Xung đột Israel-Hamas leo thang, Mỹ gia hạn triển khai tàu sân bay Gerald R. Ford

Tàu sân bay Gerald R. Ford và nhóm tấn công sẽ tiếp tục được triển khai ở Địa Trung Hải khi cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ngày càng leo thang. 

Chú thích ảnh
Máy bay F/A-18E hạ cánh trên tàu sân bay Gerald R. Ford ngày 13/10. Ảnh: US Navy

Theo trang Navy Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 17/10 đã phê duyệt quyết định gia hạn triển khai tàu sân bay Gerald R. Ford cùng nhóm tấn công tàu sân bay tại Địa Trung Hải. 

Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này đang thực hiện các bước để ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực.

Từ tháng 5, tàu sân bay Ford bắt đầu đợt triển khai toàn diện đầu tiên tới vùng biển thuộc giám sát của Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ. Ban đầu, nó di chuyển đến các khu vực phía Tây của Biển Địa Trung Hải để ngăn chặn Nga và hợp tác với các đồng minh.

Nhóm tấn công của tàu sân bay Ford đã đến phía Đông Địa Trung Hải vào ngày 10/10 theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhằm phản ứng với vụ tấn công chưa từng có của lực lượng Hamas vào Israel.

Tàu sân bay trên và nhóm tàu hộ tống từng dự kiến quay về căn cứ trong tương lai gần. Hiện vẫn chưa rõ Ford sẽ ở lại ngoài khơi bờ biển Israel và Dải Gaza trong bao lâu.

Trong khi đó, tàu sân bay Dwight D. Eisenhower và nhóm tấn công cũng đang hướng tới khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ sớm có hai nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ ở phía Đông Địa Trung Hải.

Mặc dù Dwight D. Eisenhower được lên kế hoạch triển khai trước cuộc tấn công của Hamas, Lầu Năm Góc cho biết nhóm tàu chiến này sẽ hoạt động để ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến này.

Thông tin trên được đưa ra khi Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận khoảng 2.000 binh sĩ đã sẵn sàng triển khai để củng cố khả năng của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc phản ứng nhanh chóng với môi trường an ninh đang phát triển ở Trung Đông. 

Tuy nhiên, người phát ngôn Sabrina Singh cho biết Bộ trưởng Austin vẫn chưa quyết định có triển khai lực lượng 2.000 quân trên hay không, khi ông tiếp tục đánh giá tình hình lực lượng. Hiện tại, Mỹ đã di chuyển nhiều khí tài quân sự để ứng phó với cuộc xung đột đã khiến ít nhất 30 người Mỹ thiệt mạng.

Nhóm tấn công của Ford bao gồm 8 phi đội máy bay tấn công và hỗ trợ thuộc Carrier Air Wing 8, các tàu khu trục Thomas Hudner, Ramage, Carney và Roosevelt, cùng tàu tuần dương Normandy.

Đi cùng Dwight D. Eisenhower là phi đội thuộc Carrier Air Wing 3, tàu tuần dương Philippine Sea và các tàu khu trục Gravely và Mason.

Các khí tài bổ sung được gửi đến để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực bao gồm máy bay chiến đấu F-15, F-16 và A-10.

Hôm 14/10, Bộ trưởng Austin tuyên bố: “Việc tăng cường lực lượng báo hiệu cam kết sắt đá của Mỹ đối với an ninh của Israel, cùng quyết tâm của chúng tôi nhằm ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang cuộc chiến này”.

Đức Trí/Báo Tin tức
Tổng thống Palestine hủy gặp ông Biden sau vụ ‘thảm sát ở bệnh viện’ tại Dải Gaza
Tổng thống Palestine hủy gặp ông Biden sau vụ ‘thảm sát ở bệnh viện’ tại Dải Gaza

Một quan chức cấp cao của Palestine cho biết Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã hủy bỏ việc tham gia cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 18/10 với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Trung Đông khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN