Một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút đắm say

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (ảnh) vừa ra mắt bạn đọc hai tập thơ: “Non nước đàn trời” và “Khúc thiên thai”. Trong đó, “Non nước đàn trời” là tập thơ đầy sức gợi mở, mời mọc chúng ta đi cùng tác giả đến thăm từng lối ngõ quê hương, từng mái ấm gia đình, từng cánh đồng dòng kênh, đến những miền đất xa xôi vừa quen vừa lạ, từ đỉnh cao Mèo Vạc đến cánh rừng Cà Mau. Ở đâu cũng có những gương mặt thân yêu như người ruột thịt.

Đằm thắm thiết tha đến da diết nao lòng là phẩm chất đặc trưng trong thơ Lê Cảnh Nhạc. Có lẽ lòng chân thành và mối duyên nợ sâu xa bắt nguồn từ tâm hồn con người xứ Nghệ. Thơ Lê Cảnh Nhạc mang âm hưởng riêng biệt của miền Trung, miền “gió Lào cát trắng” giống như âm hưởng của nhiều nhà thơ xứ Nghệ như Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Sĩ Đại, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Hoàng Cát, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Thạch Qùy… Các anh được nuôi dưỡng tâm hồn từ mạch nguồn ví giặm yêu thương: “Nặng nghĩa nặng tình làn điệu dân ca/ Ru hồn tôi từ thuở nằm nôi chao võng” (Đôi bờ ví dặm); “Bên lở bên bồi bãi ngô ruộng mật/ Đỏ phù sa ví giặm cả đôi bờ” (Đôi bờ ví giặm).

Thơ Lê Cảnh Nhạc cất lên như tiếng hát, như làn điệu dân ca bay bổng, giàu âm điệu dân ca, mới đọc lên đã nghe trầm bổng nhịp nhàng. Đúng là thơ anh vốn đầy ắp nhạc tính, có lẽ vì thế mà thơ anh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Sau khi Tạ Hữu Yên qua đời, giờ đây Lê Cảnh Nhạc lại là người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất. Tính đến nay, các ca khúc phổ thơ anh đã đoạt hàng chục giải thưởng và huy chương vàng trong các cuộc thi sáng tác và liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. Năm 2015 Lê Cảnh Nhạc và Xuân Phương, đồng tác giả chùm Tổ khúc - Hợp xướng “Người lính” đã được Bộ Quốc phòng trao tặng Giải A về Văn học, nghệ thuật và báo chí 5 năm 2010 - 2015.

Chủ đề tư tưởng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm là tình yêu quê hương đất nước, yêu nhân dân, yêu đồng bào, truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc, là giá trị nhân văn cao cả, là đạo lý nhân nghĩa ở đời, là sức mạnh lao động sáng tạo bền bỉ miệt mài vì sự trường tồn của dân tộc. Trong thơ Lê Cảnh Nhạc luôn có chất thép lấp lánh nâng đỡ tâm hồn con người. Đó là khúc tráng ca hào hùng, là tiếng kèn thúc giục toàn quân tiến lên phía trước. “Trống đồng Quang Trung vang vọng đất tiền tiêu/ Hồn sông núi phấp phới trời Lũng Cú” (Tâm tình cao nguyên đá); “Đước vút cao chọc trời thẳng tắp/ Đất Mũi hùng thiêng chỉ biết ngẩng cao đầu” (Đất Mũi); “Chuồng cọp, chuồng bò, hầm đá, hầm xay/ Người rạch bụng đấu tranh đòi quyền sống/ Người phá đá tay bầm loang máu nóng/ Núi Chúa rùng mình cái chết buốt cao xanh” (Tiếng chuông chùa Côn Đảo)…

Nhưng chất thép trong thơ đâu phải chỉ ánh lên ở những nơi đó, mà còn ở sâu thẳm trong lớp trầm tích của đời sống con người, đời sống dân tộc. Sức mạnh tiềm ẩn luôn được nuôi giữ và lưu truyền tiếp nối vì sự trường tồn của nhân dân, của Tổ quốc. Đó mới là chất thép sáng chói trong thơ Lê Cảnh Nhạc. “Cha ông bao đời đã dãi dầm mưa nắng/ Áo tơi mẹ chằm bao bọc cả làng quê” (Thiên Cầm); “Dò dẫm đến trường trong gió rét căm căm/ Mang áo tơi đội cả trời mưa nắng” (Hồn quê). Chất thép bên trong tình yêu quê hương xứ sở: “Chim khách gọi đầu hè/ Sóc chuyền cành trước ngõ/ Tàu cau rụng sau nhà/ Hoa bưởi nở vườn bên” (Sao em không về quê cùng anh).

Tôi tâm đắc với nhiều bài thơ trữ tình thanh tao, nhiều bài thơ thế sự nguyên chất, nhiều bài thơ công dân chân thành gan ruột và cả những bài thơ gần gũi thân thiết trong cuộc sống đời thường như “Đêm Phiêng Lơi”, “Thiên Cầm”, “Non nước đàn trời”, “Bên ly cà phê”, “Lời ru một mình”, “Ngày con lên xe hoa”, “Mùa thu Nga”, Chiều Tam Đảo”, “Sương khói Sa Pa”, “Ân tình với Bạc Liêu”, “Nơi em về”, Hoa bất tử”, “Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm”… Đó là những bài thơ đầy cảm xúc, đầy tâm trạng, đầy tình nghĩa. Tác giả đã đi khắp mọi miền đất nước, đã trải lòng với mọi người mọi cảnh. Nhờ vậy tập thơ có sức nóng ấm của cuộc đời. Bạn đọc yêu thơ như đang được nhà thơ dẫn dắt đi qua nhiều vùng đất khác nhau, gặp gỡ nhiều cảnh ngộ khác nhau, chia sẻ nhiều cảm xúc khác nhau.

Đặc biệt, với bài thơ “Non nước đàn trời” (nhạc sĩ Xuân Phương phổ nhạc, Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân năm 2015) và bài thơ “Đêm Phiêng Lơi” (nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc - Giải thưởng âm nhạc năm 2015 của Hội Âm nhạc Hà Nội), tác giả Lê Cảnh Nhạc đã đạt đến mức toàn bích cả về tứ về tình, về hình về ngữ. Có thể nói, ở đây tác giả đã thật sự biểu thị một tâm hồn nhạy cảm và một ngòi bút đắm say.

Tin tức xin giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, rút trong tập “Non nước đàn trời”

Non nước đàn trời

Đất nước tôi vỗ sóng khúc đàn trời

Trường Sơn giăng dây độc huyền xanh thắm

Nhịp phách Biển Đông dư vang sâu lắng

Nốt ví dặm đồng dao ngân trên phím dân ca

Tiếng sóng vỗ về dào dạt đảo xa

Tiếng những dòng sông cuộn mình ra biển

Tiếng đồng lúa rì rào xô trăng vàng xao xuyến

Tiếng lịch sử trầm hùng cháy bỏng bốn nghìn năm

Giọt buồn gieo chan nước mắt lầm than

Thủa đất nước trong xích xiềng nô lệ

Hòa tiếng sóng gào sấm lòe chớp bể

Dựng thành đồng khi Tổ quốc lâm nguy

Độc huyền Trường Sơn bão táp dội về

Đầu đất nước đàn thiêng vo nắm đấm

Cuối đất nước chẻ mình thành mác nhọn

Sông cũng trào xô dựng sóng Bạch Đằng Giang

Cả đại dương dồn xoáy Biển Đông

Nhấn chìm mưu toan mọi kẻ thù xâm lược

Bản anh hùng ca âm vang hồn nước

Náo nức thiên cầm những tấu khúc non thiêng 


Mắt núi

Đầu nguồn sông Hồng, đầu nguồn sông Chảy

Em ơi có thấy mắt núi cổng trời

Mây vương chân người, hồ giăng chân núi

Lô nhô đảo nổi vút xanh tiếng khèn

Mắt núi linh thiêng chuyện tình vấn vít

Suối ngàn róc rách "Xống chụ xôn xao"

Ba mươi anh em thanh sắc muôn màu*

Tiếng hát vút cao ngân nga xứ núi

Đây Bến Âu Lâu quân đi nước chảy

Gạo trắng Mường Lò thơm mãi tình rừng

Chát đậm chè xanh San Tuyết suối Giàng

Huyền tích đại ngàn Thác Bà cuộn sóng

Phố núi lung linh sao trời thắp sáng

Tay em lựa phím đàn tính hội xòe

"Gọi Trăng" trăng về vút cao điệu

Khắp Cửa ngõ Tây Bắc mắt núi xanh ngời**

(11/4/2015)

----------------------------------------

* 30 dân tộc anh em sinh tụ ở Yên Bái.


Tâm tình cao nguyên đá

Hồ Lô Lô soi bóng

Tháp núi Rồng lồng lộng vàng sao

Trống đồng Quang Trung vang vọng đất tiền tiêu

Hồn sông núi phấp phới trời Lũng Cú

Tiếng đàn môi gọi bạn tình quyến rũ

Điệu khèn rung vách đá cao nguyên

Thổ cẩm bày thắm chợ Đồng Văn

Xúng xính sắc màu em gái Mông xuống núi

Chợ tình Khau Vai rượu tràn như suối

Đêm hoang liêu hò hẹn kiếm tìm

Trai gái Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng…

Thả thương nhớ tự tình vào tiếng hát

Tôi say ngắm miền biên cương Tổ quốc

Bí ẩn thời gian trong bãi đá Nấm Dẩn

Tây Tản, Nà Lai, suối nước Nậm Khoòng

Hồn thiêng đá in dấu thời tiền sử

Núi Đôi Cô Tiên-ngực trần Quản Bạ

Tạo hóa đắp xây kỳ vĩ dáng hình

Tiên nữ về trời dành bầu sữa nuôi con

Nước mắt nàng hóa thành dòng sông Miện

Hà Giang, Hà Giang, ai chưa từng đến

Chưa từng biết Đồng Văn, Mèo Vạc, Cổng trời

Xin hãy một lần, dù chỉ một lần thôi

Cao nguyên đá nên thơ đón chờ nơi địa đầu Tổ quốc 


Đêm Phiêng Lơi

Vòng xòe em gái Thái

Váy bồng nghiêng núi đồi

Men ủ nồng cuống lá

Vút lời say mềm môi

Tóc trinh chưa kịp búi

Lửa bập bùng lả lơi

Vít rượu cần mười tám

Phiêu diêu đêm Phiêng Lơi

Trăng lướt khướt ngang đồi

Bóng cây chừng chao đảo

Đất trời nhòa hư ảo

Vòng xòe em chuốc say

Anh thành tro của đá

Anh thành tàn của cây

Hồn anh thành mây khói

Hoang trời đêm Phiêng Lơi



Nhà thơ Định Hải
Đinh Ngọc Diệp dấn thân về thơ biển đảo
Đinh Ngọc Diệp dấn thân về thơ biển đảo

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến hiện tại, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp luôn gắn bó với vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Có lẽ vì vậy mà những vần thơ của ông đều mang hơi hướng của cái mặn mòi, phóng khoáng, lãng mạn nhưng cũng rất dữ dội của biển, đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN