Chính sách cho đồng bào dân tộc vùng đất “Chín Rồng”

Với sự nỗ lực phấn đấu của từng hộ dân cùng những quan tâm đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách đặc biệt dành cho người dân trong thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng đổi thay.

Đời sống đồng bào ngày càng khởi sắc

Tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, có anh Sơn Phanh Nha, người mà nhiều năm nay nhờ tận dụng diện tích đất trống trên các bờ bao ruộng lúa và chuyển đổi 1,5 công đất trồng lúa sang trồng màu nên gia đình đã có cuộc sống ngày càng khấm khá. Anh Nha cho biết: “Trước đây do không biết lợi ích từ trồng màu nên tôi bỏ đất trống rất nhiều.

Mô hình trồng sen trên đất ruộng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn – TTXVN



Từ khi được chính quyền địa phương vận động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa màu, tôi đã áp dụng những kiến thức được học vào thực tế. Thấy tôi trồng màu hiệu quả nên nhiều hộ trong xóm cũng làm theo, không ai bỏ đất trống như trước. Chính vì vậy, hiện tại cuộc sống của tôi và nhiều đồng bào Khmer ở đây đã từng bước ổn định hơn trước”.

Từ năm 2009, sau khi được tập huấn về kỹ thuật canh tác hoa màu, anh Nha bắt tay vào trồng dưa hấu. Nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật và chịu khó chăm sóc, vụ dưa đầu tiên anh lãi hơn 3 triệu đồng. Từ thành công đó, anh quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình từ trồng màu. Mùa nào rau ấy, rẫy nhà anh quanh năm xanh tốt và cho thu nhập ổn định khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Để hỗ trợ, xây dựng sinh kế cho bà con đồng bào Khmer, các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã cử cán bộ xuống cơ sở mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng; hỗ trợ kinh phí mua cây, con giống cho từng hộ. Hàng tháng, các hội, đoàn thể của địa phương tổ chức đi thăm và nắm bắt tình hình đối với các hộ được hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ, xử lý khi có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Tiến sĩ Phan Văn Dốp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ: 

Giúp đồng bào hội nhập với nền kinh tế thị trường 

Để giúp đồng bào dân tộc ở vùng ĐBSCL phát triển kinh tế, hội nhập tốt hơn với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh cao như hiện nay, cần nâng cao trình độ nhận thức của bà con, nhất là đổi mới về tư duy kinh tế; hỗ trợ bà con chuyển đổi ngành nghề hoặc thành lập các tổ sản xuất, hợp tác nhằm tập hợp bà con sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của người lao động. Tiếp tục triển khai, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dân tộc, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và triển khai các mô hình hợp tác sản xuất gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.



Bà Trần Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Bình, cho biết: “Những năm qua, đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn được nâng lên về mọi mặt. Nhiều hộ đã chủ động áp dụng mô hình mới vào sản xuất, cho thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều công trình, phần việc trong xây dựng nông thôn mới”.

Kết quả sản xuất tăng cao góp phần cải thiện đời sống gia đình của các hộ đồng bào Khmer ở thị trấn Hòa Bình chính là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền tỉnh Bạc Liêu trong việc khuyến khích, hỗ trợ đồng bào Khmer chủ động lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp. Đồng thời những kết quả trên cũng cho thấy ý thức vươn lên để ổn định cuộc sống của đồng bào.

Đến nay các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng hơn 45 mô hình sản xuất có hiệu quả để làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn; nuôi tôm và vịt theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá điêu hồng, cá lóc mùng; nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; mô hình trồng nấm rơm, bắp lai, dưa hấu không hạt, rau an toàn, măng tây, ngò rí, hẹ… giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có nguồn thu nhập ổn định, qua đó giúp họ tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có trên 70% dân số người dân tộc Khmer, là xã đầu tiên của huyện đã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng. Góp phần cho việc toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở Phú Tân là những người có uy tín, tham gia tích cực trong công tác xã hội. Trong đó nổi bật có ông Từ Đức Thành ở ấp Phước An, người mà được bà con Khmer ghi nhận có nhiều công lao đóng góp xây cầu nông thôn.

Đến ấp Phú An những ngày này, bà con Khmer có thêm niềm vui là cây cầu bê tông dài 27 mét nối qua con kênh đào mới được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Trước đây cây “cầu khỉ” đi lại rất khó khăn, nên khi được ông Thành vận động thì bà con góp tiền, góp sức cùng nhau xây dựng để việc đi lại, học hành của con em được dễ dàng, thuận tiện.

Từ năm 1998 đến nay, ông Thành đã vận động bà con phum sóc xây dựng hàng trăm cây cầu nông thôn, trong đó trước năm 2002, ông vận động chủ yếu xây dựng cầu bằng cây, bằng gỗ. Từ năm 2002 đến nay, ông tiếp tục vận động bà con đóng góp sức người, tiền của để xây dựng cầu bê tông nông thôn. Đến nay, ông đã xây dựng hơn 50 cây cầu bê tông nông thôn, mỗi cây cầu dài từ 25 - 45 mét. Đặc biệt, năm 2015, ông Thành đã vận động bà con và các nhà hảo tâm xây dựng 15 cây cầu bê tông nông thôn.

Chính từ những việc làm thiết thực, hiệu quả cho người dân nên ông Từ Đức Thành ngày càng được bà con Khmer ở Phú Tân tin tưởng, chọn bầu làm người uy tín ở địa phương. Từ đó, ông càng thuận lợi trong việc vận động bà con xây dựng nông thôn mới và tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào Khmer. Hiện nay, các nhà hảo tâm và bà con đóng góp trên 100 triệu đồng và đã được ông Thành thiết kế và xây dựng 7 cây cầu, dự kiến hoàn thành đầu năm 2017.

Thầy Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú TP Cần Thơ: 

Bảo tồn, phát triển văn hóa qua truyền thống tu học 

Hiện nay có xu hướng người Khmer vùng ĐBSCL cải đạo, từ bỏ Phật giáo Nam Tông để đi theo các đạo khác. Mọi sinh hoạt của cộng đồng người Khmer đều gắn liền với ngôi chùa, dựa trên quan niệm truyền đời “sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, hầu hết những kiến thức về chữ viết, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, các loại hình nghệ thuật múa hát, sân khấu, phong tục tập quán của cộng đồng… người Khmer đều học được từ các sư sãi trong chùa, thông qua thời gian “tu tập để trưởng thành”. Vì thế, khi người Khmer xa rời Phật giáo Nam Tông, xa rời nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng nghĩa với những giá trị văn hóa ấy sẽ bị mai một.



Có thể nói những dẫn chứng trên cho thấy đồng bào dân tộc trong vùng ĐBSCL được quan tâm chăm lo, thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để đồng bào dân tộc có nguồn lực đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. An sinh xã hội được chăm lo, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Nhờ vậy, đời sống đồng bào đã không ngừng phát triển, kinh tế gia đình ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào “thay da đổi thịt”.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ những chính sách đặc thù nhằm chăm lo về sản xuất, việc làm, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Khmer, Hoa, Chăm… ở các địa phương vùng ĐBSCL, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc đều có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 92%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 80%, có nơi trên 90%. Theo thống kê giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc giảm từ hơn 33% xuống 13%.

Nâng trình độ để tiếp thu hiệu quả chính sách


Dù đạt được những thành tựu lớn, song đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, việc tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và đặc biệt là cần có những giải pháp để đảm bảo công tác giảm nghèo phải thực sự bền vững, giảm thiểu tối đa tình trạng tái nghèo là một yêu cầu quan trọng được đặt ra. Vì trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, có nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng vẫn còn tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Thực hành kỹ thuật cơ khí của sinh viên Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang.


Để tiếp tục hỗ trợ nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho đồng bào dân tộc, cần đẩy mạnh đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc của vùng. Mặc dù các địa phương đã chủ động nghiên cứu triển khai chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc bằng việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình kinh tế bám sát trên cơ sở các dự án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và gắn với quy hoạch phát triển của từng địa phương, nhưng việc triển khai các mô hình này trên thực tế đã gặp những khó khăn. Trong đó, trình độ học vấn thấp là một trong những nhân tố hạn chế sự tiếp cận và tiếp nhận những chương trình, chính sách, dịch vụ công của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đến với đồng bào dân tộc.

Theo các chuyên gia lĩnh vực giáo dục, dù các năm qua, công tác phát triển giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì trên thực tế, trình độ học vấn thấp, hệ thống giáo dục còn thiếu cả về số lượng và chất lượng… của đồng bào dân tộc ở vùng ĐBSCL đã cho thấy sự hạn chế, ảnh hưởng lớn đến trình độ phát triển và thu nhập bình quân cũng như sự phát triển nguồn nhân lực nói chung của đồng bào so với mức trung bình của vùng.

Đòi hỏi cấp bách hiện nay là cần tập trung nâng chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc trên 3 phương diện: đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ vì 3 phương diện này đóng vai trò quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc đào tạo nghề góp phần giải quyết nhanh chóng, thiết thực những khó khăn trong đời sống của đa số đồng bào. Do đó, ngoài việc đào tạo nâng cao trình độ để đồng bào dân tộc có thể nắm bắt được những dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua các mô hình kinh tế, kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để người dân có nguồn lực đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì rất cần thiết chú trọng vào đặc điểm văn hóa, truyền thống của dân tộc cũng như thực tại của trình độ lao động sản xuất để đưa ra các giải pháp đào tạo phù hợp.

Đại đức Thạch Chanh Nhenh, Trụ trì chùa Kỳ Son, tỉnh Vĩnh Long: 

Tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc vùng ĐBSCL 

Đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống và nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc.



Đây là vấn đề cần lưu ý vì tình trạng hộ đồng bào dân tộc nghèo ít đất hoặc không có đất rất phổ biến tại vùng ĐBSCL và hiện rất ít cơ hội tạo thu nhập phi nông nghiệp ổn định. Chính vì vậy cần có cơ chế chính sách kích cầu việc làm phi nông nghiệp và trong đó nên có chính sách tập trung vào việc đào tạo nghề gắn với nghề truyền thống vốn có của mỗi dân tộc. Bởi thực tế đa số đồng bào chưa có trình độ cao nhưng họ lại rất khéo léo trong việc phát triển các nghề truyền thống.

Điều này, theo PGS.TS Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc, ngoài việc tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, trình độ dân trí, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thì các làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer cần được khôi phục, bảo tồn, gắn phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có chính sách thu hút đầu tư vào vùng dân tộc để tạo việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ cao cho đồng bào dân tộc có ý nghĩa chiến lược. Bởi đây là nhân tố quyết định tương lai trong đồng bào nói riêng cũng như vùng ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục xây dựng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư phát triển và sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế trên địa bàn để thu hút các nguồn đầu tư. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế tư nhân phát triển ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời việc đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Vì đội ngũ cán bộ này là những người hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, ngôn ngữ, lối sống, sinh hoạt của đồng bào nên rất thuận lợi trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc hiểu và tự giác thực hiện.

Điều đáng mừng là hiện nay số lượng cán bộ công chức, viên chức người dân tộc ở các địa phương trong vùng ngày càng tăng, với hơn 19.000 đảng viên; 17.000 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có khoảng 1.100 người được bầu vào cấp ủy Đảng, 2.223 người trúng cử đại biểu HĐND các cấp; đặc biệt có 7 người trúng cử đại biểu Quốc hội...

Bài và ảnh: Anh Đức
Chính sách cho đồng bào dân tộc Mông

Theo Ban Dân vận Trung ương, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, đã có những kết quả khả quan, tạo được bước chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN