Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) tác động ra sao đến ngành sản xuất chip bán dẫn

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng các thiết bị điện tử thông minh sẽ tăng giá trong vài tháng tới sau trận động đất độ lớn 7,4 tại Đài Loan (Trung Quốc) sáng 3/4. Hòn đảo này vốn là nơi sản xuất 80 - 90% vi mạch tiên tiến của thế giới, vốn vô cùng quan trọng với điện thoại thông minh, laptop, ô tô và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)…

Vai trò của Đài Loan trong nguồn cung chất bán dẫn

Chú thích ảnh
Một tòa nhà bị đổ nghiêng sau động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/4. Ảnh: THX/TTXVN

Sau trận động đất khiến 9 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, nhiều công ty sản xuất chip bán dẫn, trong đó có "gã khổng lồ" chip TSMC, đã ngừng dây chuyền sản xuất trong vài tiếng đồng hồ.

Tuy quãng thời gian này không quá dài nhưng gián đoạn ngắn cũng có thể gây tác động lớn đến nguồn cung. Việc sản xuất vi mạch hoặc chip bán dẫn là một quá trình đòi hỏi độ chính xác cao, thường diễn ra không đứt quãng trong 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần trong nhiều tuần.

Mặc dù hầu hết các nhà máy sản xuất chip bán dẫn chịu tác động đều nằm ở phía Tây của Đài Loan, xa tâm chấn, nhưng các dư chấn kéo theo đó cũng có thể mang tại tác động đủ lớn để hủy hoại dây chuyền sản xuất chip đang hoạt động.

Trong khi đó, thế giới vốn đang ở trong tình trạng thiếu chip bán dẫn sau đại dịch COVID-19 bởi nhu cầu về các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, máy tính đề bàn tăng mạnh. Điều này kéo theo tăng giá và trì hoãn trong vận chuyển. Thời gian trung bình chờ đợi chip bán dẫn đã tăng lên từ 11 tuần trong tháng 3/2017 lên 15 tuần trong tháng 1/2021.

Tình trạng thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất điện thoại di động và laptop. Ngay cả ngành sản xuất ô tô cũng chịu chung số phận, dẫn đến gián đoạn trong việc chuyển giao xe mới.

Giáo sư David Bader tại Viện Khoa học Dữ liệu thuộc Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ) phân tích rằng toàn bộ thế giới hiện đang hoạt động dựa trên các thiết bị bán dẫn cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại di động, xe ô tô cho đến hệ thống phòng thủ quân sự... “Nếu việc sản xuất bị dừng lại sẽ rất tàn khốc”, ông e ngại.

Nỗ lực hồi phục

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong tòa nhà bị phá hủy do động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/4. Ảnh: AFP/TTXVN

TSMC cam kết đang phục hồi lại các hoạt động. TSMC thừa nhận lượng nhỏ thiết bị tại một số cơ sở đã hư hại sau trận động đất, ảnh hưởng một phần đến hoạt động của công ty, tuy nhiên không có thiệt hại liên quan đến các thiết bị quan trọng.

TSMC sản xuất khoảng 90% chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Chúng được sử dụng bởi những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple, Qualcomm, Nvidia và AMD. Chúng cũng rất cần thiết cho ngành trí tuệ nhân tạo đang phát triển.

TSMC vốn đã tăng cường công tác phòng chống động đất sau trận động đất độ lớn 7,6 khiến gần 2.400 người thiệt mạng năm 1999. Tính đến cuối ngày 3/4, TSMC thông báo hơn 70% thiết bị trong nhà máy của họ đã phục hồi trong vòng 10 giờ sau trận động đất. Bên cạnh đó, TSMC cho biết các cơ sở bị ảnh hưởng khôi phục lại sản xuất trong suốt đêm 3/4. Tuy nhiên, ngay cả việc ngừng sản xuất chip chỉ trong vài giờ cũng có thể mất vài tuần để phục hồi.

Nvidia, nhà thiết kế GPU (chip dành cho các ứng dụng AI) hàng đầu, ngày 3/4 thông báo rằng sau khi tham khảo ý kiến của các đối tác sản xuất, tập đoàn này dự đoán  động đất ở Đài Loan không gây hưởng đến nguồn cung. Một số nhà sản xuất công nghệ và bán dẫn khác như United Microelectronics Corporation, Micron và Foxconn cùng ngày 3/4 cho biết đang đánh giá tác động tiềm tàng của trận động đất đối với các cơ sở ở Đài Loan của họ nhưng dự kiến ít có tác động tiêu cực.

Cuộc đua để đa dạng sản xuất chip

Mặc dù trận động đất ngày 3/4 dường như không tác động lâu dài đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhưng nó cũng phản ánh về rủi ro khi lượng lớn vi mạch thế giới được tập trung sản xuất tại một địa điểm. Các nhà sản xuất chip và chính phủ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, trong những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất chip. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng quá trình này diễn ra chưa đủ nhanh.

Năm 2022, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS tạo điều kiện dành 200 tỷ USD trong 5 năm tới đầu tư giúp Mỹ lấy vị trí dẫn đầu trong sản xuất chất bán dẫn. Vài năm gần đây, TSMC cũng công bố kế hoạch dựng nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới ở Nhật Bản, Đức và Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch nhà máy thứ hai của TSMC tại Arizona đã bị trì hoãn nhiều lần.

Các chuyên gia cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip chưa bắt kịp tiến độ để đề phòng rủi ro ở Đài Loan. Các công ty hoặc chính phủ phải sẵn sàng và có khả năng đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở vật chất cũng như lực lượng lao động lành nghề.

Giáo sư Bader nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn quan trọng trong vài năm tới, cho đến khi có địa điểm cho một nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn như của TSMC, ở khu vực ít nóng về địa chính trị hơn. Chúng ta thực sự đang trong một đấu trường đầy thử thách trong vài năm nữa khi chờ đợi điều đó xảy ra”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN, Mirror)
Động đất Đài Loan làm gián đoạn các chuyến tàu ở Trung Quốc dịp Lễ Thanh Minh
Động đất Đài Loan làm gián đoạn các chuyến tàu ở Trung Quốc dịp Lễ Thanh Minh

Trận động đất làm rung chuyển Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/4 gây gián đoạn lớn giao thông công cộng ở các thành phố khác trong khu vực đại lục. Một số tỉnh ven biển xảy ra các cơn chấn động khiến dịch vụ đường sắt bị chậm trễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN