Azerbaijan lần đầu tập trận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi kiểm soát hoàn toàn Nagorny-Karabakh

Ngày 23/10, Azerbaijan cho biết một loạt cuộc diễn tập quân sự chung với đồng minh thân cận Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu.

Chú thích ảnh
Azerbaijan lần đầu tập trận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi kiểm soát hoàn toàn Nagorny-Karabakh. Ảnh: azerbaycan24

Theo hãng tin Reuters của Anh, đây là cuộc tập trận đầu tiên kể từ khi Baku giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực ly khai Nagorny-Karabakh vào tháng trước, khiến hầu hết người dân tộc Armenia ở đây phải rời đến Armenia.

Trong một tuyên bố phát đi, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết có tới 3.000 quân nhân nước này tham gia cuộc tập trận mang tên người sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, Mustafa Kemal Ataturk.

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, các cuộc diễn tập quân sự trong khuôn khổ tập trận Mustafa Kemal Ataturk đang được tổ chức trên khắp Azerbaijan, bao gồm cả ở thủ đô Baku, vùng lãnh thổ Nakhichevan giáp Thổ Nhĩ Kỳ và ở Nagorny-Karabakh, nơi mà Bộ Quốc phòng Azerbaijan gọi là "các vùng lãnh thổ được giải phóng" Karabakh.

Hãng tin Reuters cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên kết chặt chẽ về ngôn ngữ và văn hóa với Azerbaijan. Nước này đã đề nghị hỗ trợ quân sự và chính trị cho Baku trong cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ với Armenia, quốc gia mà Ankara không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng lại có đa số người dân gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập với quốc gia láng giềng Armenia. Vì thế, tại đây luôn xảy ra tình trạng tranh chấp chủ quyền dai dẳng.

Hôm 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã bất ngờ tiến hành một chiến dịch quân sự chớp nhoáng giành lại quyền kiểm soát khu vực. Chỉ một ngày sau, chính quyền do người gốc Armenia đứng đầu tại đây đã đồng ý giao nộp vũ khí và dự kiến sẽ giải thể từ ngày 1/1/2024.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Armenia rời khỏi Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 30/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau các sự kiện trên, mặc dù chính quyền Azerbaijan đã kêu gọi người dân tại Nagorny-Karabakh ở lại nhưng gần như toàn bộ 120.000 cư dân tại đây đã rời đi để đến Armenia còn Yerevan thì mô tả hoạt động di cư khỏi Karabakh của người Armenia là cuộc thanh lọc sắc tộc.

Gần đây, Armenia và Azerbaijan đã phát tín hiệu sẵn sàng ký một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt xung đột sau chiến thắng của Azerbaijan ở Nagorny-Karabakh và cuộc di cư nêu trên của người dân tộc Armenia trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga, dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán do Tehran chủ trì về tiến trình hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Hôm 17/10, theo hãng thông tấn TASS của Nga, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố Yerevan sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan vào cuối năm nay và sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả công dân Azerbaijan trên lãnh thổ.

Ông Pashinyan đưa ra tuyên bố trên trước khi các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian giữa Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 này tại Brussels, Bỉ. Hiện thời điểm diễn ra cuộc đàm phán chưa được ấn định cụ thể. 

Trước đó, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng một thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan có thể đạt được nếu cả hai bên cho thấy thiện chí, giảm bớt rào cản trong việc đạt được một sự thống nhất về biên giới chung giữa hai nước.

Thành Nam/Báo Tin tức
Thủ tướng Israel Netanyahu triệu tập tướng lĩnh; Mỹ cảnh báo Iran về leo thang căng thẳng
Thủ tướng Israel Netanyahu triệu tập tướng lĩnh; Mỹ cảnh báo Iran về leo thang căng thẳng

Trong khi Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza và miền Nam Liban, dư luận lo ngại về nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng cảnh báo Iran cùng các lực lượng mà Mỹ gọi là họ “uỷ nhiệm” của Iran và Thủ tướng Israel cũng tiến hành triệu tập các tướng lĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN