Nga và Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm tranh giành Biển Đen?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ lâu cho rằng vùng biển chiến lược này không nên là "hồ của Nga".

Chú thích ảnh
Các tàu chở ngũ cốc đang chờ kiểm tra sau khi Nga ngừng tham gia vào Ukraine

Dinh thự mùa hè của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bocharov Ruchey, là một cung điện hùng vĩ được xây dựng từ thời nhà lãnh đạo Stalin, nằm ngay ngoại ô thành phố nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen. Tại đây, ông Putin dự kiến ​​sẽ chủ trì các cuộc đàm phán cấp cao với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, sớm nhất là vào 4/9.

Lo ngại của Ankara về Biển Đen

Theo tờ Politico, nếu loại bỏ các biện pháp ngoại giao tế nhị, sự chú ý chắc chắn sẽ chuyển sang những căng thẳng âm ỉ ở Biển Đen, chỉ cách khu nhà nghỉ của chính phủ Nga một quãng ngắn. Thậm chí vào năm 2016, ông Erdogan đã từng phàn nàn rằng Biển Đen đang trở thành "hồ của Nga", và còn chủ trương thành lập hạm đội NATO chung Romania-Bulgari-Thổ Nhĩ Kỳ để cân bằng sức mạnh với Nga. Tâm lý lo ngại đó lúc này, nếu có, chỉ trở nên tệ hơn.

Tuyến đường thủy chiến lược ở Biển Đen là huyết mạch quan trọng cho thương mại năng lượng và nông nghiệp, giúp cung cấp dầu, khí đốt và ngũ cốc cho phần lớn thế giới. Tuy nhiên, giờ đây, những nỗ lực của Nga nhằm phong tỏa nền kinh tế Ukraine cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, khơi dậy sự cạnh tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa hai nước.

Moskva và Ankara có lịch sử đối đầu, với mối quan hệ phức tạp xoay quanh các vấn đề từ quyền của người Tatars ở Crimea cho đến cuộc chiến ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Ukraine để giúp Nga duy trì các tuyến thương mại thông thoáng, nhưng giờ đây cuộc xung đột ngày càng khiến Ankara đau đầu.

Ankara đang đối mặt với hai vấn đề: Trước hết là cuộc xung đột ở Ukraine đang tác động đến tàu thuyền và tuyến hậu cần của Thổ Nhĩ Kỳ, một thực tế rõ ràng là không lý tưởng đối với một quốc gia đang phải vật lộn với lạm phát thiêu đốt. Thứ hai, lệnh cấm vận ngũ cốc của Nga phủ bóng lên những nỗ lực của Tổng thống Erdogan nhằm thể hiện mình là nhà lãnh đạo của một liên minh dám "cự" lại phương Tây gồm các quốc gia (chủ yếu là theo Hồi giáo) trên khắp châu Phi và châu Á, khi Moskva tăng cường sức mạnh của mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Trong khi giao tranh diễn ra ác liệt tại miền đông Ukraine, lực lượng Moskva đang mở rộng nỗ lực tấn công cơ sở hạ tầng hàng hải của Kiev, và đôi khi xảy ra một số vụ việc với các tàu dân sự trong vùng biển quốc tế.

Vào giữa tháng 8, quân đội Nga đã bắn cảnh cáo và lên tàu chở hàng Şükrü Okan thuộc sở hữu của Thổ Nhĩ Kỳ khi con tàu đi về phía vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo: “Tất cả các tàu đi từ Biển Đen tới các cảng của Ukraine sẽ được coi là tàu chở hàng quân sự tiềm năng”.

Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Điện Kremlin đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian, nhằm khôi phục luồng giao thông hàng hải qua Biển Đen và giúp hạ giá nông sản. Thỏa thuận này do Thổ Nhĩ Kỳ bảo lãnh, đảm bảo gần 33 triệu tấn thực phẩm có thể rời khỏi các cảng bị phong tỏa của Ukraine, được hộ tống qua các tuyến đường vận chuyển rải đầy thủy lôi tới Istanbul, trước khi đến các thị trường mới nổi quan trọng.

Chú thích ảnh
Quân đội Nga kỷ niệm Ngày Hải quân tại Novorossiysk hôm 30/7/2023. Ảnh: AFP /Getty Images

Việc ép Nga quay trở lại bàn đàm phán và khôi phục thỏa thuận ngũ cốc dự kiến ​​​​sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Erdogan cho hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Omer Celik, người phát ngôn đảng AK cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng “sau chuyến thăm này có thể có những diễn biến và giai đoạn mới' có thể đạt được.”

Tầm nhìn cạnh tranh

Tuy nhiên, đằng sau cuộc thảo luận về sự đồng thuận và thỏa hiệp là hai tầm nhìn cạnh tranh nhau về Biển Đen.

Sergey Radchenko, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, cho biết: “Người Nga có khả năng can thiệp vào hoạt động vận chuyển của Ukraine và họ đang làm điều này. Họ nghĩ rằng họ đang ở vị thế có thể áp đặt một cách hiệu quả một cuộc phong tỏa hải quân đối với Ukraine và họ có thể thực sự thành công”.

“Biển Đen đã là đối tượng trong tham vọng của Nga từ nhiều thế kỷ trước và ở thời kỳ nước Nga đế quốc, nước này đã không ngừng đụng độ với Đế chế Ottoman, nhiều đến mức vẫn có những ảo tưởng mang tính dân tộc chủ nghĩa về việc Biển Đen vẫn là một ‘hồ của Nga’.”

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles – nối liền Biển Đen và Địa Trung Hải.

Ryan Gingeras, Giáo sư về an ninh quốc gia tại trường Trường cao học Hải quân Mỹ, cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đảm bảo rằng nước này có mối quan hệ tốt với cả Nga cũng như Ukraine”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đi theo các đồng minh NATO áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga. Thay vào đó, họ tận dụng chiết khấu để tăng nhập khẩu sản phẩm dầu lên 25,5 triệu thùng trong tháng 7 - tăng từ mức chỉ 11,6 triệu thùng trong cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, những nỗ lực mới nhất của Moskva nhằm phá vỡ nền kinh tế Ukraine cũng đang tác động tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có cảnh báo về việc tăng phí bảo hiểm đối với các tàu hoạt động trong khu vực, khiến việc vận chuyển dầu thô và các hàng hóa khác từ các cảng của Nga trở nên tốn kém và nguy hiểm hơn. Đồng thời, nguồn cung ngũ cốc không còn đến được các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ nữa - thay vào đó, Nga cam kết phân phát miễn phí cho một số quốc gia châu Phi được chọn như một phần của các thỏa thuận.

Điều đó đang cướp đi nguồn năng lượng giá rẻ cũng như thị trường nhập khẩu nông sản sinh lợi của Ankara. Giá lương thực và năng lượng tăng cao đang tàn phá nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis, từng là chỉ huy đồng minh tối cao của NATO ở châu Âu, đã cảnh báo rằng các quốc gia phương Tây khác có thể bị lôi kéo vào [Biển Đen] nếu vấn đề không được giải quyết sớm.

Ông nói: “Nếu Nga bắt đầu bắt giữ các tàu hoặc tìm cách xua đuổi, tôi nghĩ có khả năng NATO sẽ phản ứng bằng cách hỗ trợ một hành lang nhân đạo cho việc vận chuyển hàng hóa". Ông cho rằng liên minh này có thể bảo vệ các tàu đi và đến cảng Odesa của Ukraine “bằng máy bay chiến đấu của NATO trên đầu và có thể cả tàu chiến của NATO hộ tống."

Theo Dimitar Bechev, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trường Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đại học Oxford, Ankara không muốn từ bỏ quyền kiểm soát và chứng kiến​​ các cường quốc phương Tây tiến vào sân sau của mình.

Chú thích ảnh
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nước duy nhất trên thế giới hiện đã thành công trong việc có quan hệ bình đẳng với Moskva. Ảnh: AFP/Getty Images

Ban đầu, Ankara đã mời Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán, trước khi ông Erdogan xác nhận rằng, thay vào đó ông sẽ thực hiện chuyến hành trình tới Nga.

Ông Erdogan dường như đang tự mình lập lại trật tự, và thuyết phục người đồng cấp Nga chơi theo luật.

Theo Cihat Yaycı, cựu Đô đốc hải quân, người có công phát triển học thuyết Tổ quốc Xanh của Thổ Nhĩ Kỳ - một lộ trình được thiết kế để khôi phục quyền lực tối cao của nước này trên biển - nếu Ankara không làm được thì không ai có thể làm được.

“Nga là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ; Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế lớn thứ ba của Nga. Họ có thể làm tổn hại lẫn nhau, vì vậy đó là lý do tại sao họ có thể hình thành một mối quan hệ bình đẳng và cân bằng”, ông Yaycı nói với tờ Politico.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ độc đáo, là nước duy nhất trên thế giới hiện đã thành công trong việc có quan hệ bình đẳng với Moskva", ông nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
LHQ đề xuất giải pháp khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
LHQ đề xuất giải pháp khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Ngày 1/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cho biết ông đã gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn qua các cảng ở Biển Đen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN