Phương Tây có ngăn chặn được Iran?

Chiến thắng lịch sử của ông Hassan Rowhani - ứng cử viên theo đường lối ôn hòa và ủng hộ cải cách - trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua có thể mở ra một kỷ nguyên mới, giúp Iran sớm đạt mục tiêu trở thành cường quốc khu vực. Vì vậy, theo nhận định gần đây của "Báo Nhà Kinh tế" (Anh), đây chính là thời điểm phương Tây phải tăng cường can dự vào Trung Đông trên cả bình diện kinh tế lẫn quân sự để chủ động ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ này.

Ông Rowhani có thể giúp Iran sớm đạt mục tiêu trở thành cường quốc khu vực.


Nhiều người đã nghĩ đến sự phục hồi của nền kinh tế và chính sách mở cửa hơn của Têhêran với bên ngoài để từ đó tăng cường vị thế nước lớn của Iran ở Trung Đông và vùng Vịnh. Tuy nhiên, đó không hẳn là tín hiệu đáng mừng đối với phương Tây. Chiến lược gia tăng ảnh hưởng ở khu vực cũng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà Têhêran không có ý định chuyển hướng sẽ tiếp tục là thách thức, buộc phương Tây phải có giải pháp ngăn chặn.

Lên nắm quyền giữa rối ren khó khăn, ông Rowhani sẽ có rất nhiều việc phải làm. Lạm phát phi mã ở mức 30%, kinh tế lâm vào suy thoái. Điều đáng nói là tình trạng bất công trong xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Hơn 40% người dân Iran cho rằng họ đã sống dưới mức nghèo đói. Lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây khiến hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu hồi tháng 5/2013, mỗi ngày nước này chỉ xuất khẩu khoảng 700.000 thùng, chỉ bằng 1/3 sản lượng trước đây. Nhà máy phải đóng cửa, người lao động chịu cảnh thất nghiệp và hàng hóa nhu yếu phẩm thiếu trầm trọng.

Thế nhưng, "con sư tử" vùng Vịnh dường như chưa bao giờ mất đi nanh vuốt, và cũng không bỗng dưng chuyển đổi sang một xã hội dân chủ. Trên thực tế, ông Rowhani chỉ là một gương mặt theo đường lối cải cách trong số những ứng cử viên trung thành với nước Cộng hòa Hồi giáo. Nhiều năm liền, ông nắm vị trí then chốt của guồng máy chính trị cũng như an ninh. Giờ đây, lên làm tổng thống với quyền lực được giới hạn bởi nhiều thể chế khác nhau đặt dưới sự lãnh đạo của những nhân vật bảo thủ, ông Rowhani khó có thể xoay chuyển tình thế, nếu ông là một nhà cải cách thực sự.

Trong thời gian qua, tương quan giữa Iran và phương Tây đã có những thay đổi đáng kể, nghiêng về phía Tehran. Có hai lý do giải thích cho thực tế này: Thứ nhất, mặc dù phương Tây và Israel luôn tìm cách ngăn chặn, nhưng được đầu tư tốt, ngành công nghiệp hạt nhân của Iran đã phát triển rất nhanh. Theo dự đoán, chỉ trong một vài tuần tới, họ có thể chế tạo thành công bom hạt nhân với urani được làm giàu ở cấp độ vũ khí. Chỉ trong hai năm qua, Iran đã lắp ráp thêm 9.000 máy li tâm mới, tăng gấp đôi khả năng làm giàu urani. Thứ hai, những diễn biến gần đây của tình hình khu vực đang đe dọa lợi ích của phương Tây, và tạo điều kiện thuận lợi cho Iran gia tăng ảnh hưởng. Mặc dù kinh tế suy thoái, nhưng Iran vẫn là một nhà nước mạnh nếu so với các quốc gia láng giềng.

Điều đáng lo cho phương Tây là Iran luôn tìm cách xuất khẩu ảnh hưởng ra khu vực. Chính phủ Irắc hiện là đồng minh của Iran, các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shi'ite nhận viện trợ từ Têhêran, tình hình Lebanon, Syria cũng nằm trong tầm chi phối của họ thông qua vai trò của Phong trào Hezbollah. Lực lượng đặc nhiệm của Iran cùng với tiền và vũ khí được đổ vào Syria để giúp Tổng thống Bashar al - Assad thay đổi cục diện chiến trường. Rõ ràng, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở quốc gia Trung Đông đang lâm vào nội chiến này.

Không loại trừ khả năng ông Rowhani sẽ thực dụng hơn và lựa chọn cách tiếp cận ôn hòa. Trước đây khi đảm nhận vị trí Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran cũng như trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông vẫn nhắc đến mối liên hệ giữa lệnh trừng phạt của phương Tây với tình trạng suy thoái của nền kinh tế. Ông kêu gọi thiết lập mối quan hệ tốt hơn với phương Tây. Dưới thời ông Rowhani, các cuộc đàm phán hạt nhân có thể sẽ được khôi phục, mặc dù không chắc mang lại kết quả cụ thể nào. Chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông là lý do lớn nhất thôi thúc phương Tây can thiệp quân sự vào Syria. Hiện phương Tây vẫn duy trì những ưu thế nổi trội về kinh tế và quân sự để áp đặt luật chơi ở khu vực. Nhưng liệu họ có thể ngăn chặn Iran khi nước này tìm mọi cách trỗi dậy ở Trung Đông?


Lê Phương(Phóng viên TTXVN tại Anh)
Triển vọng 'ngoại giao hạt nhân' Iran hậu bầu cử
Triển vọng 'ngoại giao hạt nhân' Iran hậu bầu cử

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 11 tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, được cả truyền thông trong và ngoài nước đánh giá là minh bạch và công khai, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ứng viên ôn hòa Hassan Rowhani.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN