Nga, Trung sẽ là chủ đề chính của Thượng đỉnh G-7

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước Công nghiệp phát triển (G-7) sẽ diễn ra tại Đức trong hai ngày 7-8/6 tới. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Hội nghị Thượng đỉnh G-7 đã loại Nga ra khỏi cơ chế nhóm họp do những mâu thuẫn trong vấn đề Ukraine. Năm nay, dự kiến chủ đề của G-7 sẽ tập trung vào các biện pháp đối phó với cả Nga và Trung Quốc.

Các lãnh đạo G-7 nhóm họp hồi năm 2014.Ảnh: Reuters


Ngày 27/5 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng cách thức phương Tây ứng xử với vấn đề Ukraine tác động, ảnh hưởng tới xu hướng của trật tự quốc tế trong hàng chục năm tới. Ông này cũng cảnh báo rằng những nước như Trung Quốc đang chăm chú theo dõi tình hình liên quan đến vấn đề này. Trong bài diễn thuyết của mình, ông Biden nhấn mạnh lo ngại nếu việc Nga "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" được chấp nhận, thì những nước như Trung Quốc sẽ theo đuổi những hành vi tương tự.

Theo nhật báo "Nikkei" (Nhật Bản), từ tháng 4/2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea ở miền Đông Ukraine. Để trả đũa, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đi đầu trong việc phát động chiến dịch trừng phạt kinh tế đối với Nga. Mỹ mong muốn liên kết chặt chẽ trong G-7 để siết chặt trừng phạt Nga, song sự liên kết đang có nguy cơ rệu rã. Một năm sau khi trừng phạt Nga, nhiều nước trong EU - vốn phụ thuộc tới 30% lượng khí đốt từ Nga và có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Moskva - đã "thấm" những tác động ảnh hưởng từ việc trừng phạt Nga.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị giữa EU với 6 nước thuộc Liên Xô cũ hồi tháng 5 vừa qua, các bên đã tránh chỉ trích đích danh nước Nga. Ngay trong số nguyên thủ các nước EU, cũng đã có những ý kiến cho rằng chắc chắn có thể đối thoại với Nga về tương lai. Nhìn chung, xu thế muốn tránh căng thẳng với Nga đang giữ vị trí chủ đạo tại châu Âu.

Nhật Bản, trong quan hệ với Nga, cũng có nhiều nét tương đồng với EU. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 4 vừa qua, cho biết Tokyo đang thúc đẩy chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015. Do đó, trong Hội nghị Thượng đỉnh G-7 năm nay, cách “xử lý” quan hệ với Nga sẽ bao gồm 2 luồng ý kiến chính: một là chính sách cứng rắn do Mỹ, Canada ủng hộ và hai là tìm kiếm đối thoại do Đức, Pháp, Nhật Bản hậu thuẫn. Bên cạnh đó, một chủ đề khác cũng dự kiến gây nóng hội nghị là vấn đề đối phó với việc Bắc Kinh xây dựng đảo tại Biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng G-7 hồi tháng 4 vừa qua lần đầu tiên đã ra tuyên bố chung phê phán hành vi của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo trên Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc là đơn phương làm thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng. Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ra một tuyên bố mạnh tương tự như tuyên bố cấp Ngoại trưởng vừa qua.

Tuy nhiên, mặc dù hiểu được chủ trương của Nhật Bản và Mỹ, song do khoảng cách địa lý nên mức độ quan tâm tới vấn đề Biển Đông của các nước châu Âu không thật mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc rất mạnh nên liên minh này sẽ tránh chỉ trích gay gắt Bắc Kinh. Trước đó, Anh, Đức, Pháp và Italy đã tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Bất chấp đề nghị của Mỹ, việc các cường quốc trong EU vẫn tham gia AIIB cho thấy trong bối cảnh trì trệ kéo dài, nền kinh tế liên minh châu Âu ngày càng gắn chặt và phụ thuộc hơn vào nền kinh tế Trung Quốc.

TTK
Chính giới Đức phê phán việc không mời Nga dự Thượng đỉnh G7
Chính giới Đức phê phán việc không mời Nga dự Thượng đỉnh G7

Trong chính giới Đức đã xuất hiện nhiều ý kiến phê phán việc lãnh đạo nước này không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN