Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng tín dụng cần điểm chung giữa cung và cầu

Tăng trưởng tín dụng là mong muốn của các tổ chức tín dụng bởi ‘muốn sống khỏe" thì phải tìm được khách hành để cho vay. Nhưng nửa năm 2023 đã trôi qua mà cung và cầu tín dụng vẫn chưa gặp được nhau. Ngân hàng càng cẩn trọng để cho vay trong khi "sức khỏe" của doanh nghiệp chưa có nhiều tín hiệu lạc quan.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 3,58%, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,51%). Nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay khoảng 14 - 15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giao room tín dụng cho các ngân hàng thương mại là 11%, theo định hướng cả năm từ 14 - 15% nhưng đến 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% nghĩa là với hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng.

Theo Phó thống đốc, hiện thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, nhỏ nên các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn.

Tuy nhiên, thực thế cho thấy, có một nghịch lý là dù các ngân hàng thương mại có đang "đỏ mắt" tìm doanh nghiệp thì cũng không có quá nhiều khách hàng đáp ứng được các điều kiện vay vốn trong thời điểm hiện nay.

Cùng với đó, một nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn so với năm ngoái. Tổng cục Thống kê nhận định nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Theo ông Lê Ngọc Lâm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sức hấp thụ của nền kinh tế trong giai đoạn qua đã giảm, đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ.

Cùng với đó, khách hàng cá nhân, kể cả sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, nhà ở, do ảnh hưởng của những khó khăn của thị trường bất động sản nên nhu cầu giảm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, tín dụng tăng thấp từ đầu năm đến nay có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, do doanh nghiệp rất khó khăn do đơn hàng giảm, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động.

Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng cao, sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, một số lĩnh vực như thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không, việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cần đi kèm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đây là bài toán khó của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành đang thực hiện hàng loạt giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhằm xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới. Qua đó, định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quyết định việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục thực hiện giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiết kiệm từ mức đỉnh từ 10 - 11%/năm nay đã hạ về dưới 8%/năm. Các ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay, tung nhiều gói tín dụng ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên với quy mô từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn tỷ đồng nhằm kích cầu tín dụng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cùng với giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Điều này nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi "tín dụng đen", Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Từ đó, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng;  chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng dự báo tăng cao hơn do sức cầu phục hồi cùng với đà giảm lãi suất, một số khó khăn của các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, chứng khoán... dần được tháo gỡ cùng với yếu tố thời vụ, cả năm tín dụng dự báo tăng khoảng 12 - 13%.

Thùy Dương (TTXVN)
Áp lực tăng trưởng tín dụng nhưng không "bơm" tín dụng ồ ạt
Áp lực tăng trưởng tín dụng nhưng không "bơm" tín dụng ồ ạt

Tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, là mức tăng khá chậm. Tuy nhiên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: Ngân hàng vẫn đang nỗ lực tăng tín dụng vì huy động được tiền vào thì đều mong cho vay ra nhưng nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN