Ukraine tấn công 13 cơ sở lọc dầu khiến Nga thiệt hại lớn

Những cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gây thiệt hại nặng nề cho 13 cơ sở lọc dầu của Liên bang Nga và chiến dịch này dường như đang làm được những gì mà các biện pháp trừng phạt Moskva chưa thể đạt được.

Chú thích ảnh
Một số hình ảnh về vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Ryazan của Liên bang Nga ngày 13/3/2024. Ảnh cắt từ clip của hãng tin Reuters

Kiev đang phải đối mặt với một vấn đề đầy thách thức là làm thế nào nhằm ngăn chặn một Moskva đã có khoảng thời gian đủ lâu để luân chuyển binh sỹ, tiếp tế cho tiền tuyến và củng cố công sự trận địa.

Theo tờ Kyiv Independent của Ukraine ngày 19/3, một phần của câu trả lời hiện đang diễn ra trên nhiều vùng trời ở nước Nga. Trong hai tuần qua, ít nhất hàng chục máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công không dưới 9 khu vực của Nga.

Phần lớn máy bay không người lái của Ukraine đều hướng tới mục tiêu rất cụ thể, đó là các cơ sở lọc dầu và nhiều chiếc trong số đó đã đánh trúng mục tiêu, dẫn tới cháy nổ tại các nhà máy xử lý nhiên liệu trên khắp nước Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện với Moskva vào tháng 2/2022, Kiev đã tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Nga, nhưng tốc độ tấn công chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối mùa thu năm 2023.

Trong một bài viết đăng trên tài khoản mạng xã hội X hôm 19/3, tờ The Insider cho biết kể từ đầu năm 2024 tới nay có ít nhất 15 máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công làm cháy 13 cơ sở lọc dầu của Nga. Hậu quả của các cuộc tấn công đó là khoảng 46 triệu tấn công suất lọc dầu của Nga đã bị ảnh hưởng, chiếm 14% tổng công suất lọc dầu của toàn nước Nga.

Chú thích ảnh
Bài đánh giá về hậu quả của làn sóng tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu Nga do The Insider đăng tải trên mạng xã hội X ngày 19/3/2024. Ảnh chụp màn hình

Chuyên gia công nghệ không người lái Federico Borsari thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết: “Ukraine tiếp tục đạt được những thành công quan trọng với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng công nghiệp và dầu mỏ của Nga”.

Điều này diễn ra cùng với các cuộc tấn công trước đó của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng cảng bơm hydrocarbon của Nga ở Ust-Luga và Novorossiysk - những cửa ngõ chính của Nga để xuất khẩu dầu và khí đốt, giúp duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh ở Ukraine.

Nếu các cuộc tấn công kiểu như trên duy trì ở nhịp độ cao, chúng có thể làm chậm cỗ máy chiến tranh và giáng đòn vào nền kinh tế của Nga, làm gia tăng chi phí, gây áp lực buộc Nga phải di chuyển hệ thống phòng không về bảo vệ các cơ sở năng lượng thay vì hỗ trợ lực lượng nơi tiền tuyến. Nó cũng làm giảm xuất khẩu và gây ra biến động bất lợi về giá nhiên liệu, đẩy lạm phát ở Nga lên cao.

Viễn cảnh nêu trên gây bất lợi cho Nga, nhưng lại có thể giúp Ukraine có thêm thời gian. Đất nước này đang gặp khó khăn từ việc thiếu đạn pháo trầm trọng do mất đi nguồn cung cấp quan trọng nhất là Mỹ bởi từ cuối năm 2023 tới nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson thuộc phe Cộng hoà vẫn từ chối kêu gọi biểu quyết về dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine.

Sau nhiều tháng tạm ngưng, theo đài CNN, vào ngày 12/3 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ quân sự đầu tiên trị giá 300 triệu USD, cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm - bao gồm đạn nổ mạnh và đạn chùm cải tiến lưỡng dụng, đạn pháo 105mm, hệ thống chống tăng AT4, cùng nhiều vũ khí và khí tài khác.

Tuy nhiên, số tiền 300 triệu USD đó không đủ để bù đắp cho việc Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới chống lại Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc mùa hè năm nay.

Thực tế cũng cho thấy Nga đã tăng cường tấn công trên nhiều mặt trận. Bằng chứng rõ nhất là việc Nga đã chiếm được thành trì Avdiivka vào giữa tháng 2 và tiếp đó là một loạt khu định cư khác ở Ukraine.

Xem video xe tăng M1 Abrams bị phá huỷ trên chiến trường Ukraine. Nguồn: RT

Trở lại với hoạt động tấn công cơ sở lọc dầu Nga, theo chuyên gia Borsari, chúng thường liên quan đến máy bay không người lái tấn công cánh cố định cỡ trung bình, được trang bị động cơ cánh quạt có thể bay xa hàng trăm km. Hầu hết các báo cáo về các cuộc tấn công này đều quy những chiếc máy bay không người lái liên quan cho Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hoặc Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine (HUR), hoặc cả hai.

Các cuộc tấn công mới nhất đã gây hỏa hoạn tại các nhà máy lọc dầu ở vùng Krasnodar Krai và Samara vào ngày 16 - 17/3. Một ngày trước đó, một cuộc tấn công được cho là đã gây ra đám cháy lớn tại một cơ sở lọc dầu ở vùng Kaluga. Một cuộc tấn công mạnh mẽ khác nhằm vào nhà máy lọc dầu vùng Oryol đã diễn ra vào ngày 12/3.

Tại Nizhny Novgorod, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một cơ sở lọc dầu bên trong khu công nghiệp, buộc tập đoàn năng lượng Lukoil của Nga phải tạm thời ngừng chế biến dầu ở đó. Cũng có báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu Nga ở các vùng Volgograd, Ryazan, Bryansk, Leningrad, Tula và Smolensk. Một vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu ở Krasnodar Krai được cho là đã làm giảm 30% sản lượng.

Thiệt hại khó có thể ước tính được, ngoại trừ việc nhìn vào số liệu thống kê. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm 340.000 thùng/ngày xuống mức thấp nhất trong 7 tuần là 3,06 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Các nhà máy lọc dầu của Nga giảm 4% công suất hoạt động trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.

Xem video ghi lại toàn cảnh máy bay không người lái của Ukraine tấn công gây cháy lớn ở nhà máy lọc dầu Ryazan, lớn thứ 7 của Liên bang Nga hôm 13/3/2024. Nguồn: Reuters

Chuyên gia Borsari cho rằng mục đích của các cuộc tấn công này là phá hủy các cơ sở năng lượng và nhà máy lọc dầu cung cấp nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng cho lực lượng Nga ở Ukraine, đồng thời tước đi động lực cần thiết của Nga trong việc để tiếp tục các hoạt động tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, chiến dịch tấn công các cơ sở lọc dầu Nga của Ukraine cũng có thể nhằm mục đích giảm xuất khẩu nguyên liệu tinh chế của Nga, gây tổn hại đến “ví tiền” của nước này.

Việc bán dầu và khí đốt đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo thu nhập ổn định cho ngân sách của Nga. Thống kê cho thấy ngành năng lượng của Nga đóng góp “khoảng 27% vào Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP)”, tiền thu được từ dầu khí chiếm gần 57% tổng doanh thu xuất khẩu của cả nước.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, doanh thu bán dầu khí cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành động lực lớn nhất cho nền kinh tế và nỗ lực chiến tranh của Nga.

Elina Ribakova, một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Peterson có trụ sở tại Washington, D.C. cho rằng chiến dịch tấn công của Ukraine vào các cơ sở lọc dầu của Nga sẽ “làm được những gì mà các biện pháp trừng phạt chưa thể làm được” đối với Nga.

Theo ông Viktor Kevliuk, chuyên gia quân sự Ukraine thuộc Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga tại các cảng của nước này ở Ust-Luga và Novorossiysk cũng có thể gây thiệt hại rất lớn và kéo dài do thiết bị sử dụng tại cảng nêu trên nếu bị hư hại sẽ phải đặt hàng từ các công ty ở châu Âu và thanh toán bằng đồng euro. Trong khi đó, do các lệnh trừng phạt, Nga sẽ khó có thể đặt được hàng thay thế.

Xem video máy bay không người lái tấn công gây hoả hoạn ở nhà máy lọc dầu Syzran thuộc tập đoàn Rosneft của Nga ở tỉnh Samara vào ngày 16/3/2024. Nguồn: X

Tình hình càng nghiêm trọng hơn với Nga khi Ukraine có khả năng tấn công thường xuyên và nhất quán.

Michael Kofman, một học giả chiến tranh thuộc tổ chức Carnegie Endowment vì hoà bình quốc tế cho biết có một số lượng đáng kể cơ sở lọc dầu Nga nằm trong phạm vi khả năng hoặc phạm vi xác suất của khả năng tấn công của Ukraine. Tuy nhiên, hiệu quả ra sao phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ Ukraine có thể mở rộng chiến dịch tấn công.

Máy bay không người lái dễ có được hơn nhiều so với tên lửa tầm xa, loại vũ khí mà các nước đồng minh của Ukraine không muốn cung cấp cho Kiev vì lo ngại xung đột leo thang. Tuy nhiên, việc sản xuất máy bay không người lái ở quy mô công nghiệp đối với Ukraine là một khó khăn vì nước này ngày càng có năng lực trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lai, nhưng lại thiếu nguồn tài chính.

Ngay cả khi Ukraine giải quyết được thách thức nêu trên, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo rằng một chiến dịch sử dụng máy bay không người lái thành công không đồng nghĩa với chiến thắng. Bởi nó không thể thay thế cho các hoạt động trên bộ.

Chuyên gia Kofman nói: “Thành công trong một chiến dịch như vậy nên được coi là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, nhưng không nên bị hiểu sai như một cách tiếp cận chiến thắng trong chiến tranh”.

Thành Nam/Báo Tin tức
Tổng tư lệnh quân đội tiết lộ vũ khí then chốt giúp Ukraine giành lợi thế trước Nga
Tổng tư lệnh quân đội tiết lộ vũ khí then chốt giúp Ukraine giành lợi thế trước Nga

Trong bài đăng trên Facebook sáng 19/3, Đại tướng Oleksandr Syrskyi nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông trên cương vị Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine là phát triển hệ thống không người lái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN