Sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng 'ra tay'?

Cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier sau 17 tháng bị giam giữ ở Triều Tiên có vẻ như đã buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải “ra tay”.

Từ trái sang: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một ngày sau khi sinh viên 22 tuổi này qua đời, nhà lãnh đạo Mỹ, đã đăng trên Twitter “lời cảnh cáo” rằng Mỹ sẽ sớm hành động theo cách riêng để đối phó với Triều Tiên.

“Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhưng nó không hiệu quả. Ít nhất tôi biết rằng Trung Quốc đã cố gắng”, ông Trump viết trên Twitter ngày 20/6.

Theo The Daily Beast, trong bối cảnh đã có những bình luận khác của ông Trump về vấn đề Triều Tiên, sự xuất hiện của dòng tweet trên là điều đáng lo ngại. Tổng thống Trump ngày 11/4 đã tuyên bố nếu cần thiết, Mỹ sẵn sàng tự giải quyết “vấn đề” Triều Tiên mà không cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc. “Triều Tiên đang tìm kiếm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ thì đó là điều tuyệt vời. Còn nếu không, nước Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề mà không cần đến họ”, Tổng thống Trump viết. Và tới ngày 20/6, Tổng thống Trump đã báo hiệu rằng đã tới lúc Mỹ hành động một mình khi sự trợ giúp của Trung Quốc không hiệu quả?

Nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ đợi tới ít nhất là giữa tháng 7 trước khi ra tay với Triều Tiên. Các tờ báo Nhật Bản đưa tin nhà lãnh đạo Mỹ hồi đầu tháng 4 trong hội nghị thượng đỉnh tại Mar-a-Lago đã cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 100 ngày, tới ngày 16/7, để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Khung thời gian này phù hợp với kế hoạch “100 ngày hành động” của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross về thương mại, được công bố vào cuối cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ trước cái chết của sinh viên Otto Warmbier
có vẻ đã đẩy nhanh thời hạn hành động của ông Trump.

Vậy chính quyền Mỹ sẽ làm gì? Có rất nhiều lựa chọn “không vũ lực”. Cách hiệu quả nhất là hạn chế dòng tiền vào Bình Nhưỡng. Mỹ có thể, như Ngoại trưởng nước này Rex Tillerson ngày 20/6 đề xuất, ngăn chặn công dân Mỹ du lịch Triều Tiên. Mỹ có thể thắt chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Hơn nữa, Washington có thể thực hiện tốt hơn các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy vào các quỹ của chế độ Kim Jong Un.

Tất cả các biện pháp này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, nhưng những dòng tiền lớn đổ về Triều Tiên đều bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc đi qua các thể chế tài chính Trung Quốc.

Thế nên để “bỏ đói” Triều Tiên, Tổng thống Trump sẽ phải “ra tay” với Trung Quốc trước. Ông Trump đã sẵn có những công cụ để hành động. Chỉ bằng việc thực thi luật pháp Mỹ, ông Trump có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc không làm được gì bằng cách từ chối cho họ tiếp cận với các tài khoản đồng USD ở New York.

Các quan chức chính quyền Donald Trump đã nói về việc vô hiệu hóa các ngân hàng Trung Quốc, nhưng cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ có hành động chính trị nào đáng kể. Điều này đồng nghĩa rằng ông Trump, nếu có giữ lời hứa giải giáp Triều Tiên, cuối cùng sẽ phải dùng đến những lựa chọn “vũ lực”.

Chính Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 22/6 đã cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa Triều Tiên nếu những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng không hiệu quả.

Eric Bolling, chuyên gia phân tích của Fox News, nhận định rằng việc Tổng thống Trump sử dụng vũ lực không phải điều bất ngờ. Ông Bolling ngày 19/6 nói rằng “đã tới thời điểm của một cuộc tấn công phủ đầu”.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Ông Kim Jong-un ra mệnh lệnh bí mật về vũ khí hạt nhân?
Ông Kim Jong-un ra mệnh lệnh bí mật về vũ khí hạt nhân?

Theo một tài liệu mật mà tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc có được vào ngày 22/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh duy trì bí mật và quản lý các kho vũ khí hạt nhân, qua đó xác nhận Bình Nhưỡng đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN