Kỷ niệm 45 năm ngày Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, xây dựng cuộc sống mới (7/1/1979-7/1/2023 ):

Những nẻo đường Campuchia - Bài 4

Lần ấy trở về Sài Gòn, sau khi làm xong các công việc của chuyến đi Kôngpông Chàm, tôi được lệnh quay lại Campuchia.

Chú thích ảnh
Các phóng viên tại Quân đoàn 4 những ngày sau giải phóng. Từ trái sang: Các PV Trần Mai Hưởng-TTXVN, Vũ Hưng và Xuân Trường (báo QĐ 4), PV Vũ Tâm (Tổ trưởng Tổ thường trú của TTXVN)

Khi ấy, anh Lê Cương và một số anh khác khác đã được rút về đi học lớp đào tạo phóng viên đi thường trú ở nước ngoài. Tôi và một số anh em lên đường ngay trước Tết. Đêm 30 Tết, mấy anh em nghỉ lại ở một đơn vị quân đội ở Xvây Riêng để nắm tình hình. Chúng tôi thăm các phum sóc trên đường đi, thăm các bệnh viện, trường học… để phản ánh về sự hồi sinh đang diễn ra trên mảnh đất này. Trên nền đất hoang, người ta dựng nhà, làm đường, chuẩn bị cho vụ lúa mới. Chính quyền cách mạng được thành lập ở từng phum, từng xã với sự giúp đỡ của lực lượng cách mạng và các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Đây là những cơ hội quý báu về nghề nghiệp đối với chúng tôi. Tôi viết các bài “Cuộc sống mới ở phum Xơ Oai”, “Thăm bệnh viện Xvây Riêng”…

Tôi nhớ quang cảnh bệnh viện khi đến thăm. Các thầy thuốc ở đây tiếp nhận một khu nhà hoang, cỏ mọc, rác rưởi… Các dụng cụ y tế đều bị phá trước khi lính áo dên rút đi. Nhưng bệnh viện phải hoạt động ngay vì hàng ngàn  người cần được cứu chữa ngay. Theo ông bệnh viện trưởng, chỉ có 20 cán bộ y tế mà từ khi hoạt động lại, bệnh viện đã khám, chữa bệnh phát thuốc cho 2.000 người. Ngoài ra, họ còn phải lo giúp đỡ các hoạt động y tế ở các huyện trong tỉnh nữa.

Chú thích ảnh
Các phóng viên TTXVN thăm Hoàng Cung, Phnom Penh (1979)

Chúng tôi được biết, ngay sau khi tiếp quản thị xã, công tác sửa chữa bệnh viện được chú ý ngay. Mọi người dọn rác rưởi, sửa sang các khu nhà, khơi nguồn nước, lắp đặt mạng lưới điện. Những dụng cụ cần thiết như giường nằm, đồ nấu ăn được thu nhặt từ các nơi trong thị xã. Bệnh viện như sống lại cùng thị xã miền Đông này. Các phòng khám lúc nào cũng đông người. Cuộc sống khổ đau của những ngày qua còn in dấu vết với đủ các thứ bệnh, từ trẻ em người lớn đến cụ già. Đúng hôm chúng tôi đến bệnh viện một chuyện đau lòng xảy ra. Một tốp bà con trên đường về phum cũ dẫm phải mìn dây do lính Pôn Pốt cài lại. Mười lăm người trong số mười tám người bị chết, còn ba người đưa vào bệnh viện cấp cứu. Một bà cụ tên là Chay Chia, người phum Aulếp, huyện Miêng Chây đang trông đứa cháu bị bỏng nặng khắp người. Theo lời bà kể, khi bà gom một đống rác, sai thằng cháu ra châm lửa đốt, không  ngờ trong đống rác còn một quả lựu đạn… Rất may các bác sĩ cứu chữa kịp thời nên cậu bé đã qua khỏi.

Chúng tôi cũng đến thăm phun Xơ Oai, một phum nhỏ nằm ngay bên đường quốc lộ 1 và được dự một buổi Rum-vuông rất vui ở đây. Tiếng trống Xămpô lôi cuốn. Người múa đông vui, rộn ràng dưới một gốc táo non, tán lá chưa đủ rộng, quanh một chiếc ghế gỗ, trên có đặt một cái cốc với vài nhành hoa riềng. Chưa có quần áo đẹp nhưng lòng người mở hội. Cả những chàng trai, cô gái, cả dân phum, bộ đội, cả người múa và người đứng vòng tròn gõ nhịp. Tất cả đều say trong tiếng nhạc vút cao trên bầu trời, nơi ngọn cờ năm tháp vàng tung bay.

Nhân dân trong phum này được dời từ khu tập trung Tà Súa về đất cũ. Bà con trong phum bầu Ủy ban tự quản, chia đất cho các gia đình, lập tổ sản xuất. Họ được tự do đi lại thăm nhau, trò chuyện, được mặc những bọ quần áo mới. Những chuyện bình thường mà từ lâu mơ ước. Bởi thế, ở đâu có tiếng trống, tiếng đàn, có khi chỉ là tiếng gõ của một chiếc thùng tôn hay tiếng vỗ tay thì ở đó, mọi người tự nhiên múa hát.

Chú thích ảnh
Các cán bộ kỹ thuật TTXVN Trương Việt Cường và Đỗ Sỹ Mến trong đoàn chuyên gia giúp SPK  (Phnom Penh, 1/1979 )

Anh Kát Oan, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tự quản phum, dẫn lời cụ Pích và những người già nhất trong phum cho chúng tôi biết: 347 gia đình ở phum Xơ Oai không gia đình nào không có người chết. Nhiều nhà không còn người nào. Nhiều người trong phum đã bị giết trên bãi đất ven khu tập trung Tà Xước, nơi bọn lính áo đen giết người.

Theo anh Kát Oan, việc tổ chức cuộc sống mới ở đây bắt đầu. Người dân các xóm tham gia vào các tổ sản xuất. Hàng ngày bà con giúp nhau gặt lúa, làm đường, lợp nhà, tuần tra canh gác… Toàn bộ số lúa thu hoạch trong phum, một phần bớt lại làm giống và để dự trữ, còn nữa được  chia đều cho các gia đình. Mỗi gia đình nhận gia súc của phum về nuôi. Tổ làm đường thốt nốt đầu tiên được thành lập… Những ngôi nhà dột nát đã được sang sửa lại, làm thêm một số nhà mới.

Dấu ấn về cuộc sống mới ở Xơ Oai rất rõ rệt. Điều ấy có thể thấy khi chúng tôi gặp chị cán bộ phum đang còn ngồi viết báo cáo về công việc của phum hoặc khi gặp khi các cô gái  xinh đẹp múa Rum-vuông rất khéo, lúc này súng trên vai, đang đi tuần. Và ấn tượng hơn cả là ông lão Pích. Ông nói giữa buổi họp phum rằng ông đang sống những ngày vui nhất và nếu bảo cầm súng bảo vệ cuộc sống này, đánh lại bọn Pol Pot, ông rất sẵn sàng!

Ngoài ra, tôi đã dành thời gian hoàn chỉnh truyện ngắn “Anh về thành phố không muộn”. Tôi cũng viết truyện ngắn “Cái chết của thằng Su Rin”, miêu tả cái chết thương tâm của một em bé Campuchia vì sau nhiều ngày nhịn đói, được ăn một bữa no, do không kiềm chế được, lẽ ra phải ăn từ từ, cơ thể em không chịu nổi! Một câu chuyện thật tôi được nghe kể lại mà thấy rớt nước mắt . Tiếp mạch công việc này, thời gian sau đó ở Campuchia, tôi cũng đã viết các truyện ngắn như “Chồng nhận”, kể về cảnh ép buộc hôn nhân kỳ lạ dưới thời Pol Pot nhưng trong cảnh ngộ đó,con người lại thương nhau và gìn giữ cho nhau; truyện “Hoa Nacrin”, kể về số phận một người phụ nữ có tên trùng với một loài hoa rất đẹp; truyện “Người cuối cùng vào sàn nhảy” nói về sự chuyển mình của tầng lớp trí thức trong chế độ mới…

Chú thích ảnh
Phóng viên Vinh Quang ở Ăngko (năm 1979)

Tôi nhớ mãi một điều tưởng chừng rất bâng quơ ở Xvây Riêng Tết Kỷ Mùi 1979 ấy. Sáng mùng Một Tết, tôi đang còn ở trong căn nhà gỗ hai tầng ven đường thì thấy một cậu lính trẻ đi ngang. Cậu vừa xách một cái xô đi lấy nước, vừa hát rất to: “Đừng buồn mẹ ơi! Tết này con không được về….”. Câu hát làm xốn xang lòng người xa nhà vào một khoảnh khắc rất thiêng liêng đối với người Việt. Tôi nhớ đến gia đình, vợ con và bạn bè. Khi ấy, tôi cũng như nhiều người chưa thể nào hiểu hết cái giá ghê gớm mà chúng ta phải trả cho cuộc chiến ở Campuchia. Nhưng tôi hiểu và chia sẻ với những người lính xa nhà, chịu bao gian khổ hy sinh trên đất bạn. "Nước sông công lính”. Câu nói ấy cũng không thể diễn tả hết những hy sinh to vô bờ bến của hàng triệu người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc mình mình trong mấy thập kỷ và rồi lại đến công cuộc giúp đỡ Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot, xây dựng cuộc sống mới. Tôi đã gặp những người lính chủ lực được chia nhỏ về đóng quân trong từng phum bản để gây dựng chính quyền giúp bạn. Tôi đã chứng kiến bao hy sinh trước mắt mình.

Ngày ấy, dù khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng kiếm được ít bao thuốc lá, chẳng có nhiều, nhưng mỗi chặng dừng chân, mời anh em chiến sĩ. Có lần, qua một cây cầu, người canh giữ toàn lính Việt Nam. Hỏi ra thì đủ các tỉnh, từ Thái Bình, Cao Bằng đến Tây Ninh, Hà Tĩnh… Họ từ nhiều làng quê, cùng nhau giữ một cây cầu xa lạ trên đất nước khác, thường xuyên bị phục kích, bắn lén, nhất là khi đêm xuống. Vậy mà chúng tôi chỉ có bao thuốc lá mời mỗi anh em với lời chúc an lành, chẳng biết đến khi nào gặp lại!

Chúng tôi đến Phnôm Pênh sau Tết vài ngày. Đây là lần thứ hai tôi trở lại sau ngày giải phóng. Tình hình đã khác nhiều. Cơ quan đã tăng cường cho đoàn chuyên gia một lực lượng khá lớn để giúp SPK trong giai đọan mà các nhiệm vụ đang được triển khai với quy mô hết sức to lớn. Ngoài lực lượng tăng cường làm mấy đợt, có cả các phóng viên, ký thuật viên, cán bộ quản lý… để giúp bạn về mọi mặt, phụ trách đoàn chuyên gia cũng có thay đổi. Anh Trần Hữu Năng làm nhiệm vụ Phó đoàn, còn Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng sang trực tiếp là Trưởng đoàn. Mấy ngày đầu, chúng tôi ở khu Vườn Chuối, là đài phát của Thông tấn xã Campuchia dưới thời Pol Pot, đối diện ga xe lửa Phnôm Pênh. Thành phố vẫn còn vắng vẻ và nguy hiểm. Đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng súng. Anh em ngủ trong những dãy nhà ngang. Các anh bên Thông tấn quân sự đem sang mấy thùng vũ khí. Chúng tôi được trang bị AK và thay phiên nhau gác cơ quan, nhất là về ban đêm. Các phương án tác chiến được chuẩn bị sẵn sàng.

Chú thích ảnh
Các phóng viên Trần Sơn (trái) và Lê Trọng Thư (tại Hoàng Cung, Phnom Penh).

Thành phố bắt đầu hồi sinh. Trong những bài viết ban đầu, chúng tôi giới thiệu những thay đổi đó và về số phận những con người. Tôi nhớ, khi lên khu vực nhà máy bia ở phía Bắc, gần cây cầu đỏ, chúng tôi có gặp các sinh viên, trí thức mới từ các vùng nông thôn trở về, viết về cuộc sống của họ, những suy nghĩ tâm tình của một lớp người vừa thoát nạn diệt chủng và chứng kiến những những đổi thay trên quê hương của mình. Trong số đó, nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cốt cán trong chính quyền mới như Đích Munty, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Sum Miên, Phó Tổng giám đốc SPK. Tôi chỉ ở Phnôm Pênh cùng với anh em trong đoàn chuyên gia ít ngày.

Trong thời gian này, tôi nhớ mãi chuyến đi tìm hiểu cuộc sống của người Chăm ở phum Chăn Kia, nằm bên thị trấn U Đông, tỉnh Kôngpông Chnăng. Tôi đi cùng với Vong Sakhon (tên Việt là Ngô Dũng), một phóng viên của SPK có mẹ là người Việt, bố là người Campuchia. Thời kỳ ấy có một số cán bộ mang trong mình hai dòng máu như Dũng làm việc ở SPK. Ngoài Dũng ra còn có các em gái như Xuân, Dung, Đức, Bích, Hiển… Các em đều ở tuổi mười tám đôi mươi, đều có mẹ là người Việt, cha là cán bộ Campuchia đã hy sinh. Các em sau đấy điều trở thành những cán bộ nòng cốt cho thông tấn xã SPK non trẻ. 

Ở phum người Chăm ấy, như báo phum sóc khác thời kỳ đó, người dân vừa thoát khỏi nạn diệt chủng, trở về với cuộc sống bình thường. Tôi nhớ nhất hình ảnh Dũng nhảy rất hay với cô gái Chăm có tên là May Săm, một cô gái có một vẻ đẹp Chăm rất rõ nét, đôi mắt long lanh, rất có sức cuốn hút với mọi chàng trai. Chuyến đi ấy, chúng tôi còn có dịp được nghe dân ca Chăm do một ông lão ở trong phum đã cẩn thận cất giữ trong  chiếc gối của mình qua mấy năm dưới thời Khmer Đỏ. Ông tìm lại và đem ra dạy cho con cháu trong những ngày cả phum bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Chú thích ảnh
Đoàn Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng thăm Campuchia sau giải phóng. Trong ảnh từ trái sang: Tổng Giám đốc Đào Tùng (thứ 3 ); đồng chí Bu Thoong, Trưởng ban tuyên huấn TƯ Đảng NDCM CPC (thứ tư); đồng chí Trần Hữu Năng, Phó trưởng Đoàn S78 (thứ năm).

Sau chuyến đi đó theo sự phân công, tôi lại quay về Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ của tổ phóng viên thường trú tại đấy, gồm có anh Phạm Vũ Tâm, mới từ Hà Nội sang, làm Tổ trưởng, Tiến Lợi - phóng viên ảnh và Văn Thu - lái xe. Các anh phụ trách nghĩ rằng tôi đã quen thuộc với đơn vị nên dễ làm việc hơn.

Về Quân đoàn 4 rất vui. Anh Ba Cúc, Cục trưởng chính trị coi chúng tôi như người nhà. Chúng tôi sinh họat chung với anh em trong báo Quân đoàn 4 (Trường, Quỳnh, Vũ Hưng, Đậu Thanh Sơn…), tổ văn nghệ (Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung…), các anh em ở đội chiếu phim, hậu cần, kỹ thuật. Rất ấm cúng. Cuộc đời nguời lính nhiều vất vả, hiểm nguy, nhưng niềm vui cũng nhiều. Ngoài công việc, anh em trò chuyện, đánh bài, chơi thể thao. Hồi đó, chúng tôi hay chơi bài “tiến lên”, dùng bộ tú lơ khơ nhưng chơi theo cách khác. Cách chơi bài này rất phổ biến trong bộ đội thời ấy. Nhiều khi chỉ có ngọn đèn cầy, chơi tới khuya, lại còn lấy nhọ nồi để bôi râu nếu anh nào về bét mỗi ván. Chơi xong mặt ai cũng như hề, kiếm nước rửa rồi, còn gì lại nấu ăn xì xụp với nhau. Mỗi lần đi công tác về, mừng là thấy nhau an toàn, có chuyện gì vui  hay buồn lại đem ra kể.

Chúng tôi thường xuyên đi xuống các đơn vị, các địa phương trong khu vực đứng chân của quân đoàn trên các tỉnh miền  Đông và xung quanh thủ đô. Cuộc sống muôn màu, nhiều công việc đang triển khai, nhiều số phận, nhiều cảnh đời... Hầu hết các tin, bài và ảnh gửi về cho Đoàn chuyên gia, chuyển qua cho các bạn xử lý và phát dưới hình thức thông tin của SPK. Bởi vì lúc đó, lực lượng của bạn còn mỏng lắm. Người ít, chưa có nghiệp vụ. Những khóa đào tạo mới chỉ bắt đầu. Nhân đây cũng nói về tên gọi SPK. Đấy là một danh xưng rất phổ biến trong những ngày đầu giải phóng ở Campuchia. Lúc đó ở đâu người ta cũng gọi SPK. Thậm chí chiếc mũ vải mềm của lực lượng quân đội của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước CPC cũng được người dân gọi là mũ SPK! Nhiều nơi, người dân còn dùng chữ SPK để gọi chung các lực lượng cách mạng, vì tên gọi chính thức quá dài. Chữ SPK đi vào đời sống như vậy cũng một phần vì tên gọi đó ra đời cùng với Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước.

Chú thích ảnh
Các cán bộ phóng viên đoàn S78 ở Phnom Penh (năm 1979)

Ngoài ra, ở Campuchia khi đó, ngoài Mặt trận và Đảng nhân dân cách mạng Campuchia (CPP) thì chỉ có SPK có danh xưng riêng. Cũng là một điều đặc biệt khi một hãng thông tấn mới ra đời đã có một vị thế như vậy.

Mấy anh em trong tổ thường trú  ở Quân đoàn 4 sống với nhau như một gia đình. Tiến Lợi và Thu đều đã quen, còn anh Vũ Tâm, lớn tuổi hơn mấy anh em chúng tôi, là một người hiền lành, nhân hậu và rất vui tính. Trước anh dạy ở Đại học Lâm nghiệp rồi mới về Thông tấn xã. Tôi biết anh khi anh còn thường trú ở Ninh Bình. Ở Hà Nội, gia đình tôi và gia đình anh cũng quen biết nhau. Nhà tôi, cô giáo Kim Vân và chị Thơ, vợ anh Vũ Tâm, cùng mấy anh chị em nhà chị Thơ đều thân thiết quý mến. Chị Thơ là con gái lớn của bác Trịnh Hải, còn có tên gọi là Hải Đất vì bác rất hiền. Bác Hải nhiều năm là trưởng phòng tin miền Nam của Thông tấn xã Việt Nam.

Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, 17/2/1979, chúng tôi vừa có đợt công tác về. Tôi đang ngồi viết bài dưới một gốc xoài thì anh Vũ Tâm chạy đến báo tin:

- Trung Quốc tấn công ta ở biên giới phía Bắc rồi ! Gia đình tụi mình ở Hà Nội chắc đang lo lắng lắm đây!

Tôi nói: - Thế hả anh? Mình có về trên cơ quan xem tình hình thế nào không?

Chú thích ảnh
Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng (giữa); nhà báo Nguyễn Thị Tỳ, Bí thư chi bộ đoàn S78 và các cán bộ đoàn chuyên gia trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập TTXVN tại Phnom Penh (9/1980)

Anh Vũ Tâm đồng ý. Trong khi anh đi báo Thu và Tiến Lợi, tôi ngồi bần thần một lúc dưới gốc xoài. Cuộc chiến tranh đã ở vào một tình thế mới. Tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh đất nước đang phải đương đầu. Tôi nghĩ về gia đình, lòng bồn chồn lo lắng. Bố tôi ở với anh chị, chắc không có vấn đề gì lớn. Tôi nghĩ đến vợ con. Không hiểu hai mẹ con ở nhà sẽ ra sao? Nếu chiến tranh lan rộng, cuộc sống sẽ đảo lộn hết. Rồi tôi mường tượng ra cảnh vợ con có thể sẽ lại đi sơ tán như những năm tôi còn nhỏ. Cuộc sống sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Tôi lấy giấy bút viết vội ít dòng dặn dò mọi việc ở nhà để nhờ gửi về gia đình.

Sau đó, chúng tôi lên xe về đoàn chuyên gia ở Phnôm Pênh. Anh em trong đoàn lúc đó cũng đã đông lên rồi. Chúng tôi được anh Trần Hữu Năng thông báo ngắn gọn tình hình và phổ biến nhiệm vụ công tác. Chúng tôi phải tập trung làm tốt công việc của mình và sẵn sàng cho những biến động của tình hình. Vào thời điểm ấy, không ai có thể dự báo được chính xác mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao. Việc căng ra trên hai mặt trận là một tình huống chưa từng có. Ai cũng biết rằng, ba trong số bốn quân đoàn chiến lược đang ở mặt trận phía Nam. Chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh lớn. Và có thể nhận thấy tình hình ở Campuchia sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi nhờ mọi người chuyển hộ thư về qua đường Sài Gòn rồi lại cùng anh em trong tổ về quân đoàn. Lúc ấy, tôi mong có thể gọi điện về nhà cho vợ con mà không có cách nào. Chỉ tin là còn mọi người thân trong gia đình, hai mẹ con xoay xở thế nào rồi cũng ổn trong cái biến động chung của mọi nhà.

Trần Mai Hưởng
Những nẻo đường Campuchia - Bài 5
Những nẻo đường Campuchia - Bài 5

Cần nói thêm rằng, trước thời điểm ấy, lực lượng đoàn chuyên gia của TTX - đoàn S78 - được tăng cường rất lớn, lên đến hàng trăm người. Lực lượng phóng viên tin, ảnh rất hùng hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN