Hoa đào miền Bắc thắm sắc ở Tây Nguyên

Từ nỗi nhớ quê, một người phụ nữ Nam Định đã gắn bó gần 20 năm với nghề trồng hoa đào, phục vụ thú chơi hoa ngày Tết cho bà con thành phố Kon Tum.

Chị Tô Thị Thắm sinh năm 1968, là người con đất Nam Định, theo chồng vào Kon Tum khi gần 30 tuổi. Mỗi khi Tết đến xuân về chị vẫn mong ngóng không khí ấm áp nơi quê nhà với cành đào đỏ thắm chơi Tết.

Chị Tô Thị Thắm tư vấn cách chăm sóc đào cho khách. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Từ nỗi nhớ quê, chị Thắm đã gắn bó gần 20 năm với nghề trồng hoa đào, phục vụ thú chơi hoa ngày Tết cho bà con tại thành phố Kon Tum.

Đến với nghề bằng cái duyên, năm 1998, chị Thắm xin một gốc đào đã qua sử dụng mùa Tết năm ấy về chăm sóc thử nghiệm, với những kinh nghiệm và kỹ thuật sẵn có, sau thời gian chăm sóc cành đào năm sau cho hoa rực rỡ nhưng bung cánh trước Tết vì chị vặt lá sớm. Rút kinh nghiệm, năm sau chị xin thêm ba gốc đào nữa và thay đổi thời gian bón phân, hãm thân, vặt lá. Năm ấy ngoài một gốc đào để lại chơi Tết, bagốc còn lại chị Thắm bán được 2 chỉ vàng.

Vui với thành công ban đầu, năm 2000, chị Thắm về Nam Định lấy giống đào đem vào Kon Tum trồng. Lúc đầu, chỉ lấy 60 gốc đào giống vì lo không bán được. Thuê thêm 1000 m2 đất, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ trước nên đến tháng 2 âm lịch, chờ Tây Nguyên có mưa đầu mùa rồi mới trồng. Đến tháng 9 âm lịch, anh chị tập trung hãm thân cây, đến rằm tháng 11 vặt lá rồi canh nếu có nụ sớm thì đắp đá lạnh xung quanh gốc để hãm cây ra hoa sớm...

Năm nào chị cũng nhập về từ trên 300 gốc đào bán Tết, có năm cao điểm chị Thắm nhập đến 500 gốc và năm 2017 này chị nhập khoảng 300 gốc phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu. Giá đào giao động từ 500.000đ – 1.000.000đ/gốc, có loại đào quý đến vài chục triệu đồng một gốc trong vườn nhà.

Khi chọn được gốc đào đẹp, ưng ý khách giữ để năm sau chơi tiếp nhưng không biết cách chăm sóc, chị Thắm lại có thêm việc là nhận chăm sóc đào cho khách. Cứ ra Tết khoảng nửa tháng Giêng, khách lại chở chậu đào đến ký gửi, viết tên lên chậu để đánh dấu cây của mình rồi đến khoảng 25 tháng Chạp đến rinh đào về chơi Tết, với giá chăm sóc giao động từ 500.000đ – 1.000.000đ/cây/năm; có những loại đào hiếm, đắt tiền công chăm sóc lên đến 5.000.000đ/cây/năm.

Mỗi năm có khoảng từ 100 – 150 gốc đào được khách ký gửi tại gia đình chị Thắm. Năm nay, vườn nhà chị Thắm đang lưu giữ 120 gốc đào và 17 gốc mai cho khách ký gửi, cùng vài trăm gốc đào mới xuất bán trong dịp Tết 2017. Trừ chi phí, mỗi năm trung bình gia đình chị Thắm cũng có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng từ việc bán và chăm sóc hoa đào cho khách.

Đến vườn hoa đào của chị Thắm vào dịp Tết đến gần kề, khách mua hoa sẽ cảm nhận được không khí se lạnh của chớm xuân, màu hồng e ấp của những nụ đào chớm nở. Ngay tại vườn, những gốc đào đang được gia đình chị Thắm bứng vào chậu, loại thì để khách ký gửi chở về nhà chơi Tết, loại mới trồng thì mang ra chợ hoa bán. Vào thời điểm này, cả ngày vườn nhà chị Thắm luôn nhộn nhịp người đến tham quan, mua đào hay chụp ảnh lưu niệm. Nhìn những tấm ảnh được chụp trong vườn đào nhà chị, cứ ngỡ như đang lạc vào chợ hoa miền Bắc bởi xung quanh đều là sắc hồng của đào bích, đào phai…

Chị Thắm là người tiên phong trong việc mang giống hoa đào Bắc đến trồng tại đất Tây Nguyên. Theo chị Thắm để sống được với nghề, người làm nghề này phải có đam mê, phải có máu nghệ sỹ mới tạo ra được những thế đào đẹp như thế trực, đại thụ, long thăng, long giáng…

Chị Thắm tâm sự: “Nghề nghiệp là cái duyên, có những kỷ niệm với nghề mà chẳng bao giờ quên được. Đó là năm 2009, lũ lịch sử tràn về Kon Tum, nước ngập cao hơn ngọn đào 3m, đợi nước rút, bùn lầy bao quanh cây cao cả mét. Cây thối rễ, chết sạch. Khách ký gửi đến lấy hoa về chơi Tết chỉ còn biết ngậm ngùi chia buồn cùng gia đình, năm ấy thiệt hại đến 300 triệu đồng. Buồn nhưng không nản, năm sau tôi lại tiếp tục ra Bắc lấy giống về trồng vì kinh tế thì ít nhưng niềm vui chính là được đem xuân miền Bắc đến với người Tây Nguyên.”

Xuân Đinh Dậu 2017 này, vì số lượng ký gửi và lượng đào mới nhập về cũng nhiều nên anh chị mở thêm cơ sở 2 tại ngã tư đường Hùng Vương - Phan Huy Chú, thành phố Kon Tum. Anh Tam vốn là người yêu hoa, cây cảnh từ trước nên việc phụ giúp vợ rồi mở thêm chi nhánh là việc làm được ấp ủ vài năm nay. Hiện tại, cơ sở 2 của vợ chồng anh có thêm 130 gốc đào để chuẩn bị bán trong dịp này. Quen việc, mỗi người một cơ sở, anh chị dành trọn thời gian chăm sóc đào, nhất là vào dịp Tết đến Xuân về để kịp phục vụ cho nhu cầu chơi hoa Tết của bà con.

Chị Lê Thị Thúy Diễm, người chơi đào lâu năm, cho biết: “Đào là biểu tượng xuân miền Bắc, tôi chơi đào hơn chục năm nay và năm nào cũng gửi cho chị Thắm chăm sóc đến Tết mang về. Năm nay, tôi gửi chăm 1 chậu đào phai và 3 chậu đào bích, vừa sang thăm cây thấy đào năm nay rất đẹp, đang hé nụ đợi xuân làm mình cảm nhận được không khí ấm áp của cái Tết gần kề. Gia đình chị Thắm chăm sóc rất uy tín và có tâm, hoa đào năm nào cũng như ý nên tôi đã giới thiệu rất nhiều người đến ký gửi tại đây.”

Khắp cả nước đang rộn ràng không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nhà đang chuẩn bị cho mình vài chậu hoa như ý. Với người dân Kon Tum, chơi đào ngày Tết cũng dần thành thói quen để cảm nhận gần hơn cái Tết miền Bắc qua sự e ấp của nụ đào xuân.

Hồng Điệp (TTXVN)
Thêm 211 hộ dân Kon Tum có điện dịp trước Tết
Thêm 211 hộ dân Kon Tum có điện dịp trước Tết

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu,tỉnh Kon Tum có thêm 211 hộ dân được đóng điện đón xuân.Đây là niềm vui lớn của người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN