Đoàn tàu khai thác cát dọc theo dòng sông Lô, đoạn qua xã Cao Phong, Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hết tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh có 15.664 trường hợp vi phạm đất đai, tổng diện tích 847,8 ha. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích, như xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp, dựng lều, quán bán hàng trên đất hành lang giao thông.
Đến hết tháng 12/2016, toàn tỉnh đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 10.365 trường hợp, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 2.164 trường hợp; vận động tháo dỡ 3.320 trường hợp; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm 643 trường hợp; rà soát, công nhận quyền sử dụng đất cho 4.238 trường hợp. Tỉnh đã cấp giấy phép thăm dò và khai thác cát, sỏi cho 23 đơn vị với tổng diện tích trên 583 ha.
Trước kia, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy diễn ra khá phức tạp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt hành chính 3 tổ chức, 10 cá nhân vi phạm với tổng số tiền trên 418 triệu đồng; tịch thu nhiều phương tiện vi phạm; điều tra, bắt giữ, đề nghị truy tố một số đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh dừng toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trên tất cả các tuyến sông, chỉ được phép hoạt động khi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 22 giấy phép khai thác đất san lấp còn hiệu lực.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lấn, chiếm đất đai, khoáng sản vẫn còn tồn tại một thời gian dài ở hầu hết các địa phương là do cơ chế, chính sách về đất đai, nhất là bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường xuyên thay đổi, chậm ban hành quy định cụ thể; trình tự thủ tục lập hồ sơ xử lý vi phạm còn phức tạp, mất nhiều thời gian; quy định về xử lý vi phạm pháp luật đất đai còn nội dung bất cập, vướng mắc. Trong khi năng lực quản lý, chuyên môn của lãnh đạo, cán bộ cấp xã còn hạn chế...
Có thể thấy tình trạng khai thác cát trên dòng Sông Lô, khai thác đất san lấp ở các địa phương có đồi núi diễn ra rất phức tạp, khiến nhiều người dân bức xúc...
Báo cáo của Thanh tra tỉnh cho thấy: Từ ngày 1/10/2016 đến 15/3/2017, toàn tỉnh đã xem xét, giải quyết 132 vụ việc, trong đó có 94 vụ việc đã có báo cáo kết quả giải quyết, đạt tỷ lệ 71,2%.
Nhằm lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông đối với các tuyến đường trên địa bàn; xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho người dân, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Kế hoạch giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông, thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ ngày 31/3 - 10/4, các cấp, ngành, địa phương sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đến các hộ dân cư dọc tuyến đường trên địa bàn quản lý; từ ngày 11– 21/4 vận động người dân tự tháo dỡ, di chuyển các phần vi phạm sau khi đã tuyên truyền, nhắc nhở; từ ngày 22/4 sẽ đồng hoạt ra quân, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về vỉa hè, hành lang trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Cần làm rõ trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp trước tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng.
Các cấp, ngành liên quan cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, công nhận, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thực tiễn địa phương; tập trung thanh tra việc chỉ đạo triển khai thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý đất đai, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp người đứng đầu không chấp hành đúng quy định pháp luật, còn để xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai.
Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu các ngành chức năng, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát những vụ việc chưa giải quyết xong để lên kế hoạch giải quyết triệt để; thuộc thẩm quyền cấp nào cấp đó giải quyết, không đùn đẩy lên cấp trên; chấn chỉnh quy trình, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; rà roát lại tất cả các vụ việc đã có kết luận, ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Trì giao UBND cấp huyện, xã thành lập ngay Ban chỉ đạo giải tỏa hành lang an toàn giao thông; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể quán triệt, làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiệm vụ giải tỏa hành hang an toàn giao thông; vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm...