ đi từ sáng sớm, xã bố trí thêm hai công an viên dẫn đường cho các anh”. 

Di cư tự do gây áp lực cho đất ở, đất sản xuất vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Anh

Trong khi chờ cán bộ xã dẫn đường vào rừng, ông Khánh cho chúng tôi xem những bức ảnh những lán trại trái phép vừa mọc lên được chụp từ rừng sâu. "Xã đang làm văn bản xin ý kiến chỉ đạo của huyện về việc thêm nhiều hộ dân dựng nhà lập xóm. Xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông có diện tích trên 24.000 ha, rộng tương đương với một tỉnh ở phía Bắc. Địa bàn rộng, lại bị chia cắt bởi nhiều đồi núi gây khó khăn cho việc quản lý di dân tự do” – ông Khánh nói. 

Từ trung tâm xã Liêng S’rônh, hành trình đến khu vực “nóng” về di dân tự do gần 80 km. Cung đường đất đá heo hút dẫn vào Tiểu khu 179 gồ ghề một bên là dòng sông Sêrêpôk chảy cuồn cuộn. Sau hơn 4 giờ đi xe máy, vượt qua nhiều cung đường khó khăn, trơn trượt, chúng tôi đến tiểu khu 179 – nơi có tình trạng di dân tư do diễn ra khá phức tạp. 

Cuộc sống khó khăn giữa rừng sâu 

Tiểu khu 179 nằm giữa rừng, một bên là sông Đắk Măng giáp với địa phận huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Đứng từ trên cao nhìn xuống, nơi đây đã dần hình thành một ngôi làng, một số căn nhà khá kiên cố. Cuộc sống người dân chủ yếu là trồng lúa nước, trồng cà phê, sắn trên đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đất rừng phòng hộ. Diện tích đất rừng tại đây không còn cây rừng, thay vào đó những ngôi nhà gỗ, nhà tranh tre và đất sản xuất. 

Vòng quanh ngôi làng, ngoại trừ những hộ dân đã vào một thời gian dài (từ 2003) có đất sản xuất, nhà của khá ổn định vẫn còn nhiều hộ dân mới đặt chân đến vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Hầu hết những người Mông vào Lâm Đồng, Tây Nguyên đều theo sự mách bảo của người đi trước truyền cho người đi sau. 

Họ cho rằng Tây Nguyên đất đai màu mỡ, phì nhiêu và là “miền đất hứa”. Tuy nhiên khi đến Đam Rông, những người di dân phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn thiếu thốn: nhà ở, thiếu lương thực, không đất sản xuất… Ngồi trước căn nhà gỗ, ông Giang Seo Chỉnh, người dân ngụ tại Tiểu khu 197, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông đưa tay chỉ về phía ngọn đồi phía xa nhớ lại: “Chục năm trước, đây là khu rừng rậm có nhiều cây gỗ quý, giờ chỉ còn lồ ô (tre nứa) thôi”. 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong vòng 10 năm (từ năm 2006-2016), số dân di cư tự do đã tăng lên nhanh chóng từ khoảng 260.000 nhân khẩu tăng lên 13.840 nhân khẩu. Đồng nghĩa với việc tăng số dân cơ học là tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy. Tổng diện tích bị lấn chiếm tính từ năm 2014 đến nay là trên 534 ha tập trung chủ yếu tại các tiểu khu 175B, 176 và 179 thuộc huyện Đam Rông. Tiểu khu 176 đã có trên 176 ha rừng bị “đốt sạch”. 

Ông Ma Seo Cháng (43 tuổi quê Hà Giang), một trong những người đầu tiên vào Tiểu khu 179, đưa chúng tôi tới những hộ dân mới vào cách đây chỉ vài tuần. Những căn nhà tre nứa dựng tạm nằm cheo leo bên sườn đồi, có gia đình 2-3 thế hệ, với khoảng 14 người cùng sống chung. Gia đình ông Vừ Sềnh Tùng, quê gốc Mường Chà, Điện Biên vừa mới vào đến Tiểu khu 179 khoảng một tháng. 
 
Cả gia đình 14 người nhưng không có đất sản xuất. Ông Ma Seo Cháng cho biết: Hiện nơi đây chưa có trường Tiểu học, chưa có cán bộ y tế thôn bản, việc sinh nở phải đi xa gần 80 km mới đến trung tâm xã, có khi phải sang Đắk Nông mới có bệnh viện. Điều khó khăn nhất là gần 100 hộ dân không có bất kỳ một giấy tờ gì để có thể làm thủ tục mua xe máy, trẻ em chỉ học đến lớp 4 con muốn học thêm nữa cũng không được vì không có hồ sơ. 

Bài toán khó 

Không chỉ riêng trên địa bàn xã Liêng S’rônh, các địa bàn khác như xã Đạ Long, Đưng K Nớ, Đạ Sar huyện Lạc Dương cũng đang đối mặt với việc chăm lo cuộc sống, quy hoạch khu định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp đất ở và đất sản xuất cho dân di cư tự do. Đây là vấn đề nan giải cho các địa phương. 

Nói về những khó khăn trong quản lý di cư tự do, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Hầu hết những người dân nơi đây chưa được đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, chưa có tổ chức thôn, buôn được chính quyền công nhận mà chủ yếu là tự quản. Do sinh sống ở khu vực xa xôi, hẻo lánh chưa được phép định canh, định cư, người dân sống tại các tiểu khu này chưa được hưởng bất kỳ chính sách nào của nhà nước như giáo dục, y tế an sinh xã hội”. 

Từ năm 2014 đến tháng 5/2016, thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, UBND huyện Đam Rông đã có rất nhiều báo cáo gửi các cấp, Bộ, ngành, gần đây nhất báo có số 93/BC-UBND gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện Quyết định này. Đoàn công tác của Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát và thống nhất đề xuất chủ trương đưa vào quy hoạch bố trí dân cư trong thời gian tới tại Tiểu khu 179 xã Liêng S’rônh để sắp sếp bố trí ổn định dân cư tại chỗ cho hơn 100 hộ với 600 nhân khẩu đang sinh sống. 

Trong những năm qua, huyện Đam Rông được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt bốn điểm định canh, định cư cho 450 hộ với trên 2.400 nhân khẩu di cư tự do, chủ yếu là người Mông; đã xây dựng hoàn thành các điểm định canh, định cư tại xã Rô Men, Phi Liêng và xã Liêng S’rônh. 

Tại cuộc họp vừa tổ chức vào giữa tháng 5/2017 về điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng của tỉnh Lâm Đồng, các đại biểu đã nêu lên vấn đề khi Chính phủ kiên quyết chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp, các địa phương gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề dân di cư tự do trên địa bàn. Để giải quyết được vấn đề dân di cư tự do, rất cần có sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa của cấp trên. 

Ông Bon Yô Soan, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, cho rằng cần quản lý chặt, “khoanh vùng” những hộ dân đã sinh sống lâu năm tại các Tiểu khu 178, 179, và Tây Sơn (xã Liêng S’rônh), không để tình trạng di cư mới phát sinh, từ đó có chính sách ổn định và thực hiện việc định canh định cư. Qua đó mới có thể quản lý bảo vệ được rừng, họ chính là là người có trách nhiệm giữ màu xanh của rừng. Đây là cơ sở để thực hiện các chính sách chăm lo đến đời sống, an sinh xã hội. 

Ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Đối với các điểm dân cư có các hộ dân đã sinh sống tại các Tiểu khu 177, 178, 179, 180 xã Liêng S’rônh (dân đã sống lâu năm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh bổ sung, rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư đến tháng 5/2017. Qua đó, để bổ sung vào Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 định hướng 2025. 

“Đặc biệt, đối với những khu vực có tình trạng di cư tự do mới phát sinh, lấn chiếm đất rừng, chính quyền sở tại, đơn vị quản lý bảo vệ rừng cần sớm báo cáo UBND tỉnh để sớm xử lý, cương quyết vận động, giải tỏa, đưa dân ra khỏi rừng” – ông Hưng nói. 

Việc chăm lo cuộc sống, quy hoạch khu định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp đất ở và đất sản xuất cho dân di cư tự do là vấn đề hết sức nan giải cho các địa phương khi phải liên tiếp đón nhập làn sóng di cư từ nơi khác đến. 

Tình hình dân di cư tự do hiện nay của tỉnh Lâm Đồng đang là bài toán khó, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương... Để có thể giải quyết có hiệu quả vấn đề này, cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp hành động chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan. Đặc biệt là phải có các giải pháp đồng bộ, nhất là vấn đề giải quyết, bố trí nguồn vốn đề tỉnh có kinh phí sắp xếp, ổn định cuộc sống cho bà con di cư tự do.

Đặng Tuấn (TTXVN)
Điện Biên tập trung giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do ở Mường Nhé
Điện Biên tập trung giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do ở Mường Nhé

Chiều 21/4, UBND tỉnh Điện Biên đã hội nghị thống nhất giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch 420 của tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN