Israel loay hoay với chiến lược hậu chiến tại Gaza

Kế hoạch của Israel đối với Gaza là gì trong trường hợp nước này đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas.

Chú thích ảnh
Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Quân đội Israel đang siết chặt kiểm soát ở phía Bắc Gaza trong bối cảnh cuộc chiến của nước này với phong trào Hamas không có dấu hiệu giảm bớt. Tuy nhiên, gần 6 tuần sau xung đột, Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch hậu chiến rõ ràng nào cho vùng lãnh thổ này.

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuần trước cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thành công cắt đôi Dải Gaza và ngày 14/11 tuyên bố Hamas đã mất quyền kiểm soát ở phía Bắc Gaza, bao gồm cả ở Thành phố Gaza.

Sau đó một ngày, quân đội Israel đã đột kích bệnh viện lớn nhất Gaza, là Al-Shifa, khi tuyên bố Hamas đã xây dựng một trung tâm chỉ huy bên dưới cơ sở y tế rộng lớn này.

Ngày 16/11, quân đội Israel công bố đoạn video có tiêu đề “trục đường hầm hoạt động” được cho là khai quật trong khuôn viên bệnh viện. Về phần mình, Hamas đáp trả bằng cách cáo buộc Israel đưa ra kịch bản sai lệch, thông tin bịa đặt và xuyên tạc về Al-Shifa.

Nhưng kế hoạch của Israel đối với Gaza là gì trong trường hợp nước này đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas? Một số chuyên gia cho rằng Israel hiện chưa có chiến lược rõ ràng.

Frank Lowenstein, người từng giữ chức Đặc phái viên về đàm phán Israel-Palestine trong cuộc chiến Israel - Gaza năm 2014, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết: “Israel đã tuyên bố rõ ràng các mục tiêu an ninh và mệnh lệnh đối với Gaza thời hậu chiến nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đưa ra bất cứ điều gì giống như một kế hoạch khả thi đó. Israel cho rằng họ có thời gian để tìm hiểu điều đó sau chiến dịch quân sự”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như cũng rất kiệm lời về kế hoạch hoạt động hậu chiến ở Gaza. Nhà lãnh đạo 74 tuổi, người đi đầu trong một số cuộc xung đột Israel-Gaza, từng tuyên bố chiến dịch quân sự của mình có hai mục tiêu: tiêu diệt Hamas và giải cứu hơn 200 con tin bị nhóm này bắt cóc vào ngày 7/10.

Ngoài những lời nói mơ hồ đó, Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa đưa ra một chiến lược xác định cho vùng lãnh thổ, nơi hơn 2/3 trong số 2 triệu dân hiện phải di dời và hơn 40% nhà ở đã bị phá hủy hoặc hư hỏng theo số liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) Liên hợp quốc.

Daniel Levy, Chủ tịch Dự án Mỹ-Trung Đông - một tổ chức có trụ sở tại London và New York tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine, nhận định: “Israel tham chiến mà không có kế hoạch rõ ràng cho mai sau”.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch trên bộ chống phong trào Hamas tại phía Bắc Dải Gaza ngày 12/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Vai trò của người Palestine

Trong cuộc phỏng vấn ngày 12/11 với CNN, Thủ tướng Netanyahu nói rằng Gaza cuối cùng có thể được kiểm soát bởi một số hình thức chính phủ dân sự Palestine hợp tác với các mục tiêu an ninh của Israel. Nhà lãnh đạo không nêu rõ chi tiết thêm.

Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo việc Israel tái chiếm Gaza và nhấn mạnh vai trò tương lai của Chính quyền Palestine (PA). Trả lời phỏng vấn, ông Netanyahu nói có thể một chính quyền dân sự được tái lập và đóng vai trò nhưng trước tiên họ cần phải phi quân sự hóa dân số của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi về tính thực tế của tham vọng đó. Ông Levy cho biết người Palestine sẽ không dễ dàng làm cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát.

Ngay cả PA cũng có một lịch sử chật vật ở Gaza. Sau cuộc nội chiến năm 2007, PA chỉ có thẩm quyền hạn chế đối với các khu vực của Bờ Tây. Các nhà phân tích không dự đoán được liệu việc đưa PA trở lại toàn quyền phụ trách Dải Gaza có hiệu quả hay không.

Kobi Michael, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, cho biết PA không phải là giải pháp mà là vấn đề, đồng thời cho biết thêm rằng PA đã không điều hành Bờ Tây một cách hiệu quả do thiếu hụt tính hợp pháp rất lớn.

Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát và Chính sách Palestine ở Ramallah năm ngoái cho thấy hơn 70% người Palestine không hài lòng với Mahmoud Abbas, vị tổng thống lớn tuổi của PA. Có tới 74% người tham gia khảo sát yêu cầu ông từ chức.

Theo chuyên gia Levy, một trong những lý do chính khiến ông Abbas mất uy tín là ông đã đồng ý hợp tác với Israel. Dưới thời ông Abbas nắm quyền, các khu định cư của Israel đã mở rộng sâu hơn vào lãnh thổ Bờ Tây.

Tuy nhiên, ông Lowenstein chỉ ra phương án khả thi nhất hiện giờ là đưa PA trở lại. “Các bên liên quan trong khu vực và quốc tế không sẵn sàng đóng góp vào việc hồi sinh Gaza tốn kém nếu không có cơ sở chính trị cho giải pháp hai nhà nước”, vị chuyên gia kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Israel loay hoay với chiến lược hậu chiến tại Gaza
Israel loay hoay với chiến lược hậu chiến tại Gaza

Kế hoạch của Israel đối với Gaza là gì trong trường hợp nước này đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN