Triển vọng 'ngoại giao hạt nhân' Iran hậu bầu cử

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 11 tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, được cả truyền thông trong và ngoài nước đánh giá là minh bạch và công khai, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ứng viên ôn hòa Hassan Rowhani. Từng là một nhà ngoại giao hạt nhân được các đối tác phương Tây nể trọng, ông Hassan Rowhani được kỳ vọng sẽ mang lại một hơi thở mới cho sự bế tắc bấy lâu liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.


Với tỷ lệ người đi bỏ phiếu lên tới 72,7%, cao hơn cả bầu cử tại Mỹ năm 2012, ông Hassan Rowhani đã giành được 50,7% số phiếu bầu, đánh bại một cách thuyết phục 5 ứng viên còn lại nhờ chiến dịch tranh cử cam kết sẽ bảo đảm an toàn, tự do ngôn luận, an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Việc nhận được sự đề cử của hai cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani và Mohammad Khatam, và sự chia rẽ về số phiếu cho 5 ứng viên theo đường lối cứng rắn còn lại cũng là các nhân tố giúp ông Rowhani giành chiến thắng “không tranh cãi”.

 

Người dân Iran đặt nhiều kỳ vọng vào ông Hassan Rowhani.
Ảnh: THX/TTXVN


Theo hãng tin Press TV (Iran), về chính sách đối ngoại, ông Hassan Rowhani khẳng định các chính sách ông đưa ra là nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời tạo các cơ hội chính trị, kinh tế và xã hội cho tất cả người dân. Ông không đồng tình với chính sách đối đầu cứng rắn của chính phủ dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad, và khẳng định sẽ xây dựng “mối quan hệ tay đôi” với Mỹ nhằm giải quyết quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân, nhưng vẫn bảo đảm quyền được sở hữu hạt nhân vì mục đích dân sự của Têhêran.


Trong thông điệp đầu tiên sau khi đắc cử, ông Hassan Rowhani kêu gọi phương Tây đối xử với Iran bằng sự tôn trọng và công nhận các quyền của nước này nếu muốn nhận được những phản hồi thích hợp. Trong các tuyên bố mang tính hồi đáp, các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đều khẳng định sẵn sàng hợp tác với tân Tổng thống Iran nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Têhêran, vốn luôn bị cáo buộc là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.


Giới chuyên gia phân tích phương Tây, và cả các quan chức Mỹ, đều cho rằng việc ông Hassan Rowhani đắc cử tổng thống và kinh nghiệm của ông trong đàm phán hạt nhân sẽ làm thay đổi “chất giọng đàm phán” của Iran, mở ra một chương mới cho quan hệ đóng băng bấy lâu vì bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.


Từng đối mặt trong các cuộc đàm phán, cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw đánh giá ông Hassan Rowhani là một “chính trị gia và nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm”. Ông Jack Straw cũng cho rằng “lá phiếu niềm tin giành cho ông Rowhani cho thấy mong muốn thoát khỏi cách tiếp cận khô khan và tự chuốc lấy thất bại của quá khứ và hướng tới các mối quan hệ xây dựng với phương Tây của người dân Iran. Còn tạp chí “Chính sách Đối ngoại” danh tiếng của Mỹ nhận định chiến thắng của ông Rowhani không mang lại sự thay đổi chế độ, nhưng nó giúp làm thay đổi “cuộc chơi”.


Các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama bấy lâu nói rằng Nhà Trắng thực sự nghiêm túc trong việc can dự với Iran để chấm dứt quan ngại về chương trình hạt nhân mà Iran luôn khẳng định vì mục đích hòa bình. Theo hãng tin Reuters (Anh), Kể từ khi lên nắm quyền năm 2009, ông Barack Obama đã hai lần gửi thư cho nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đề nghị “can dự trực tiếp” với điều kiện Iran minh chứng được rằng nước này sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.


Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough nhận định việc ông Rowhani đắc cử là “một dấu hiệu có khả năng đem lại hy vọng”, và rằng “nếu ông Rowhani thực sự mong muốn, như ông đã nói trong chiến dịch tranh cử, hàn gắn các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới thì chắc chắn ông có cơ hội để làm việc đó”. Còn Tổng thống Barack Obama ngày 17/6 cẩn trọng cho rằng ông Rowhani thể hiện mong muốn chuyển hướng cách tiếp cận của Iran trong nhiều vấn đề quốc tế, song thế giới vẫn phải chờ đợi vì hệ thống chính trị tại Iran cho thấy nhà lãnh đạo tối cao là người đưa ra các quyết định.


Chuyên gia phân tích về Iran và Trung Đông, ông Afshon Ostovar, thuộc Trung tâm Nghiên cứu CNA (Mỹ) cho rằng “những điều mà ông Rowhani có thể làm phụ thuộc vào việc ông nhận được sự ủng hộ của ông Khamenei ở mức độ nào". Còn bà Ali Vaez, nhà phân tích kỳ cựu về Iran thuộc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế tại Brúcxen (Bỉ) cho rằng có thể ông Rowhani không thay đổi được trọng tâm chiến lược hạt nhân của Iran vì điều này do nhà lãnh đạo tối cao Khamenei quyết định, song cái mà ông ta có thể lựa chọn là giọng điệu và ê kíp của mình trong quá trình đàm phán để có thể nỗ lực giảm bớt tình trạng bị cô lập của Têhêran.


Sẽ không có đột phá một sớm một chiều bởi thực tế là thực quyền hạn chế của tổng thống trong hệ thống chính trị tại Iran khiến ông Hassan Rowhani không thể tự quyết thay đổi chính sách hạt nhân. Hiện tại, nhà lãnh đạo tối cao Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG) vẫn kiểm soát mọi cấp độ quyền lực và đưa ra các quyết sách. Dù vậy, theo hãng tin AP (Mỹ), những tuyên bố của nhà lãnh đạo tối cao Khamenei và cam kết hợp tác của IRG với tân Tổng thống Rowhani là một tin tốt lành đối với quốc gia Hồi giáo này. Không chỉ vậy, theo hãng tin AFP (Pháp), ông Rowhani vẫn tự hào vì đã duy trì được mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo tối cao Khamenei.


Những dấu hiệu đó cho phép người ta kỳ vọng vào một sự thay đổi trong quan hệ giữa Iran và phương Tây thời gian tới. Song, như nhận định của cựu Ngoại trưởng Jack Straw, cộng đồng quốc tế không nên kỳ vọng quá nhiều và quá sớm vào nhà lãnh đạo mới của Iran. Điều có thể kỳ vọng là các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran với P5+1 có thể sẽ sớm được nối lại và sự thay đổi trong giọng điệu đàm phán có thể mang lại những kết quả tích cực.


Lê Dương (tổng hợp)

Iran gửi 4.000 quân giúp tổng thống Assad?
Iran gửi 4.000 quân giúp tổng thống Assad?

Chính phủ Iran đã thông qua quyết định triển khai 4.000 quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tới Syria để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN