Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện biên giới Tuy Đức là huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Nhiều năm qua, Tuy Đức luôn được ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định dân di cư không theo quy hoạch.

Chú thích ảnh
Mắc ca trồng xen cà phê tại xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ưu tiên nguồn lực cho huyện biên giới

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên nguồn lực từ nguồn đầu tư của trung ương và ngân sách tỉnh cho huyện. Một trong những nguồn lực lớn là từ ba chương trình mục tiêu quốc gia. 

Riêng trong hai năm 2022 – 2023, tổng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Tuy Đức gần 347 tỷ đồng (chiếm gần 18,5% tổng vốn các chương trình cho 8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông).

Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và việc lồng ghép nguồn vốn với một số chương trình, dự án khác, huyện Tuy Đức đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình giao thông, kênh mương nội đồng, trường học… phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, học tập của Nhân dân. 

Nhìn chung, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc huyện Tuy Đức. 

Trường Mầm non Hoa P’lang, tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, hiện có 520 học sinh. Đây là một trong những trường mầm non có số học sinh đông nhất huyện. Những năm qua, thầy trò Trường Hoa P’lang đã có nhiều nỗ lực trong công tác dạy và học, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của người dân địa phương. 

Chú thích ảnh
Sửa chữa, nâng cấp đường vào xã Đắk Ngo, xã vùng sâu vùng xa nhiều khó khăn nhất huyện Tuy Đức nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Tuy nhiên, diện tích sân trường, khu vui chơi nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động ngoài trời. Con đường vào trường vừa hẹp, vừa dốc, khiến việc đi lại, đưa đón học sinh gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Trường Mầm non Hoa P’lang được đầu tư thêm phòng học, nhà đa năng và mở cổng mới… Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất không bị vướng về thủ tục hay quy hoạch, đã tạo điều kiện cho nhà thầu thi công bảo đảm đúng tiến độ đề ra. 

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa P’lang chia sẻ, nhà trường rất phấn khởi vì được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện nay, đơn vị thi công và nhà trường đang phối hợp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Ông Ngô Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So chia sẻ, xã Đắk Búk So phấn đấu năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia là một nguồn lực rất lớn, kịp thời và đã có tác động rất lớn đến việc hoàn thành chương trình nông thôn mới tại xã. Đối với các dự án không vướng mặt bằng, nguồn vốn thì sẽ được triển khai trước để sớm đưa công trình vào phục vụ nhân dân. Các dự án còn một số khó khăn, vướng mắc thì xã nhanh chóng tổng hợp, báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ. 

Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Tuy Đức được giao là gần 542 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương gần 492 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng gần 50 tỷ đồng triệu đồng. Riêng trong hai năm 2022 – 2023, tổng kế hoạch vốn được giao gần 347 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 hơn 150 tỷ đồng, năm 2023 gần 197 tỷ đồng. 

Cũng theo báo cáo của ngành chức năng huyện Tuy Đức, kết quả giải ngân chung ba chương trình mục tiêu quốc gia trong hai năm 2022 – 2023 đạt gần 38% kế hoạch, đứng thứ 4/8 huyện, thành phố tỉnh Đắk Nông. Kết quả này là cao nhất trong 5 huyện, thành phố phía Nam của tỉnh (bao gồm Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk G’long, Tuy Đức, và thành phố Gia Nghĩa) nơi rất nhiều dự án, chương trình bị vướng quy hoạch bô xít, không thể triển khai.

Chú thích ảnh
Trung tâm xã Đắk Búk So, thủ phủ của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, nhìn chung, hiện việc triển khai một số số dự án, tiểu dự án thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Tuy Đức vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi bật là một số vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, quy định “nội tại” của các chương trình, kế đó là một số vướng mắc liên quan tới quy hoạch (như quy hoạch bô xít, quy hoạch ba loại rừng; quy hoạch sử dụng đất…) và một số vấn đề đặc thù của địa phương. 

Điển hình như việc triển khai tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) đang “vướng” và ngành chức năng huyện Tuy Đức đang đề xuất trả lại hơn 7,5 tỷ đồng.

Lý do là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thuộc đơn vị thụ hưởng các nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất trả lại hơn 300 triệu đồng thuộc tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện không thuộc đối tượng thụ hưởng và không có chức năng thực hiện.

Tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng vướng mắc, khó triển khai và ngành chức năng huyện Tuy Đức đề xuất trả lại hơn 650 triệu đồng. Nguyên do là người lao động là đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số không muốn đi làm việc xa gia đình; khả năng về tài chính, tài sản thế chấp vay vốn đều không đủ. Do vậy, việc tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài rất khó thực hiện.

Việc thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo cũng gặp nhiều khó khăn, triển khai rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là các hộ gia đình thuộc diện này đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất để làm nhà ở mới chỉ nằm trong quy hoạch đất ở (chưa chuyển đổi sang đất ở - PV); một số diện tích đất để làm nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch bô xít, quy hoạch ba loại rừng... nên chưa đủ điều kiện triển khai, thực hiện. 

Chú thích ảnh
Chế biến, đóng gói mắc ca tại Hợp tác xã nông nghiệp xanh Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Việc hỗ trợ đất sản xuất (thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) cũng rất khó khăn và hầu như không thể triển khai. Nguyên nhân là quỹ đất công của địa phương không còn; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất không thể hỗ trợ do các hộ này đang sinh sống trên đất lâm nghiệp, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai. 

Tiểu dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp tới nay chưa thể triển khai vì Ủy ban Dân tộc chưa ban hành bộ tài liệu, dẫn tới quá trình thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chưa thực hiện được.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khi thực hiện nôi dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường thì có nhiều nội dung chồng chéo với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nội dung đào tạo nghề không giải ngân hết được do nhu cầu của người dân địa phương thấp. Nội dung phổ cập, xóa mù chữ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng không thực hiện được do trùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Hiện nay, để đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND huyện Tuy Đức chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND các xã tăng cường công tác phối hợp, kịp thời rà soát những khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao. 

Chú thích ảnh
Cà phê là loại cây công nghiệp được trồng lâu năm và có diện tích lớn tại Tuy Đức.

Tiếp đó, huyện ưu tiên nguồn lực cũng như triển khai lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm giúp các xã này đạt được mục tiêu theo kế hoạch. 

Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình. Trong đó, người đứng đầu các ban, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình với tinh thần khẩn trương và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Nông, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các huyện, thành phố trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 52% nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, con số này của năm 2023 chỉ gần 11%. Trong số các khó khăn, vướng mắc thì khó khăn nhất là vướng quy hoạch bô xít. Toàn tỉnh có 149 dự án thuộc 3 chương trình vướng quy hoạch này với tổng vốn đầu tư hơn 865 tỷ đồng, trong đó riêng huyện Tuy Đức là 34 dự án với gần 300 tỷ đồng.

Theo kế hoạch giao mục tiêu, nhiệm vụ và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tổng vốn được phân bổ gần 250 tỷ đồng. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 120 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gần 98 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 31 tỷ đồng.

Hưng Thịnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN