Lý do kho đạn dược của Mỹ cần ‘hồi sức’

Mỹ sẽ phải đối mặt với một loạt hậu quả nếu không thực hiện các biện pháp khẩn cấp để mở rộng năng lực sản xuất đạn dược cho quân đội.

Chú thích ảnh
Thủy quân lục chiến Mỹ phóng tên lửa Javelin tại trường bắn Babadag, Romania. Ảnh: Quân đội Mỹ 

Trong nhiều năm, Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ đều bỏ qua vấn đề này. Năm này qua năm khác, ngân sách được đề xuất và phê duyệt cho thấy các loại vũ khí, đạn dược quan trọng chỉ được mua với mức giá thấp nhất có thể mà các công ty có thể chịu được, dẫn đến làm rỗng nền tảng công nghiệp.

Theo tờ Politico, giờ đây, khi một loạt các mối đe dọa bất thường đang xuất hiện, Washington không thể coi thường tình trạng thiếu hụt sản xuất đạn dược gây nguy hiểm tới sự sẵn sàng của quân đội Mỹ và làm giảm khả năng cung cấp cho các đồng minh.

Nhưng tin tốt là Quốc hội Mỹ có thể thực hiện một số bước để bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng đạn dược. Các biện pháp đó bao gồm ủy quyền và tài trợ cho việc tăng mạnh sản xuất các loại bom, đạn chính, hỗ trợ các biện pháp mở rộng năng lực công nghiệp và cung cấp cơ chế mua sắm dài hạn nhằm khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.

Để hiểu được thách thức của khủng hoảng đạn dược, có thể nhìn vào sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.

Vào ngày 4/10, Lầu Năm Góc thông báo gói hỗ trợ an ninh bổ sung 625 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số tiền lên 17,5 tỷ USD kể từ tháng 1/2021. Trong số các vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine có nhiều loại đạn dược, với khoảng 8.500 tên lửa vác vai chống tăng Javelin, 1.400 tên lửa chống máy bay Stinger, 880.0000 viên đạn pháo 155mm, 2.500 viên đạn pháo 155mm dẫn đường chính xác và một số lượng chưa xác định Tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLR) được sử dụng bởi Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine nã hỏa lực từ lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất ở Kharkiv, ngày 1/8/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Mặc dù đó là sự hỗ trợ quan trọng, nhưng việc cung cấp các loại đạn dược này đã làm nổi rõ những thiếu sót của kho vũ khí Lầu Năm Góc và năng lực sản xuất chúng của cơ sở công nghiệp Mỹ.

Theo các tài liệu ngân sách của Lầu Năm Góc, tốc độ mua sắm tên lửa Javelin trung bình hàng năm của Lầu Năm Góc trong giai đoạn tài khóa 2020-2022 là khoảng 675 chiếc. Với tốc độ đó, sẽ mất hơn 12 năm để thay thế 8.500 hệ thống Javelin đã gửi cho Ukraine.

Vào tháng 4, khi Mỹ chỉ gửi 5.000 tên lửa Javelin tới Ukraine, các nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại rằng số lượng này chiếm tới 1/3 kho dự trữ của Mỹ.

Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ hiện đang thực hiện các bước chậm trễ để giải quyết tình trạng thiếu hụt tên lửa Javelin và ngành công nghiệp đang tìm cách tăng gấp đôi năng lực sản xuất, nhưng điều đó có thể mất vài năm. Ngoài ra còn có những lo ngại về năng lực sản xuất liên quan đến tên lửa Stinger, đạn pháo 155mm và đạn GMLRS.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ với bệ phóng tên lửa đất đối không Javelin trong cuộc tập trận ở Syria vào ngày 7/12/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Những thách thức về đạn dược không chỉ liên quan đến các loại đạn trang bị cho Ukraine, mà còn liên quan đến năng lực sẵn sàng cho một cuộc đối đầu tiềm tàng với các đối thủ khác như Trung Quốc, đặc biệt là năng lực đạn dược để đánh chìm tàu đối phương.

Tên lửa chống hạm (ASM) tầm xa là một ví dụ điển hình. ASM có tầm bay xa hơn 800km, có thể phóng từ máy bay của Không quân Mỹ (B-1 và sắp tới là B-52) và Hải quân (F-18 và sắp tới là P-8) là một nguy cơ với hải quân Trung Quốc. Nhưng trên thực tế Lầu Năm Góc hiện chỉ có khoảng 200 tên lửa loại này, trong khi tính toán cho thấy Mỹ cần khoảng 800-1.200 để bảo vệ Đài Loan/Trung Quốc.

Bất chấp thực tế đó, tỷ lệ mua sắm tên lửa chống hạm tầm xa trung bình hàng năm trong giai đoạn 2020-2022 chỉ là 38 tên lửa (của cả Hải quân và Không quân Mỹ). Với năm tài chính 2023, Lầu Năm Góc yêu cầu tổng cộng 88 tên lửa. Với tốc độ đó, sẽ mất đến khoảng năm 2032 để tích lũy khoảng 1.000 tên lửa trong kho của Mỹ.

Để giải quyết sự thiếu hụt nguy hiểm này, Washington cần làm việc với ngành công nghiệp để đưa sản lượng ASM tầm xa lên đến 200-250 tên lửa/năm càng sớm càng tốt. Với năm 2023, lý tưởng là có thể tăng năng lực sản xuất lên ít nhất 110-130 tên lửa.

Chú thích ảnh
Máy bay B-1B Lancer của Mỹ phóng một tên lửa chống hạm tầm xa trong cuộc thử nghiệm vào năm 2013. Ảnh: Quân đội Mỹ 

Các loại vũ khí cao cấp khác có khả năng bị thiếu hụt tương tự bao gồm Standard Missile-6, một loại tên lửa đa năng có thể được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình và đạn đạo, đánh chìm tàu, các hoạt động tấn công trên bộ và thậm chí có khả năng phòng thủ chống tên lửa siêu thanh. Hải quân Mỹ đang mua khoảng 125 chiếc mỗi năm, nhưng dù gấp đôi tỷ lệ đó vẫn không đáp ứng được nhu cầu chiến đấu nếu xảy ra.

Vấn đề mấu chốt là việc Washington không thể mua đủ số lượng vũ khí theo hợp đồng đã ký với ngành công nghiệp. Khi các hợp đồng và số lượng mua sắm không đủ ;pứm, ngành công nghiệp có thể sẽ phản ứng bằng cách cho phép giảm dần một số năng lực sản xuất.

Tuy vậy, các giải pháp rất đơn giản nếu có đủ ý chí chính trị để theo đuổi. Quốc hội Mỹ nên thúc đẩy việc cấp phép và chi tiêu thích hợp cho các loại bom, đạn chính phù hợp với tốc độ sản xuất tối đa hiện tại.

Quốc hội cũng nên thiết lập các thỏa thuận mua sắm nhiều năm đối với các loại vũ khí, đạn dược quan trọng; giúp các nhà sản xuất quốc phòng giải quyết những điểm yếu trong lực lượng sản xuất vũ khí của họ; và hỗ trợ các nhà thầu phụ nhỏ hơn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Hà Lan viện trợ tên lửa đất đối không cho Ukraine
Hà Lan viện trợ tên lửa đất đối không cho Ukraine

Hà Lan sẽ viện trợ tên lửa đất đối không, tăng cường cho hệ thống phòng không của Ukraine sau loạt vụ không kích tên lửa gần đây của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN