FED tăng lãi suất: Quyết định “cực chẳng đã”?

Có vẻ như việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ hại nhiều hơn lợi cho nước Mỹ. Vậy tại sao FED vẫn quyết định tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm nhu cầu lưu thông tiền tệ rất lớn?


Quang cảnh bên ngoài trụ sở FED ở Washington ngày 16/9. Ảnh: Reuter/ TTXVN

Ngày 16/12, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên trong 10 năm qua quyết định tăng lãi suất liên ngân hàng thêm 0,25% điểm. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại New York, quyết định này không gây bất ngờ bởi lẽ trong suốt 3 tháng qua, FED đã nhiều lần bóng gió ám chỉ về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12/2015. 

Tuy nhiên, dù đã có thời gian chuẩn bị để “làm quen” với mức lãi suất mới, người dân và các công ty Mỹ cũng sẽ không thể tránh khỏi những tác động mà quyết định của FED đem lại. Tờ “Thời báo New York" (Mỹ) đã thống kê một loạt tác động như sau:

Trước hết, FED tăng lãi suất liên ngân hàng đồng nghĩa với việc các ngân hàng Mỹ phải chịu chi phí kinh doanh cao hơn, do đó họ sẽ bắt khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn khi đi vay tiền.

Thứ hai, lãi suất tăng sẽ giúp trái phiếu của chính phủ Mỹ và trái phiếu của các công ty trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để mua những tài sản này, các nhà đầu tư sẽ phải đổi tất cả các đồng tiền họ đang tích trữ thành đồng USD, và như vậy giá trị đồng bạc xanh tiếp tục tăng.

Đồng USD tăng giá có lợi cho những người Mỹ thích du lịch nước ngoài, song sẽ làm điêu đứng nhiều công ty chủ yếu sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Thứ ba, trong suốt gần 1 thập niên qua, lãi suất giảm khiến trái phiếu không hấp dẫn được như cổ phiếu. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, tiền sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường cổ phiếu để đổ vào trái phiếu.

Thứ tư, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau. Vay tiền để mua ô tô, thanh toán thẻ tín dụng hay mua nhà có thế chấp sẽ trở nên tốn kém hơn, do đó nhiều khả năng doanh số bán những mặt hàng như ô tô, nhà cửa sẽ giảm.


Hệ quả là các công ty giảm bớt hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động. Thị trường lao động khan hiếm hơn khiến công nhân không dám đòi tăng lương, tỷ lệ thất nghiệp tăng dẫn đến chi tiêu tiêu dùng giảm sút.

Thứ năm, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, đầu tư của các công ty chậm lại sẽ kìm hãm hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng rất nhẹ trước mắt có lẽ sẽ không gây tác động mấy đến người dân và nền kinh tế Mỹ đồng thời vẫn giúp Mỹ đạt được mục tiêu là duy trì nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ bền vững, không gây ra lạm phát trên 2%.

Căn cứ vào nhận định của tờ “Thời báo New York”, có vẻ như việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ hại nhiều hơn lợi cho nước Mỹ. Vậy tại sao FED vẫn quyết định tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm nhu cầu lưu thông tiền tệ rất lớn? 

Có lẽ, số nợ của các hộ gia đình Mỹ tăng mạnh (do người Mỹ có thể vay tiền ngân hàng với mức lãi suất cực thấp), thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng giá theo kiểu bong bóng có thể là một trong những nhân tố khiến FED phải tăng lãi suất để giảm bớt đà vay nợ của người dân Mỹ và làm "nguội" bớt thị trường bất động sản.

Còn một yếu tố khác liên quan đến uy tín của nước Mỹ - nước được xem là "két bạc" của thế giới. Các điều kiện kinh tế trong nước đã đủ tốt để FED không thể giữ mãi lãi suất ở gần mức 0. Nước Mỹ cần một chút điều chỉnh tỷ lệ lãi suất để đảm bảo rằng họ vẫn là một "két bạc" đáng tin cậy của thế giới.

Người dân Mỹ mua bán hàng hóa tại Egg Harbor, New Jersey. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch FED bà Janet Yellen đã tuyên bố rằng FED đặt mục tiêu nâng lãi suất lên 1% trong năm tới. Tuy nhiên, có lẽ FED khó đạt được mục tiêu này. Trong nhiều năm trở lại đây, nước Mỹ không có nhiều hoạt động chế tạo vì đã chuyển phần lớn ra nước ngoài.

Tỷ lệ người dân Mỹ có thu nhập không cao, trong khi dân số đang già nhanh chóng. Bởi vậy, nền kinh tế Mỹ cũng như người dân Mỹ sẽ khó có thể cầm cự được với mức lãi suất 1%.

Lãi suất của FED cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi. FED tăng lãi suất sẽ khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi để quay trở lại két các ngân hàng ở Mỹ.

FED tăng lãi suất kéo theo đồng USD tăng giá sẽ làm điêu đứng các nước xuất khẩu tài nguyên vì hàng hóa trên thế giới chủ yếu được giao dịch bằng đồng USD. Đồng bạc xanh tăng giá sẽ khiến giá những mặt hàng này sụt giảm, đặc biệt là giá dầu vốn đã ở mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Trong thế giới ngày nay, không quốc gia nào có thể phát triển thịnh vượng giữa lúc các nền kinh tế khác rối ren. Do đó, trong một năm tới, có lẽ lãi suất của FED chỉ được nâng lên mức tối đa là 0,75%.

Thậm chí, theo một cuộc khảo sát của tờ “Nhật báo Phố Wall” (Mỹ), hơn một nửa số nhà kinh tế được hỏi đã dự đoán rằng chẳng sớm thì muộn FED lại đưa lãi suất trở lại mức gần bằng 0.

TTXVN/Tin Tức
Thị trường ngoại tệ ổn định sau quyết định của FED
Thị trường ngoại tệ ổn định sau quyết định của FED

Sau quyết định nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, thị trường ngoại tệ trong nước hầu như không có biến động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN