Tên lửa Triều Tiên vào vị trí, cả thế giới chờ xem quyết định của ông Kim Jong-un ra sao

Trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo bất kỳ sự leo thang nào sắp tới của Bình Nhưỡng cũng sẽ chuyển biến thành một cuộc chiến tranh thực sự, vệ tinh nước này phát hiện tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được đưa vào vị trí. Dường như, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Triều Tiên đang chạm tới “giới hạn đỏ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 do hãng thông tấn KCNA công bố hôm 5/7.

Vệ tinh quan sát của Mỹ vừa phát hiện ra các tên lửa của Triều Tiên đã được đưa vào vị trí sẵn sàng cho một buổi phóng tên lửa đạn đạo tiếp theo – một động thái được cho là sẽ khiến tình hình vốn dĩ đã rất căng thẳng trên khu vực càng thêm leo thang.

Thông tin trên xuất hiện chỉ vài ngày trước khi diễn ra buổi tập trận chung Mỹ - Hàn dự kiến bắt đầu vào tuần sau. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo bất kỳ sự leo thang nào sắp tới cũng sẽ chuyển biến thành một cuộc chiến tranh thực sự.

Tuy nhiên, có một số người cho rằng động thái đưa tên lửa vào vị trí phóng được đề cập tới ở trên chỉ là một phần trong khuôn khổ hoạt động phô diễn quân sự của Bình Nhưỡng ngày 15/8 hàng năm kỷ niệm sự kiện bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi sự cai trị của Nhật Bản khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Hơn thế nữa, trước đó ông Kim Jong-un, thay vì tiếp tục đe dọa phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam, lại tuyên bố sẽ quan sát thêm hành động của Mỹ để xem liệu Washington có “tiếp tục lối hành xử hấp tấp nguy hiểm” hay không.

Tiến sĩ Genevieve Hohnen – giảng viên khoa Chính trị thuộc Đại học Edith Cowan (Australia) – trả lời trang mạng news.com.au cho rằng thông điệp của ông Kim Jong-un thực sự ẩn chứa “một cành ô liu” hòa bình.

“Chúng ta biết điều gì ông Kim Jong-un sẽ mang đến. Đấy không phải là một tuyên bố mang tính khiêu khích. Sự thực ông Kim Jong-un nói sẽ đáp trả chỉ khi Mỹ làm leo thang căng thẳng là điều đáng chú ý”, Tiến sĩ Hohnen giải thích.

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố Mỹ nên có một sự lựa chọn đúng đắn nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột xảy ra giữa hai quốc gia, trong khi ra lệnh cho các tướng lĩnh chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự có thể xảy đến.

Với màn cân não căng thẳng diễn ra trong hai tuần qua, dư luận lo ngại một cuộc xung đột quân sự là khó tránh khỏi cũng như cộng đồng quốc tế nín thở từ quyết định của ông Kim Jong-un.

Theo một bài nhận định đăng trên tờ Washington Post, Triều Tiên đang chạm tới “giới hạn đỏ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhanh hơn suy nghĩ trước đó.

Các nhà phân tích Joby Warrick, Ellen Nakashima và Anna Fifield từng làm cho Cơ quan tình báo Quốc phòng ám chỉ chế độ của ông Kim Jong-un đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vừa khít với một trong các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà quốc gia này thử nghiệm.

Đây có thể coi là một bước đột phá trong công nghệ phát triển hạt nhân của Triều Tiên tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng có thể tấn công Mỹ với một quả ICBM hay không, song giới quan chức Mỹ kết luận nỗ lực phát triển tên lửa của Triều Tiên đạt tiến bộ nhanh hơn nhận định của các chuyên gia.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã đưa ra “ngưỡng” mà ở đó Triều Tiên đơn giản là không được phép vượt qua. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster trong một tuyên bố gần đây trên kênh MSNBC cho biết: “Tổng thống đã bày tỏ rõ ràng: Ông ấy sẽ không tha thứ cho Triều Tiên nếu đe dọa Mỹ”.

Hiện tại, với Triều Tiên, việc lãnh đạo Kim Jong-un có ra lệnh tấn công Mỹ hay không còn là vấn đề về mặt kỹ thuật mà là vấn đề chiến lược.

Theo người điều hành trang web của Tổ chức Giám sát Triều Tiên (NKLW) Michael Madden, đây là thời điểm của ông Kim Jong-un, có thể ông sẽ nắm lấy cơ hội này để chứng tỏ mình hoặc để một cài đầu lạnh chiếm ưu thế.

Chính quyền của ông Kim Jong-un trước đó cũng có lịch sử nhiều lần đe dọa khiêu khích song chưa lần nào hiện thực hóa những lời đó. Vấn đề ở chỗ để phác họa được ông Kim Jong-un sẽ làm gì trong một tình huống cụ thể như này cực kỳ phức tạp vì thực tế thế giới biết rất ít về ông.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Cạnh tranh khốc liệt ở khu vực Balkan: Nga-Mỹ bước vào thế đối đầu mới về địa chính trị
Cạnh tranh khốc liệt ở khu vực Balkan: Nga-Mỹ bước vào thế đối đầu mới về địa chính trị

Trong khi Mỹ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự ở Ukraine và Moldova, thì Nga cũng tổ chức Hội thao quân sự quốc tế “Armi 2017” để minh chứng khả năng kết hợp lợi ích quân sự chung của các nước đối tác và các đồng minh khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN