Chiến lược của các bên khi xung đột Nga - Ukraine bước sang giai đoạn mới

Cuộc chiến ở Ukraine dường như đang tiến lên đỉnh của một giai đoạn mới, và mỗi bên đều có chiến lược riêng.

Chú thích ảnh
Xe tăng Ukraine tiến ra tiền tuyến tại Bakhmut ngày 12/2/2023. Ảnh: AP

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công tên lửa trong những ngày gần đây và huy động khoảng 300.000 binh sĩ mới trong mùa đông này. Một phần lớn lực lượng này đã tập trung ở miền Đông Ukraine, dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công mới.

Mục tiêu của Nga được cho là giành kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine, bằng cách áp đảo các lực lượng Ukraine bằng số lượng. “Đây là điều khiến người Ukraine lo lắng", phóng viên tờ New York Times, Michael Schwirtz đưa tin từ Donbas cho biết. Một người lính Ukraine bị thương tên là Pavlo đã nói với phóng viên này: "Tình hình đặc biệt khó khăn khi bạn có 50 người và họ có 300 người."

Phóng viên Julian Barnes của New York Times nhận xét: “Có những dấu hiệu cho thấy cả hai bên sẽ làm điều gì đó trong những tuần và tháng tới".

Chiến lược của Nga

Cuộc xung đột đã gần một năm trôi qua và rõ ràng nó đã trở nên tệ hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của Moskva. Nga giành được quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine ở phía Đông và Nam nhưng đã bị đẩy lùi ở những nơi khác. Các quan chức Mỹ ước tính rằng khoảng 200.000 binh sĩ Nga đã bị thương và thiệt mạng, mặc dù Moskva luôn bác bỏ những ước tính như vậy từ phương Tây.

Theo tờ New York Times, Tổng thống Putin vẫn có lý do để tin rằng vị thế của Nga có thể được cải thiện trong năm nay. Ông đang dựa vào hai động lực. Đầu tiên, Nga là một quốc gia rộng lớn hơn nhiều, với nhiều tài nguyên hơn Ukraine. Thứ hai, kết quả của cuộc xung đột quan trọng đối với Ukraine và Nga hơn là đối với các đồng minh nước ngoài của Ukraine. Khoảng cách đó cuối cùng có thể khiến các đồng minh của Ukraine chậm cung cấp vũ khí và thiết bị quan trọng.

Phóng viên Julian Barnes nói: “Chiến lược của ông Putin là chờ phương Tây ra đi, sau đó thúc đẩy một lần nữa để chiếm thêm nhiều đất đai đến mức Ukraine phải đàm phán chấm dứt chiến tranh từ thế yếu và chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky sụp đổ".

Cho đến nay, phương Tây phần lớn vẫn thống nhất đứng sau Ukraine. Dấu hiệu hỗ trợ mới nhất là Mỹ, Anh và Đức đồng ý cung cấp xe tăng hiện đại.

Nhưng có những lý do để băn khoăn rằng liệu sự hỗ trợ sẽ kéo dài được bao lâu. Đức dường như mâu thuẫn về cách đối đầu mạnh mẽ với Nga, và Thủ tướng Olaf Scholz đã từ chối tuyên bố Ukraine phải chiến thắng. Tại Mỹ, một số đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích viện trợ quân sự và cho rằng Ukraine không phải là vấn đề của Mỹ.

Trên thực địa, Nga đang hy vọng giành được một chiến thắng mới trong tuần này với việc giành quyền kiểm soát Bakhmut, một thành phố quan trọng ở Donbas. Từ đó, họ hy vọng sẽ chiếm được nhiều khu vực hơn. “Nga sẽ cố gắng bao vây Donbas, cắt đứt và giành hoàn toàn khỏi Ukraine”, phóng viên Michael Schwirtz, đang có mặt ở Donbas, nói.

Đến nay, các quan chức Mỹ vẫn hoài nghi việc chiến dịch lớn của Nga nhằm chiếm miền Đông Ukraine sẽ thành công, khi họ xét đến tình trạng của quân đội Nga. Binh sĩ được huy động trong những tháng gần đây chủ yếu là thiếu kinh nghiệm, trong khi chiến sự đã ngốn rất nhiều đạn dược và thiết bị.

Chú thích ảnh
Một quân nhân Ukraine gần Bakhmut, Ukraine. Ảnh: AFP/JIJI

Chiến lược của Ukraine

Nhiều nhà phân tích tin rằng bế tắc vẫn là kịch bản có thể xảy ra nhất trong thời gian còn lại của năm 2023. Nhưng cả giới lãnh đạo Ukraine và chính quyền Tổng thống Biden đều tin rằng một kết quả tốt hơn là khả thi. Đợt trang bị quân sự mạnh sắp tới, như xe tăng, là một dấu hiệu của sự lạc quan này.

Những chiếc xe tăng này có khả năng giúp Ukraine đạt được mục tiêu trung hạn lớn nhất: phá vỡ cái gọi là "cây cầu đất liền" mà Nga đã thiết lập giữa vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở phía đông, bao gồm Donbas, và ở phía Nam - trên bán đảo Crimea. Làm như vậy sẽ có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng đối với Ukraine và sẽ khiến Nga tốn kém, khó khăn hơn trong việc cung cấp tiếp tế cho lực lượng ở cả hai khu vực.

Một trong những mục tiêu ban đầu của Ukraine có thể là giành lại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nằm bên trong cây cầu đất liền. “Nhà máy này cung cấp một lượng điện khổng lồ. Giành lại nó sẽ là lợi ích lớn nhất của cuộc phản công cho đến nay."

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới, Ukraine đã rút một số binh sĩ khỏi tiền tuyến và gửi họ tới Đức, Anh và Ba Lan. Ở đó, họ được huấn luyện, học cách sử dụng xe tăng, pháo và các thiết bị khác mà phương Tây mới cung cấp.

Dự đoán diễn biến tiếp theo

Một số nhà quan sát cho rằng Nga đã bắt đầu nỗ lực mới nhất của mình, với các cuộc tấn công tên lửa báo hiệu sự bắt đầu. Những người khác cho rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột vẫn còn ít nhất vài tuần nữa; họ lập luận rằng thời điểm có nhiều khả năng hơn để một trong hai bên phát động một cuộc tấn công toàn diện là vào mùa xuân này, khi thời tiết ấm lên và mùa bùn lầy đã kết thúc.

Câu hỏi lớn tiếp theo là liệu các đồng minh của Ukraine có gửi máy bay chiến đấu, như F-16 của Mỹ hay không. Cho đến nay, Tổng thống Biden và Thủ tướng Đức Scholz đã nói không. Ngay cả khi họ đổi ý, thì các máy bay phản lực có thể sẽ không sớm hữu ích cho Ukraine.

Steven Erlanger, trưởng phóng viên ngoại giao của tờ New York Times tại châu Âu, cho biết: “Huấn luyện ai đó sử dụng F-16 thậm chí còn khó hơn huấn luyện họ trên xe tăng. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt, nếu như đó là một cuộc chiến lâu dài".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)
NATO chạy đua 'hậu cần' cho Ukraine khi chiến dịch tấn công mới của Nga bắt đầu
NATO chạy đua 'hậu cần' cho Ukraine khi chiến dịch tấn công mới của Nga bắt đầu

Các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 14/2 họp tại trụ sở của liên minh ở Brussels để thảo luận tăng cường sản xuất thêm vũ khí và đạn dược cho Ukraine trước đợt tấn công mới của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN