Nhật-Nga lại tìm kiếm giải pháp trong tranh chấp lãnh thổ

Tổng thống Nga cũng cho biết "nếu Moskva có thể đạt được sự tin tưởng cao" với Tokyo "thì hai bên có thể đạt được một số thỏa hiệp" liên quan tới quần đảo Kuril.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 2 (EEF) ngày 2/9, tại thành phố Vladivostok, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tạp chí "The Diplomat" gần đây có bài viết với tiêu đề: "Nhật-Nga một lần nữa tìm giải pháp trong tranh chấp lãnh thổ", trong đó trích dẫn lại câu trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg của Tổng thống Nga Vladimir Putin (liên quan đến tranh chấp Nga-Nhật về chủ quyền đối với quần đảo Kuril, Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc) rằng: "Chúng tôi không nói về sự trao đổi hay mua bán mà chúng tôi nói về việc tìm giải pháp để cả hai bên đều không cảm thấy thất bại hay thua thiệt". Đây dường như là dấu hiệu cho thấy Moskva đã mở cánh cửa với Tokyo về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Ông Putin đã nói rằng việc tiến hành các cuộc hội đàm với Nhật Bản không phải là mua bán lãnh thổ bởi Nga "đang rất muốn tìm giải pháp cho vấn đề này với những người bạn Nhật Bản". Tổng thống Nga cũng cho biết "nếu Moskva có thể đạt được sự tin tưởng cao" với Tokyo "thì hai bên có thể đạt được một số thỏa hiệp".

Câu hỏi đặt ra là những phát biểu gần đây của ông Putin là vấn đề nghiêm túc, hay chỉ là cảm giác lạc quan thoáng qua? Kể từ năm 2013, triển vọng về một giải pháp lâu dài xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản dường như bị chìm xuống và rơi vào bế tắc. Ông Abe sau khi trở lại vai trò Thủ tướng Nhật Bản năm 2012 đã đặt mối quan tâm của mình vào việc theo đuổi mục tiêu quan hệ "gần hơn" với Moskva.

Quần đảo Kuril hay còn gọi là vùng Lãnh thổ phương Bắc của Nhật Bản.

Tuy nhiên, lời đề nghị đầu tiên của ông đã bị đứt quãng bởi mối quan hệ với Mỹ và phương Tây sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, và tiếp theo là cáo buộc Moskva hỗ trợ quân li khai ở Ukraine. Tokyo đã phải miễn cưỡng cùng các nước G7 chống Nga và ủng hộ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Moskva. Theo đó, chủ trương nối lại quan hệ với Nga của Nhật Bản đã bị đổ bể.

Tuy nhiên, sau khi câu trả lời phỏng vấn của ông Putin với hãng tin Bloomberg được công khai và ông Abe lập thêm một ghế bộ trưởng mới chuyên trách về quan hệ hợp tác với Nga đã cho thấy những tiến triển trong quan hệ Nga-Nhật kể từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen hồi tháng 5 vừa qua. Cuộc chơi hiện tại của ông Abe với ông Putin là nhằm khẳng định Nhật Bản có khả năng tạo ra các động lực kinh tế cho Nga ở khu vực Viễn Đông.

Tokyo dường như đã đặt cược rằng việc tăng cường hợp tác kinh tế với Nga sẽ giúp xây dựng lòng tin với Moskva. Trước mắt có thể thấy một số dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ Nga-Nhật trong thời gian tới. Cụ thể, Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp tục gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Peru vào tháng 11 tới. Ngoài ra, ông Putin dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản vào tháng 12/2016.

Tuy nhiên, những động thái của quân đội Nga trên thực địa lại cho thấy giữa Moskva và Tokyo vẫn còn một khoảng cách khá xa. Quân đội Nga thường xuyên đưa máy bay ném bom chiến lược Tu-95 bay quanh vùng trời của Nhật Bản và buộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải đáp trả.

Tương tự, trên Biển Hoa Đông khi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc bị đẩy lên cao, Nga đã cử lực lượng tham gia cùng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Cụ thể, trong tháng 6/2016, một tàu khu trục nhỏ của quân đội Trung Quốc đã di chuyển vào vùng tiếp giáp lãnh hải ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư với sự hộ tống của các tàu hải quân Nga.

TTXVN/Tin Tức
Lòng tin là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ Hàn-Nga
Lòng tin là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ Hàn-Nga

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 3/9 nhấn mạnh lòng tin là yếu tố “quan trọng nhất” trong việc phát triển các mối quan hệ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN