Thái Lan bên bờ vực của cuộc nội chiến

Thái Lan không còn xa lạ với những bất ổn chính trị, nhưng những diễn biến mới đây cho thấy tình hình này có thể kéo dài và nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến, Mark Fenn, phóng viên người Anh đang có mặt ở Bangkok nhận định.

Người biểu tình tuần hành trên đường phố ở Bangkok ngày 13/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Ngày 13/1, những người biểu tình đối lập Thái Lan đã bắt đầu tiến hành "phong tỏa" thủ đô Bangkok, chiếm đóng các giao lộ chính ở thủ đô trong chiến dịch leo thang nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Họ yêu cầu bà Yingluck phải từ chức và mở đường cho việc thành lập một chính phủ không qua bầu cử để giám sát chương trình cải cách bầu cử nhằm hạn chế ảnh hưởng chính trị của gia đình bà và khắc phục tình trạng "nền chính trị tiền bạc". Hàng nghìn người tay vẫy cờ đã tập trung ở các địa điểm mang tính chiến lược trong thành phố, bao gồm cả khu vực bên ngoài khu trung tâm thương mại từng bị phóng hỏa trong thời gian xảy ra cuộc bạo động chính trị hồi năm 2010.

Ngày 14/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch đóng cửa Bangkok cho tới khi phong trào biểu tình của ông giành chiến thắng và buộc chính phủ tạm quyền hiện nay phải ra đi. Theo ông Suthep, người biểu tình không có ý định gây trở ngại cho cuộc sống của người dân thủ đô mà mục tiêu chính của họ là ngăn cản công nhân viên chức chính phủ làm việc để tiến tới đóng cửa các cơ quan nhà nước. Ông này kêu gọi công nhân viên chức, lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ người tham gia biểu tình bởi nếu có xảy ra bạo lực thì đều là do các phe cánh của chính phủ gây ra.

Các cuộc biểu tình của phong trào chống chính phủ cho đến nay đã ít nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống sinh hoạt ở thủ đô, nhưng người biểu tình sẽ không nhượng bộ và cũng không đối thoại với chính phủ tạm quyền hiện nay. Ông Suthep khẳng định bác bỏ mọi đề xuất của thủ tướng nhằm tổ chức một cuộc gặp hay thảo luận về việc hoãn bầu cử do Ủy ban bầu cử khởi xướng. Trước đó, trả lời cuộc phỏng vấn được công bố hôm 12/1, ông Suthep đã bác bỏ khả năng đàm phán với chính phủ, nhưng tuyên bố sẽ dừng phong trào phản đối nếu tình hình bạo lực leo thang tới mức trở thành nội chiến. Ông nói: "Nếu tình hình trở thành cuộc nội chiến, tôi sẽ từ bỏ. Đối với tôi, mạng sống của người dân là vô cùng quý giá. Nếu ai đó kích động nội chiến, tôi sẽ bảo mọi người quay về nhà".

Trong khi đó, ở phía bắc và phía đông bắc của Thái Lan – nơi tập trung những người ủng hộ chính phủ - hàng triệu người  thuộc phe "áo đỏ" đang tức giận với những gì đang diễn ra tại Bangkok nhằm tìm cách lật đổ chính phủ mà họ bầu ra và tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tuần hành khắp Thái Lan để phản đối phe chống chính phủ. Vorachai Hema, cựu nghị sĩ Đảng Puea Thái (Vì nước Thái), tuyên bố ông sẽ dẫn đầu đoàn người ở tỉnh Samut Prakan tổ chức cuộc mít tinh tại trụ sở chính quyền tỉnh trước khi tuần hành tới một địa điểm chưa được công bố. Trong khi đó, một nhóm "Áo đỏ" khác do ông Prachuab Ramsoi dẫn đầu sẽ tập trung tại tỉnh Pathum Thani ở ngoại ô Bangkok vào cùng ngày.

Theo ông Vorachai, các thành viên "Áo đỏ" sẽ tổ chức tuần hành trên toàn quốc và sẽ dựng các sân khấu lớn ở Chiang Mai, Ubon Ratchthani, Khon Kaen và Ayutthaya, song không tổ chức hoạt động nào tại Bangkok. Ông cũng kêu gọi giới sinh viên, doanh nhân và những người phản đối hành động "chiếm đóng Bangkok" của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), do thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban đứng đầu.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Bangkok Post


Nguy cơ về một cuộc nội chiến xảy ra sau khi phe "Áo đỏ" ủng hộ chính phủ bắt đầu tổ chức các cuộc tuần hành từ ngày 11/1 ở các tỉnh tiếp giáp Bangkok và ở thành trì Udon Thani phía đông bắc Thái Lan - nơi các nhà lãnh đạo ước tính có khoảng 10.000 người đổ ra đường vào ngày 13/1. Chính quyền cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang trong thời gian "phong tỏa" thủ đô và cho biết họ sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu vụ bạo động mới xảy ra. Khoảng 20.000 cảnh sát và binh lính sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh. Cho đến nay, đã có 8 người, trong đó có một cảnh sát, bị giết hại và hàng chục người bị thương trong các vụ bạo lực đường phố kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hồi cuối tháng 10/2013.

Nhiều người Thái cho rằng quân đội sẽ can thiệp để phá vỡ thế bế tắc chính trị, đặc biệt nếu các cuộc biểu tình biến thành bạo lực trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều tin đồn về một cuộc đảo chính. Quân đội Thái Lan từng tiến hành hoặc âm mưu tiến hành 18 vụ đảo chính trong suốt 81 năm qua, tuy nhiên, hiện tại quân đội vẫn cố gắng giữ vị trí trung lập. Tướng lục quân Prayuth Chan-ocha đã bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng trong thời gian tới và nói: "Tôi muốn nói với tất cả các bên rằng họ không được phép gây xung đột lẫn nhau... Chúng ta đều là người Thái và chúng ta có thể cùng chung sống bất chấp các điểm khác biệt".


Cuộc xung đột ở Thái Lan đã kéo dài trong 8 năm qua, giữa một bên là tầng lớp trung lưu và giới bảo hoàng ở Bangkok, với bên còn lại chủ yếu là những người dân nghèo ở vùng nông thôn ủng hộ bà Yingluck và ông Thaksin - người đã bị phế truất trong cuộc đảo chính năm 2006. Phong trào biểu tình chống chính phủ cho rằng cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới là bất hợp pháp và cần phải bị ngăn cản bởi đảng Dân chủ đối lập đã tẩy chay nó. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phongthep Thepkanchana đã tuyên bố không thể hoãn được ngày bầu cử và Thủ tướng cũng không thể từ chức, nhưng chính phủ sẵn sàng đối thoại với người biểu tình để tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

"Phe đối lập đã không thể cạnh tranh trong cuộc bầu cử và do đó họ chọn giải pháp tập hợp đám đông và kích động các cuộc bạo lực để nhằm lật đổ chính phủ”, Pavin Chachavalpongpun, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) nói.


CT
(Tổng hợp)


Thái Lan triệu tập 55 thủ lĩnh đối lập
Thái Lan triệu tập 55 thủ lĩnh đối lập

Lực lượng đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục phong tỏa lối vào Trung tâm điều hành Không lưu Thái Lan (Aerothai) ở đường Ngam Duplee và Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ở đường Ratchadapisek, thủ đô Bangkok, nếu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra không từ chức.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN