Hải Dương 981 – Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ cuối: Giải pháp cho xung đột

Các cuộc xung đột quốc tế thường có một kết thúc dựa trên tương quan lực lượng và kết quả tổng hợp trong 5 lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế và truyền thông. Xét quy mô kinh tế, lực lượng quân sự, bộ máy truyền thông Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc.


Tuy nhiên một nước nhỏ nếu biết sử dụng tổng hợp sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ quốc tế luôn là đối thủ khó chịu cho các nước lớn. Những nước lớn như Mỹ, Nga đều lao đao vì các cuộc chiến trực tiếp với các nước nhỏ. Trung Quốc không phải ngoại lệ nhất là với một dân tộc như Việt Nam ngoan cường, hiểu biết rõ đối phương và sẵn sàng hy sinh. Chiến tranh sẽ làm cho “giấc mơ Trung Hoa” khó thực hiện và tạo điều kiện cho sự can dự của các bên thứ ba.

Địa thế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những cuộc tấn công chia cắt chớp nhoáng nhưng lại là một “tàu sân bay không bao giờ chìm’ án ngữ hầu hết chiều dài tuyến vận chuyển năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc. Áp dụng chiến tranh du kích trên biển, lấy ít địch nhiều, trường kỳ kháng chiến vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên biện pháp quân sự chỉ là cuối cùng khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Chiến tranh luôn tàn khốc cho cả hai phía, nhất là cho người dân và gây hỗn loạn cho cả khu vực.

Chính vì vậy quan điểm kiềm chế, không sử dụng lực lượng quân sự, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình được các nước trong khu vực và quốc tế đánh giá cao, ủng hộ. Sự kiềm chế của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam trước các cú đâm va, vòi rồng của phía Trung Quốc không phải chỉ cho mình mà cho cả hòa bình ổn định khu vực và thế giới. Trung Quốc cũng hiểu rõ bước phiêu lưu vượt qua làn ranh đỏ chiến tranh nên khả năng một cuộc chiến lớn khó nổ ra. Song một hành động quân sự chớp nhoáng, hạn chế nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn tiềm ẩn.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm hỏng. Ảnh: TTXVN


Trên bàn cờ chính trị quốc tế, trong một thế giới đang ngày càng phẳng, các nước ngày càng cần đến nhau, đến một tình hữu nghị bền vững. Quan điểm Việt Nam thể hiện rõ trong tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên”.


Theo điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, các biện pháp hòa bình bao gồm từ đàm phán, trung gian hòa giải, các tổ chức quốc tế cho đến các hành động pháp lý. Việt Nam đang và sẽ kiên trì đề nghị đàm phán, thông báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông cho Liên hợp quốc, ASEAN, tổ chức các nước không liên kết, và các nước khác. Indonesia và Nga đều đã tỏ ý sẵn sàng có vai trò trung gian hòa giải.


Hàng trăm người Việt Nam ở Philippines cùng nhiều người dân bản địa ngày 16/5 đã tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Manila, phản đối Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Ảnh: AFP/TTXVN


Indonessia là nước sáng lập và có vai trò lãnh đạo ASEAN, có tiếng nói, đã từng đóng vai trò trung gian hòa giải trong quan hệ Việt Nam - Campuchia năm 1991 và gần đây nhất 2012 Ngoại trưởng Indonesia đã cứu vớt ASEAN bằng tuyên bố 6 điểm sau khi khối này không đạt được một Tuyên bố chung cấp cao trong lịch sử. Vai trò trung gian hòa giải của Indonesia cũng phù hợp với chính sách của ASEAN giải quyết các bất đồng trong khu vực không có sự can thiệp từ bên ngoài. Một ủy ban điều tra hòa giải cũng có thể được thành lập trên cơ sở yêu cầu Liên Hợp quốc. Tuy ủy ban không có những quyết định bắt buộc nhưng các khuyến nghị của Ủy ban và dư luận quốc tế sẽ định hướng cho một giải pháp. Việt Nam cũng có thể lựa chọn giải pháp pháp lý vào thời điểm cần thiết khi các biện pháp khác không giải quyết được vấn đề. Mọi giải pháp chỉ có thể thực hiện trên thiện chí của các bên.


Trên thực địa, chiến thuật “chuột vờn mèo” của  Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã làm phía Trung Quốc tiêu tốn hàng triệu đô la mỗi ngày cho việc duy trì dàn khoan và hơn 130 tàu hộ tống. Công tác tuyên truyền trong và ngoài nước và những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả sẽ giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các quyền lợi chính đáng của một nước ven biển và những hành động không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Sức mạnh tổng hợp thực địa, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, truyền thông và tương quan chính trị sẽ buộc Hải Dương 981 phải dịch chuyển. Sau Hải Dương 981, cuộc đấu tranh trên Biển Đông vẫn trường kỳ.



Việt Long


Hải Dương 981 – Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ 5: Trung Quốc thất thế chính trị, Việt Nam ảnh hưởng kinh tế
Hải Dương 981 – Toan tính và hệ quả trên Biển Đông - Kỳ 5: Trung Quốc thất thế chính trị, Việt Nam ảnh hưởng kinh tế

Điều Bắc Kinh không mong muốn nhất là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Cách cư xử hung hăng, coi thường luật pháp, gây bất ổn định khu vực của Bắc Kinh làm cả thế giới lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN