Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở - Bài 2: Còn nhiều bất cập

Sạt lở vẫn tiếp tục gia tăng, các chuyên gia môi trường đánh giá là “khó có biện pháp tại chỗ nào ở vùng, công trình hay phi công trình, có thể cưỡng lại”.

Các cọc bê tông kè sông Ô Môn (Cần Thơ) bị sạt lở đẩy dạt ra phía ngoài. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Các giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, ven biển hiện tại cần phải có đánh giá một cách đầy đủ nhằm rà soát lại các bước đi tiếp theo cho phù hợp. Từ đó mới có những giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết những bất cập trong quá trình khai thác vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giải pháp công trình không theo kịp tốc độ sạt lở

Trong những năm qua, Chính phủ và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng vốn từ nhiều nguồn để triển khai các giải pháp công trình nhằm xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển, đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và đáng lo ngại hơn khi tình hình sạt lở được nhiều nhà khoa học và cơ quan chức năng dự báo ngày càng tiếp tục gia tăng.

Có thể dẫn chứng tại tỉnh Trà Vinh, tình hình sạt lở bờ sông, ven biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nghiêm trọng. Tại nhiều địa phương, sạt lở đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có 19 điểm sạt lở; trong đó có 16 điểm sạt ven sông Hậu thuộc các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và sông Cổ Chiên thuộc huyện Càng Long và 3 điểm sạt lở ven biển gồm khu vực bờ biển xã Hiệp Thạnh, bờ biển ấp Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) và khu vực Cồn Nhàn (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải).

Theo ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân ở 19 điểm sạt lở nói trên thì phải triển khai đầu tư các dự án công trình với nguồn vốn dự trù hơn 2.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn vượt qua khả năng nguồn vốn của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Trà Vinh chỉ có thể tập trung đầu tư công trình phòng, chống sạt lở ở những nơi đặc biệt xung yếu mang tính cấp bách.

Thực tế này không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Trà Vinh, hiện nay có rất nhiều tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đủ nguồn lực để đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở. Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tính đến năm 2017, mới chỉ có khoảng 138/633km chiều dài sạt lở các bờ sông, kênh rạch của 13 tỉnh, thành được đầu tư các công trình kè bảo vệ bờ sông kênh rạch kiên cố, bán kiên cố và những công trình dân gian sử dụng phên tre, cọc tràm… với tổng nguồn vốn lên đến gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời cũng chỉ có trên 49/285km chiều dài bờ biển bị xói lở được đầu tư các công trình như kè, đê phá sóng… với tổng số vốn hơn 1.620 tỷ đồng.

Xem xét lại hiệu quả

Khu vực xảy ra sạt lở mới nhất vào ngày 6/4/2018 là nơi đang thi công dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (Cần Thơ) giai đoạn 3. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo các chuyên gia về môi trường, tiến độ đầu tư các công trình không theo kịp tốc độ sạt lở bờ sông, biển do thiếu nguồn vốn chính là từ hệ quả của cách làm cục bộ theo địa phương, kiểu “uống thuốc giảm đau”, thấy đâu trị đó với tầm nhìn ngắn hạn. Điều đáng lưu tâm hơn nữa chính là những công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, biển nói trên chưa thực sự bền vững và mang lại hiệu quả lâu dài.

Về giải pháp công trình, mặc dù đã được Nhà nước đã đầu tư những dự án như: kè bê tông kết hợp đứng, nghiêng trên sông Maspero, tỉnh Sóc Trăng; kết cấu kè bảo vệ bờ sông Tiền khu vực thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; kè chống sạt lở bờ sông Hậu, tỉnh An Giang… nhưng theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đến nay vẫn chưa có đánh giá được hiệu quả của các dự án này một cách tổng thể.

Đối với công trình bán kiên cố, sau thời gian sử dụng thì hầu hết bị hư hỏng do công trình thiếu hoặc tầng lọc ngược không bảo đảm thoát nước. Bởi dòng chảy thấm (do sóng, mưa, triều…) từ trong bờ ra mang theo đất bờ ra ngoài làm phía sau kè bị rỗng dẫn đến mất ổn định cục bộ do xói chân kè và chưa có phương án nào để dự phòng xói. Còn đối với công trình do người dân tự kè chắn thì lại chưa có nghiên cứu tổng kết loại vật liệu phù hợp làm kè chống sạt lở áp dụng cho các vùng có những điều kiện tự nhiên khác nhau.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, làm kè bằng bê tông bờ sông một phía sẽ khiến bờ sông có kết cấu bên cứng, bên mềm. Trong trường hợp lưu lượng nước về nhiều, nếu dòng chảy không tràn bờ được, vận tốc sẽ tăng, năng lượng không được tiêu hao ở nơi có kè sẽ tác động mạnh hơn về hạ lưu nơi không còn kè, thậm chí còn phá hỏng cả kè. Do vậy, việc kè bê tông hóa cần được tính toán kỹ “mặt được – mặt mất” với các hệ quả sẽ tích lũy theo thời gian. Đặc biệt càng nghiêm trọng hơn khi dự báo sạt lở tiếp tục gia tăng mạnh là tải lượng phù sa mịn và lượng cát bị mất đi do khai thác quá mức trên sông Mê Kông và thủy điện.

Bên cạnh đó, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cũng đánh giá, các biện pháp áp dụng để phòng, chống xói lở bờ biển cũng chưa giải quyết hiệu quả tiêu chí quan trọng nhất chính là phải giữ được bãi bồi ổn định và bẫy trầm tích để phục hồi rừng ngập mặn, như phương án sử dụng “đê phá sóng” thời gian qua phần lớn không thành công, khó khăn trong việc bẫy bùn cát mịn để phục hồi rừng ngập mặn và chi phí cao là dẫn chứng.

Có ý kiến cho rằng không nên tiêu tốn nguồn lực vào những biện pháp công trình và chưa có đánh giá cụ thể của tính hiệu quả. Các biện pháp công trình như bờ kè, chỉ nên tiến hành ở những nơi bức thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân trong ngắn hạn. Đồng thời, việc trồng và phục hồi rừng ven biển là rất cần thiết, tuy nhiên, trồng rừng chỉ khả thi ở những bãi bồi và còn đủ phù sa. Ở những nơi đang sạt lở và đặc biệt trong tương lai khi phù sa trên sông Mê Kông giảm mạnh thì áp dụng việc trồng rừng sẽ không khả thi.

Một giải pháp bền vững trước diễn biến sạt lở ngày càng lan rộng, thì ngay lúc này cần phải có quy hoạch chỉnh trị tổng thể cho hệ thống sông rạch lớn, toàn bộ dải ven biển theo hướng quản lý tổng hợp, đảm bảo lợi ích của các ngành kinh tế và không theo ranh giới hành chính. Do vậy, việc liên kết vùng để tối ưu hóa việc phòng chống sạt lở là bước đầu tiên trong tiến trình bảo vệ, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài cuối: Giải pháp nào để Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở

Anh Đức (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở - Bài 1: Điêu đứng vì sạt lở
Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở - Bài 1: Điêu đứng vì sạt lở

Sạt lở bờ sông, ven biển vẫn đang diễn biến xấu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến hết năm 2017, có hơn 550 vị trí sạt lở bờ sông, ven biển với tổng chiều dài gần 650 km và 285 km sạt lở bờ biển với tốc độ mất đất khoảng 300 ha/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN