Đằng sau việc Quốc vương Saudi Arabia truất cháu, đưa con lên làm Thái tử

Việc Quốc vương Saudi Arabia, Salman chỉ định con trai làm Thái tử, thay thế cho cháu trai bị phế truất Mohammed bin Nayef đã gây sự chú ý lớn trong thế giới Arab.

Quyết định phong tước vào ngày 21/6 này đồng nghĩa với việc Hoàng tử Mohammed bin Salman (31 tuổi) - con trai Quốc vương Saudi Arabia Salman- sẽ trở thành phó Thủ tướng kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Tân Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Truyền thông Saudi Arabia đồng thời cho biết Thái tử bị phế truất - Hoàng tử Mohammed bin Nayef (57 tuổi), cháu trai Quốc vương Saudi Arabia Salman, sẽ rời khỏi cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo BBC, Hoàng tử Mohammed bin Nayef đã cam kết trung thành với Thái tử mới.

Giả thiết về căn nguyên của thay đổi mới


Saudi Arabia thường xuyên được lãnh đạo bởi các vị Quốc vương trong độ tuổi 70 và 80. Do vậy sự thăng cấp nhanh chóng của tân Thái tử Mohammed bin Salman được thế hệ trẻ tại Saudi Arabia coi là dấu hiệu của “làn gió đổi thay mới”.

Trước khi được  làm Thái tử, ông Mohammed bin Salman đảm nhận trách nhiệm dẫn dắt chiến dịch của Saudi Arabia không kích Yemen, đồng thời giám sát quá trình cải tổ chính sách năng lượng và kinh tế của nước này.

Như vậy, các nhà phân tích cho rằng việc phong tước Thái tử cho Hoàng tử Mohammed bin Salman đảm bảo rằng những vấn đề cốt yếu trong chính sách cải tổ và đa dạng hóa kinh tế Saudi Arabia ngoài dầu mỏ sẽ được tiếp diễn.

Năm 2016, Hoàng tử Mohammed bin Salman từng tuyên bố thay đổi nhắm đến kết thúc sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu mỏ. Và một phần trong chiến dịch của ông là giải quyết những thách thức mang tính hệ thống mà trước đó Saudi Arabia đã không thể xử lý.

Reuters đánh giá tân Thái tử Mohammed bin Salman được coi là “người gác cổng” của cha mình, Quốc vương Salman.

Tân Thái tử Mohammed bin Salman (trái) và Hoàng tử Mohammed bin Nayef trong ảnh chụp năm 2015.

CNN nhận định rằng việc Quốc vương Salman phong tước hiệu Thái tử cho con trai và phế truất cháu trai dường như là động thái của ông nhằm “cắt đi những nhánh khác của gia đình” trong danh sách kế vị. BBC dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng sự thay đổi tước vị hoàng gia mới nhất này đồng nghĩa với việc Quốc vương Salman đã ngăn chặn sự bất ổn quyền lực có thể xảy ra giữa con trai và cháu trai của ông.

Động thái này đồng thời vạch rõ về nhân vật trong tương lai có tiềm năng lãnh đạo Saudi Arabia trong nhiều thập niên mới.

CNN dẫn lời ông Barak Seener từng công tác tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng tân Thái tử Saudi Arabia sẽ có “ảnh hưởng lớn tới nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội nước này”.

Bên cạnh đó, ông Seener cho rằng vị Thái tử Mohammed bin Salman đang được coi là nhà lãnh đạo lý tưởng cho Saudi Arabia phù hợp với nỗ lực quốc phòng và an ninh của Mỹ tại Syria, Iraq, Yemen và Vùng Vịnh bởi ông này có lập trường đối đầu với Iran.

Việc kế nhiệm tại Saudi Arabia

Người sáng lập Saudi Arabia, Quốc vương Abdulaziz có rất nhiều con trai và hiện nay có tới gần 15.000 công chúa và hoàng tử trong gia đình hoàng gia.

Năm 2006, một sắc lệnh được thông qua theo đó lập ra ủy ban chịu trách nhiệm bầu Quốc vương và Thái tử. Ủy ban này gồm các thành viên hoàng gia và được đặt tên là Hội đồng tận trung Saudi Arabia.

BBC đưa tin rằng việc phong tước hiệu Thái tử cho Hoàng tử Mohammed bin Salman đã nhận được 31 phiếu thuận trên tổng số 34 thành viên Hội đồng tận trung.

Quốc vương Salman lên ngai vị từ tháng 1/2015, sau khi anh trai ông Abdullah bin Abdul Aziz băng hà. Một vài tháng sau đó, Quốc vương Salman mở cuộc cải tổ nội các đầu tiên, bổ nhiệm ông Mohammed bin Nayef, con của anh, làm Thái tử.


Lý do thay đổi này gây chú ý?

Quyết định thay đổi của Quốc vương Salman diễn ra đúng thời điểm Saudi Arabia đối mặt với căng thẳng gia tăng liên quan đến Qatar, Iran và cuộc giao tranh tại Yemen.

Saudi Arabia hiện là đồng minh then chốt của các nước phương Tây như Mỹ và Anh. Riyadh tự coi nước này là lãnh đạo của cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Sunni trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Saudi Arabia được đánh giá đóng vai trò đối trọng với ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Hãng thông tấn Reuters cho biết Iran đã gọi sự thay đổi vừa qua trong hoàng gia Saudi Arabia là “đảo chính mềm”.

Trong khi đó, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi, Quốc vương Oman Qaboos đều gửi lời chúc mừng tân Thái tử Mohammed bin Salman.

Ngoài ra Saudi Arabia còn là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu do vậy hoàng gia nước này được coi là một trong những gia tộc giàu có nhất trên thế giới.

Vị thái tử bị phế truất là ai?

Thái tử bị phế truất Mohammed bin Nayef là người đứng đầu Bộ Nội vụ Saudi Arabia trong nhiều năm trời và nổi danh với thái độ cứng rắn chống lại phiến quân.

BBC cho biết ông được đánh giá có mối quan hệ tốt với các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia.

Hãng tin Aljazeera đánh giá rằng Hoàng tử Mohammed bin Nayef trong thời gian qua chưa thể hiện được vai trò trong việc Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) muốn cô lập Qatar. Đồng thời, Hoàng tử Mohammed bin Nayef dường như không xuất hiện nhiều trước công chúng như tân Thái tử Mohammed bin Salman.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Iran gọi việc Vua Saudi Arabia phế Thái tử là 'đảo chính mềm'
Iran gọi việc Vua Saudi Arabia phế Thái tử là 'đảo chính mềm'

Truyền thông nhà nước Iran ngày 21/6 gọi việc Quốc vương Saudi Arabia Salman phong con trai Mohammed bin Salman làm Thái tử và là người kế vị ông là một "cuộc đảo chính mềm".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN