Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở - Bài 1: Điêu đứng vì sạt lở

Sạt lở bờ sông, ven biển vẫn đang diễn biến xấu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến hết năm 2017, có hơn 550 vị trí sạt lở bờ sông, ven biển với tổng chiều dài gần 650 km và 285 km sạt lở bờ biển với tốc độ mất đất khoảng 300 ha/năm.

Các chuyên gia môi trường dự báo khuynh hướng sạt lở sẽ diễn biến trầm trọng hơn và sẽ không có biện pháp nào ở nội tại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể cưỡng lại được. Do vậy, cần phải làm gì để vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích nghi và tiếp tục phát triển theo hướng bền vững là đòi hỏi cấp bách.

Tối 13/11/2017, 4 ngôi nhà kiên cố khu vực ấp Phú Bình (tỉnh Bến Tre) bị sập hoàn toàn xuống sông. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long không những làm mất đất sản xuất, mà còn gây ra nhiều tác động xấu đến đời sống, sinh kế của nhân dân. Nguyên nhân đã được xác định là do biến đổi khí hậu ngày một gia tăng cùng với sự can thiệp quá mức của con người làm thay đổi chế độ thủy văn gây nên. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp ứng phó hữu hiệu để vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng hiệu quả.

Sạt lở mạnh

Hàng chục hộ dân sống ven sông Hậu đoạn qua khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang phải đối mặt với nỗi lo sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều căn nhà, uy hiếp tính mạng người dân sống tại khu vực này.

Từ tháng 8/2017 đến nay, nhiều vụ sạt lở xảy ra tại khu vực này, ăn sâu vào bờ khoảng 10 mét, dài hơn 100 mét khiến hai căn nhà bị trôi xuống sông, nhiều nhà của các hộ dân còn lại cũng xuất hiện vết rạn nứt. Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, dòng nước sông Hậu tiếp tục xoáy sâu vào đoạn đường dân sinh, tạo nên những hàm ếch rộng và làm mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng. Hiện chính quyền địa phương đã di dời 31 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Còn tại tỉnh Bến Tre, đến giữa tháng 4 này, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đê bao ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách vẫn chưa hết bàng hoàng vì đoạn đê bao đã hai lần bị vỡ với chiều dài hơn 400 mét, khiến 4 căn nhà kiên cố và đất của người dân ven sông Cổ Chiên bị sụt lún xuống sông hoàn toàn vào tháng 11/2017. Tuy sự việc không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản ước gần 3 tỷ đồng và làm tuyến giao thông ven sông Cổ Chiên bị chia cắt do xung quanh cầu phà Phú Bình bị sạt lở.

Người dân sinh sống tại đây cho rằng, nguy cơ sạt lở đê bao vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khai thác cát bừa bãi trong thời gian dài gây nên. Cũng theo lời người dân ở xã Vĩnh Bình, trước đó đoạn đê bao đã từng xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều nhà cửa, vườn cây ăn trái của người dân bị mất và chính quyền tỉnh Bến Tre đã phải tiêu tốn hàng tỷ đồng để sửa chữa đoạn đê bao này.

Trong khi tình hình sạt lở bờ sông đang diễn biến xấu, thì tình trạng xói lở bờ biển tại các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Như tại tỉnh Cà Mau có bờ biển dài 254 km, những năm qua do biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực từ con người đã khiến rừng ven biển Cà Mau ngày càng mất dần do bị xói lở.

Theo thông tin từ Cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2007 đến đầu năm 2018, tỉnh Cà mau đã bị mất gần 5.000 ha diện tích rừng ven biển. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tốc độ xói lở hiện đang dao động từ 30 – 40 mét/năm, có nơi lên đến 50 mét/năm ở cả hai bờ biển Đông và biển Tây. Riêng ở bờ biển Tây do đai rừng phòng hộ mỏng nên xói lở có tính chất nguy hiểm hơn, đe dọa trực tiếp đến tuyến đê xung yếu. Nếu tính từ năm 1989 đến nay, rừng ven biển ở Cà Mau bị mất khoảng 5.000 - 6.000 ha.

Dự báo “xấu” cho tương lai

Ghe hút cát trái phép trên trên đoạn sông Cổ Chiên, thuộc địa phận hyện Càng Long (Trà Vinh) vào đêm 24/9/2017, bị tạm giữ. Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay gần 650 km chiều dài bờ sông tại 13 tỉnh, thành vùng Đồng sông Cửu Long, chủ yếu dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông bị sạt lở với mức độ nghiêm trọng có xu hướng gia tăng. Riêng xói lở bờ biển của toàn vùng có tốc độ khoảng 300ha/năm, xảy ra dọc bờ biển tỉnh Kiên Giang và Cà Mau với tổng chiều dài 285 km.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về tài nguyên môi trường cho rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, biển là do thủy điện và khai thác cát. Điều đáng nói là trong 25 năm vừa qua, sạt lở có khuynh hướng trội hơn so với bồi đắp phù sa và xu hướng này càng gia tăng trong các năm gần đây.

Khuynh hướng mà Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề cập ở trên có thể thấy được từ kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam về tốc độ “xói - bồi” tại khu vực cửa sông, ven biển từ năm 2010 – 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ xói lên đến gần 678ha/năm trong khi tốc độ bồi chỉ gần 406ha/năm.

“Có hai nguyên nhân chính làm tăng sạt lở là tải lượng phù sa mịn và lượng cát bị mất đi do khai thác trên sông Mê Kông và trên các sông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mê Kông hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm thêm 50% một lần nữa, còn 42 triệu tấn và 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị các đập giữ lại. Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn, khó có biện pháp tại chỗ nào ở vùng, công trình hay phi công trình, có thể cưỡng lại được khuynh hướng này”, Thạc sĩ Thiện dự báo.

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, ngoài việc phải quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát và các hoạt động của nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác để đảm bảo duy trì bờ sông, biển thì một trong những nhiệm vụ cấp bách mang tính chất đối ngoại nhằm hạn chế tình trạng sạt lở trong tương lai là cần phải kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông; trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế.

Cụ thể, theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, cần phải tham khảo Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu và từ đó nghiên cứu, cải tiến Hiệp định MRC 1995 (Hiệp định Mê Kông). “Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Kông và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực”, Giáo sư Trân cho biết.

Tuy nhiên song song đó, theo các chuyên gia, việc nhận ra những bất cập nội tại trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là những sai lầm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vấn đề sạt lở và tuân thủ những quy luật tự nhiên vào các quy hoạch ngành để giải quyết bài toán đa mục tiêu của vùng là bước đi hết sức quan trọng.

Bài 2: Còn nhiều bất cập

Anh Đức (TTXVN)
Sạt lở kênh Chợ Gạo: Dân ‘nơm nớp’ lo nhà cửa cuốn trôi theo hà bá
Sạt lở kênh Chợ Gạo: Dân ‘nơm nớp’ lo nhà cửa cuốn trôi theo hà bá

Kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) hiện nay đang bị sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều nhà cửa, vườn tược và tuyến đường ven kênh của hàng trăm hộ dân ngày đêm đều có thể bị “hà bá” nuốt trôi theo dòng nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN