Các chiến thuật mới của Nga có thể áp đảo hệ thống phòng không Ukraine

Trên bầu trời Ukraine, một thế trận sống còn đang diễn ra. 

Chú thích ảnh
Lực lượng phòng không Ukraine diễn tập với pháo phòng không thời Liên Xô. Ảnh: CNN

Chiến thuật mới của Nga

Ngay đầu năm mới 2024, Nga đã tiến hành hàng loạt đòn không kích, trong đó có một cuộc tấn công tên lửa xuyên đêm dữ dội nhất kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Ukraine. Cùng lúc đó, Ukraine phải vật lộn để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ nguồn cung cấp hệ thống phòng thủ hạn chế của phương Tây.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak nói với CNN rằng quân đội Nga đã sử dụng toàn bộ kho vũ khí trên không của mình trong các cuộc tấn công vào tháng 1, gồm: tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm và máy bay không người lái (drone). Đôi khi tất cả được sử dụng để tấn công cùng một mục tiêu. 

Giới phân tích cho rằng các vụ tấn công dữ dội bằng tên lửa của Nga, vốn được tích trữ trong nhiều tháng, là nhằm mục đích áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa hạn chế của Ukraine.

Chiến lược đó đã đạt được một số thành công. Theo giới chức Ukraine, các lực lượng chỉ bắn hạ được 18 trong số 51 tên lửa bắn vào nước này trong ngày 8/1.

Ngoài ra, quân đội Nga đã áp dụng các chiến thuật mới trên chiến trường, bắt đầu từ một số thay đổi rất đơn giản như: sơn đen drone để ngụy trang chúng trên bầu trời đêm.

Theo phía Kiev, một số khác lại phức tạp hơn. Họ đã chuyển ống xả động cơ của drone từ phía sau ra phía trước, nhằm đánh lừa các khẩu đội phòng không sử dụng kính ngắm nhiệt. 

Sau khi truyền thông Ukraine đưa tin về Nga sử dụng drone chạy bằng động cơ phản lực thay cho các mẫu chạy bằng cánh quạt chậm hơn, giới chức Ukraine thừa nhận rằng đó là mối đe dọa.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat cho biết phiên bản máy bay không người lái Shahed chạy bằng động cơ phản lực sẽ hoạt động giống như một tên lửa hành trình mini.

Ông Ihnat cho rằng trọng tải của chúng nhỏ hơn và có tốc độ bay nhanh hơn, lên đến 500 km/h, khiến chúng khó bị bắn hạ hơn. Hiện các quan chức Ukraine vẫn chưa xác nhận liệu những máy bay không người lái này có được sử dụng ở Ukraine hay không.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ thuộc đơn vị phòng không "Smeta" tập luyện sử dụng hệ thống Stinger. Ảnh: CNN

Nỗ lực của Ukraine

Trên cánh đồng đóng băng bên ngoài Kiev, các binh sĩ tiến hành diễn tập với một xe tải phòng không di động, sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút sau khi mục tiêu xuất hiện.

Khẩu súng máy hạng nặng từ thời Liên Xô của họ không hiện đại, nhưng được nâng cấp thêm ống ngắm nhiệt và máy tính bảng hiển thị hình ảnh đời mới. Chỉ huy tiểu đội, Thiếu tá Vitaliy Yasinsky tự tin hệ thống kết hợp giữa cũ và mới này có thể chống lại drone của Nga. 

“Trước đây chúng bay theo một quỹ đạo duy nhất, nhưng bây giờ chúng bay theo đường dích dắc. Chúng có thể bay vòng tròn, bay lượn, lao xuống hoàn toàn, sau đó bay lên khoảng nửa km, rồi lao mạnh xuống. Bây giờ chúng rất cơ động nên cần phải tiêu diệt”, ông Yasinsky nhận xét về máy bay không người lái Shahed sau cải tiến.

Vào những đêm nhiều mây, lính phòng không buộc phải sử dụng tai nhiều hơn là mắt để nhắm bắn. Họ lắng nghe tiếng kêu rì rì từ động cơ của Shahed.

Các đơn vị nhỏ và cơ động như của Yasinsky đang được Ukraine đang trông cậy vào để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là khỏi các máy bay không người lái bay chậm.
Quân đội Ukraine nói với CNN mặc dù các thùng tên lửa phòng không cầm tay Stinger vừa nhận được từ phương Tây có tuổi đời từ năm 1979 - 1989, nhưng họ vẫn đánh giá cao chúng.

Đầu tháng 1, các quan chức Mỹ cáo buộc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine. Chính quyền Ukraine vẫn đang phân tích các mảnh vỡ từ cuộc tấn công mới nhất để xác định nguồn gốc của tên lửa.

Thách thức với lưới phòng thủ

Ông Oleksiy Melnyk, đồng giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu Razumkov có trụ sở tại Kyiv, nhận định chuỗi tấn công mới nhất của Nga đã được lên kế hoạch rất tốt.

Chuyên gia này nói rằng Nga đã điều động các “đàn” máy bay không người lái và tên lửa hoạt động riêng lẻ dọc theo các tuyến đường khác nhau trước khi thực hiện đợt tấn công dồn dập. Đó là những “con tốt thí” để tìm ra các điểm yếu và hệ thống phòng thủ của Ukraine.

“Mục tiêu hiện nay là các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Và mặc dù điều này không được thừa nhận chính thức, nhưng một phần đáng kể các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu”, ông Melnyk nói. Ông đồng thời lưu ý rằng hiệu quả của mỗi tên lửa đánh chặn bắn vào các tên lửa đang bay tới của Nga là rất cao.

Theo chuyên gia này, lực lượng phòng không Ukraine đang hoạt động ở mức tối đa khả năng, thường xuyên tấn công hơn 70% mục tiêu và đôi khi là tất cả các mục tiêu.

Để ngăn chặn dược nhiều tên lửa hơn sẽ cần thêm nhiều khẩu đội tên lửa đánh chặn hơn. Đây là thứ vũ khí mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm 10/1 là đất nước của ông đang rất thiếu. Ukraine hiện không thể sản xuất hệ thống phòng không hiện đại với các đối tác của mình.

Nhưng để ngăn chặn làn sóng hỏa lực của Nga, Ukraine cần nhắm mục tiêu vào các khẩu đội của Moskva ở bên kia biên giới. Điều đó quả thực rất khó khăn vì Kiev có khả năng tiếp cận hạn chế với tên lửa tầm xa.

Gần đây, Nga đang rút ra những bài học riêng, theo ông Melnyk, bằng cách điều tên lửa đến những nơi mà họ biết rằng chúng không thể bị đánh chặn. 

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo CNN)
Những thừa nhận mới nhất của Tổng thống Zelensky về xung đột Nga - Ukraine
Những thừa nhận mới nhất của Tổng thống Zelensky về xung đột Nga - Ukraine

Trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên năm 2024 tới ba nước vùng Baltic, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có những thừa nhận đáng chú ý về về xung đột Nga – Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN