Trung Quốc lập ADIZ: Từ Hoa Đông đến Biển Đông

Cục diện an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương có biểu hiện nóng lên sau việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) không trên biển Hoa Đông, cũng như khả năng tạo mới một ADIZ khác ở Biển Đông.

ADIZ trên Hoa Đông: Bối cảnh và hệ quả


ADIZ do Trung Quốc đơn phương thiết lập tại biển Hoa Đông. Ảnh: Kyodo


Nhiều nước lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, coi đây là động thái làm thay đổi hiện trạng khu vực, là mối đe dọa đối với tự do đi lại hàng không.

Động thái này không hẳn là quá bất ngờ, nó đã được giới chức Trung Quốc tính kĩ. Thời điểm tuyên bố thiết lập ADIZ cũng đã được chọn lựa, khi Trung Quốc được cho là hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực 1 năm sau khi ông Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo thứ 5 lên nắm quyền. Sau Hội nghị trung ương 3, Khóa XVIII ĐCS Trung Quốc vừa qua, đã có thông tin về việc giới lãnh đạo Bắc Kinh quyết tâm “theo đuổi những định hướng chiến lược lớn về chính sách đối ngoại”, với nhận định rằng “có một giai đoạn cơ hội chiến lược” từ năm 2020 trở ra, thời điểm mà môi trường an ninh bên ngoài cho phép Trung Quốc tập trung phát triển trong nước.

Thế nhưng, quãng thời gian “cơ hội chiến lược này” cũng phải đối mặt với những căng thẳng chưa có trong tiền lệ - đó là tái cân bằng của Mỹ tại châu Á, nhằm khẳng định vị thế người chơi chính của Washington tại khu vực này. Đưa ADIZ ra là cách để Trung Quốc “nhắc” Mỹ không thể bỏ qua vai trò của Bắc Kinh tại châu lục được xem là trung tâm phát triển của thế giới. Xét trong yếu tố nội bộ, ý tưởng thiết lập ADIZ được giới quân sự Trung Quốc theo đuổi từ lâu. Thông qua yêu cầu này là cách thức để ông Tập Cận Bình - trên cương vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tạo dựng mối quan hệ mật thiết với quân đội và khẳng định vị thế lãnh đạo đối với đội quân này.

Trên thực tế, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông đã chuyển thành một tình huống “tiến thoái lưỡng nan” đối với Bắc Kinh. ADIZ không phải là một tuyên bố chủ quyền, nó hướng đến việc quốc gia sở tại yêu cầu cung cấp nhận diện, địa điểm, kiểm soát máy bay nước ngoài khi đi vào không phận quốc gia. Nó thường do một quốc gia đơn phương công bố, không có luật quốc tế quy định chặt, thường được các nước khác tuân thủ bởi các nước khác. ADIZ do Trung Quốc thiết lập gây tranh cãi vì nhiều điểm: Nó chồng lấn với ADIZ do Nhật Bản, Hàn Quốc công bố trước đó; nó yêu cầu các chuyến bay dân sự buộc phải thông báo nhận diện khi bay qua ADIZ này dù không có ý định đi vào không phận Trung Quốc - điều mà không một nước nào trong khoảng 20 nước đã thiết lập ADIZ yêu cầu. Và cuối cùng mọi máy bay quân sự bắt buộc đều phải thông báo nhận dạng.

Trung Quốc có thiết lập ADIZ trên Biển Đông?

Ngày 1/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, không loại trừ khả năng quân đội nước này sẽ cho thiết lập ADIZ tại các vùng biển khác, trong đó có Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng này được cho là ít có khả năng xảy ra.

Về thực lực, nỗ lực của Trung Quốc trong thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông như là một công cụ để tăng cường sức nặng cho các tuyên bố chủ quyền dường như không mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ngay lập tức đều đã phái các máy bay quân sự vào khu vực này và được cho là không gặp phải sự phản ứng nào của Trung Quốc. Không những vậy, hành động của Trung Quốc đã đẩy các nước láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản xích lại gần nhau do cùng đứng trên lập trường phản đối. Muốn thực hiện triệt để, Trung Quốc buộc phải viện đến sử dụng sức mạnh quân sự, răn đe quân sự để áp đặt triệt để việc tuân thủ quy định  ADIZ trên biển Hoa Đông. Đây là điều mà Bắc Kinh phải cân nhắc kĩ lưỡng, vì nó có thể đẩy căng nguy cơ xung đột quân sự.


Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cùng lúc mở cả hai mặt trận Hoa Đông và Biển Đông sẽ đưa đến thực tế: Mỹ là người hưởng lợi lớn. Các bước đi leo thang của Trung Quốc có thể sẽ tiếp thêm sức sống mới cho bước chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á. Vì một khi Trung Quốc chuyển từ “chủ nghĩa dân tộc thuần túy” sang quan điểm cương quyết, áp đặt, các đối tác trong khu vực sẽ có lý do để thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Mỹ nhằm tạo ra hình thái cân bằng chiến lược.


HT (Tổng hợp)

Mỹ kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ các thủ tục hàng không trong ADIZ
Mỹ kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ các thủ tục hàng không trong ADIZ

Mỹ đã hối thúc Bắc Kinh hủy bỏ các thủ tục hàng không mới hình thành sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), vốn bị Washington chỉ trích là khó hiểu và tăng nguy cơ tai nạn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN