'Giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Êđê

Trăn trở khi thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nguy cơ bị mai một, bà H’Yam Bkrông (sinh năm 1965), buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã khởi xướng thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông.

Chú thích ảnh
Bà H’Yam (trái), Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông hướng dẫn xã viên dệt thổ cẩm. Ảnh: TTXVN phát

Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12 km, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông hiện có 45 thành viên, đều là người dân tộc Êđê. Xã viên hợp tác xã đều biết dệt may thành thạo các sản phẩm như y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… Doanh thu của Hợp tác xã ổn định khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, trong đó thu nhập của xã viên trung bình từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này không cao so với các ngành nghề khác song đã góp phần giúp chị em xã viên ổn định kinh tế gia đình, giữ gìn được nghề truyền thống. Đây được xem là thành quả đối với những nỗ lực không mệt mỏi của bà H’Yam và các xã viên.

Bà H’Yam kể lại, năm 2003 khi là Ủy viên Ban Thường vụ Hội liên hiệp phụ nữ xã, bà thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nét đẹp và bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê đang dần bị lãng quên. Dệt thổ cẩm lúc bấy giờ chỉ là phương pháp dệt thủ công, nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu dùng trong gia đình, được phụ nữ trong buôn tranh thủ dệt lúc rảnh rỗi. Với khao khát giữ lửa cho nghề dệt truyền thống và giúp chị em có thêm thu nhập, bà H’Yam đã mạnh dạn đề xuất Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban nhân dân xã thành lập tổ dệt. Bản thân bà H’Yam cũng đi vận động chị em trong buôn và các buôn lân cận tham gia. May mắn là chị em hưởng ứng nhiệt tình và thống nhất chọn mô hình hợp tác xã để khởi xướng "giữ lửa" nghề dệt.

Ban đầu khi mới thành lập, do khó khăn, Hợp tác xã chỉ có 3 xã viên góp vốn theo quy định, các xã viên khác chỉ có thể góp 50 - 100 ngàn đồng. Lúc bấy giờ, tay nghề xã viên chưa có, sản phẩm chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ nên khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Được Hội liên hiệp  phụ nữ xã cho vay 1,2 triệu đồng, hợp tác xã đã mua khung dệt và mời nghệ nhân trong buôn dạy xã viên dệt, may. Ngoài ra, bà H’Yam cùng các thành viên đã tích cực học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoa văn nên khâu tiêu thụ ngày càng tốt hơn.

Những tháng ngày khó khăn ấy, với vóc dáng nhỏ nhắn và tấm lòng yêu ngành nghề truyền thống, bà H’Yam đã kiên trì tìm kiếm, thuyết phục khách hàng. Đến nay, hợp tác xã đã có đầu ra ổn định tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ninh. Ngoài ra, sản phẩm của hợp tác xã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc.

Chú thích ảnh
Hiện nay, xã viên hợp tác xã đều đã biết dệt may thành thạo các sản phẩm như y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em. Ảnh: TTXVN phát

Sau 5 năm tham gia Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Phi Líp Byă (sinh năm 1992, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây chị không biết may và dệt thổ cẩm. Từ khi tham gia hợp tác xã, chị được học dệt, học may, nhờ đó biết dệt thổ cẩm bằng tay, bằng máy; biết cắt may những bộ trang phục truyền thống, giỏ xách các loại. Chị H’Phi Líp chia sẻ, nhờ bà H’Yam giúp đỡ nên chị và các chị em trong hợp tác xã có được nghề dệt may, tạo ra những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho du khách xa gần, có thu nhập ổn định.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, giảm giá thành sản phẩm và cạnh tranh được với thổ cẩm của các dân tộc khác, sau khi Hội liên hiệp phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay vốn, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã mạnh dạn đầu tư thêm 5 máy dệt và các máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi.

Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông chia sẻ, dù sản phẩm của hợp tác xã được cải tiến, mẫu mã thay đổi thường xuyên nhưng nền màu đen và họa tiết màu đỏ sẽ mãi không thay đổi vì đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Êđê.

Về kinh nghiệm để hợp tác xã ngày càng phát triển, bà H’Yam cho biết, bà và Ban quản trị Hợp tác xã luôn đề cao tính công bằng, minh bạch trong quá trình hoạt động và phân chia lợi nhuận cho xã viên. Ngoài ra, mọi người hợp tác xã còn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, kịp thời biểu dương các xã viên điển hình để tạo khí thế sôi nổi trong thi đua sản xuất.

Ngoài nghề dệt thổ cẩm, để tăng thêm thu nhập cho xã viên, hợp tác xã còn xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn và khoảng 300 con lợn. Với những lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, hiện Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với 3 nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Êđê. Khách du lịch đến đây, có thể được dệt thổ cẩm, được tham quan trải nghiệm đời sống, thưởng thức món ăn của người Êđê; say sưa trong tiếng cồng, tiếng chiêng, trong hương men rượu cần.

Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Ea Kao Trịnh Thị Tuyết cho biết, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông là mô hình mà chính quyền địa phương rất tâm đắc. Sự thành công của hợp tác xã hiện nay có sự đóng góp quan trọng của bà H’Yam, một người gương mẫu, giỏi quản lý, nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt tốt thông tin thị trường. Những việc làm của bà có lợi cho người dân địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số tại chỗ; qua đó người dân đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bà H’Yam còn là Buôn trưởng buôn Tơng Jú, là người có uy tín với cộng đồng, triển khai được các phong trào thi đua yêu nước đến đông đảo người dân trong buôn.

Với những nỗ lực trong 17 năm qua, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, hợp tác xã còn được nhận 4 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, 3 Bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chú thích ảnh
Bà H’Yam (phải), Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông quan sát, hướng dẫn xã viên dệt thổ cẩm. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Về dự định trong thời gian tới, bà H’Yam chia sẻ mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc, đời sống của người Êđê đến đông đảo du khách. Tuy nhiên, để đầu tư cho du lịch cộng đồng, kinh phí của hợp tác xã còn eo hẹp, cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành. Hợp tác xã cũng mong muốn được tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức về mô hình du lịch cộng đồng; liên kết quảng bá, tiêu thụ cho các sản phẩm thổ cẩm.

Về buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột có thể thấy vẻ đẹp lao động miệt mài bên khung dệt của những người phụ nữ Êđê nơi đây. Cũng chính nhờ nghề dệt này, mỗi người phụ nữ am hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc để có thể tự tin làm một hướng dẫn viên quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cuộc sống thường ngày cho du khách. Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông cũng trở thành hợp tác xã kiểu mẫu về tính nhanh nhạy, nắm bắt thị trường song giữ lửa được ngành nghề truyền thống của dân tộc, thiết thực cùng địa phương xóa đói giảm nghèo.

Hoài Thu (TTXVN)
Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm - nét đẹp của phụ nữ Bahnar
Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm - nét đẹp của phụ nữ Bahnar

Theo thời gian, nhiều văn hóa bản sắc dân tộc tại Gia Lai dần mai một nhưng riêng nghề dệt thổ cẩm vẫn luôn được phụ nữ Bahnar gìn giữ như là một bảo chứng cho phái đẹp dân tộc mình. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN