Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường

Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là địa bàn có kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng sâu, vùng gần biên giới, có tới 45/63 huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 khoảng 15%).

Hiện mạng lưới cơ sở dạy nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ phát triển mạnh. Đến nay, toàn vùng có 451 cơ sở tham gia dạy nghề, trong đó có 22 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp nghề, 202 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giới thiệu việc làm... Từ năm 2010 - 2015, 14 tỉnh trong vùng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 573.000 lao động nông thôn; trên 332.000 người dân tộc thiểu số. Sau học nghề có trên 79% người có việc làm; trên 18.000 người sau học nghề, có việc làm đã thoát nghèo.

Đào tạo nghề điện tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Lào Cai.


Tuy nhiên, số lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít. Số lao động học các nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thấp, đa số học nghề nông nghiệp, sau học nghề tiếp tục làm nghề nông nghiệp. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa đồng bộ với quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, chưa chủ động trong kế hoạch dạy nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp...

Các địa phương trong vùng cho rằng, cần thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Theo đó, các địa phương trong vùng cần xây dựng kế hoạch chương trình hành động về công tác dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường lao động, với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, khuyến khích thành lập các cơ sở tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Liên kết, hợp tác giữa các cơ sở dạy nghề trong từng địa phương và trong vùng để khai thác, sử dụng có hiệu quả năng lực cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Cùng với đó, đa dạng các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ. Mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa các doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp.

Đồng thời chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, thực hiện lồng ghép huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề; thực hiện cơ chế đặt hàng dạy nghề đối với các nghề trong vùng có nhu cầu cao về nhân lực, các nghề phục vụ phát triển các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh và của toàn vùng...

 

Vũ Quang Đán
Đào tạo nghề phải thay đổi căn bản và thực chất
Đào tạo nghề phải thay đổi căn bản và thực chất

“Đào tạo nghề phải có sự thay đổi căn bản và thực chất, tránh tình trạng chỉ thay đổi ở một vài địa phương, một vài khía cạnh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN