Nông nghiệp và “cơn khát” tại Iran

Khi còn là một đứa trẻ, Mohammad Rahmanpour thường dành cả mùa hè bơi lội trên hồ Orumieh ở tây bắc Iran. Tuy nhiên, trong chưa đầy hai thập kỷ, hồ Orumieh - nơi gắn liền với tuổi thơ của Rahmanpour, nơi từng là hồ nước mặn lớn nhất tại Trung Đông - đã gần như biến mất.

 

Ngư dân cố gắng đánh bắt cá tại sông Zayanderood đã khô cạn ở Isfahan, Iran.


Rahmanpour, nay đã là một anh nông dân 32 tuổi sống tại ngôi nhà cách hồ Orumieh 1 km, chia sẻ: “Giờ thì hồ Orumieh chẳng còn chút nước nào và cả hệ sinh thái đã trở nên đảo lộn”.


Thiếu nước từ lâu đã trở thành vấn đề cấp bách tại các quốc gia Trung Đông, nơi tỉ lệ sinh sản cao, nhu cầu tiêu thụ nước ngày càng tăng và sự quản lý lỏng lẻo đã khiến nguồn nước ngày càng khan hiếm. Iran là một trong những quốc gia rơi vào tình trạng “khát nước” ở mức đáng báo động nhất. Gary Lewis, điều phối viên Liên hợp quốc tại Iran, nhận định: “Khan hiếm nước được coi là thách thức an ninh gay go nhất tại Iran ngày nay”.
Xây dựng quá nhiều con đập, tập quán tưới tiêu còn lạc hậu, thêm vào đó là hạn hán và thay đổi khí hậu - những yếu tố trên đã góp phần gây ra tình trạng khủng hoảng nước tại đất nước 76 triệu dân này. Nhưng đáng kể nhất là giá nước rẻ đã “khuyến khích” việc tiêu thụ nước một cách không kiểm soát.


Những nhân tố này đã khiến hồ Orumieh, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, ngôi nhà của 200 loài chim và 40 loại bò sát trở nên khô cạn, đến nay 95% lượng nước của hồ đã biến mất.


Trong khi đó, những con sông lớn ở các thành phố Isfahan và Shiraz đều dần thu nhỏ. Sự cạn kiệt của sông Tigris và Euphrates còn góp phần tạo ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng, điển hình là bão cát. Gió mùa tại đông Iran và tây Afghanistan có thể gây ra 120 ngày bão cát mỗi năm. Nhưng theo chuyên gia Liên hợp quốc, vì tình trạng khô cạn hiện nay, tần suất này đã tăng lên tới 220 ngày, dẫn đến hệ lụy là người dân mắc các bệnh về hô hấp và mắt nhiều hơn.


Trong vài tháng qua, Bộ trưởng Năng lượng Iran đã kêu gọi người dân ở 12 thành phố chính bao gồm thủ đô Tehran, Shiraz… giảm 20 đến 30% lượng nước tiêu thụ, nhưng lời kêu gọi này dường như không đem lại tác động gì. Thậm chí lượng nước sử dụng ở Tehran còn tăng 10% vào thời điểm “nóng” là tháng 5 đến tháng 6, khi mùa hè tới.


Tuy nhiên, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nước tại Iran không hẳn bắt nguồn từ việc người dân sử dụng bừa bãi nước sinh hoạt, chính nông nghiệp cũng chiếm 90% lượng nước sử dụng mà phần lớn nước trong số đó bị lãng phí. Nhiều nước tưới tiêu đã bị bốc hơi, rò rỉ và thậm chí là bị ăn trộm. Trong khi đó, người nông dân vẫn quen với việc dùng phân bón hóa học, thứ tiêu hao nước nhiều hơn so với phân bón hữu cơ. Con số thống kê mới đây của chính phủ Iran cho thấy chỉ có 1/3 lượng nước nông nghiệp được sử dụng hợp lý.


Trước tình trạng này, Liên hợp quốc đã đề nghị hỗ trợ Iran. Năm 2012, một chương trình đặc biệt dành cho nông dân sinh sống gần hồ Orumieh đã được thực thi. Người nông dân đã được học cách tạo phân trộn, chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và tham dự lớp học hàng tuần về quản lý nước, góp phần giảm 35% lượng tiêu thụ. Kỹ thuật mới mà người nông dân được học cũng giúp giảm chi phí sản xuất và tăng sự đa dạng cây trồng. Không giống như trước đây người nông dân chủ yếu canh tác lúa mì và củ cải đường, hiện tại họ đã có thêm các lựa chọn khác như trồng ngô, bí, hành và cà chua. Rahmanpour, một thành viên tham gia vào dự án trên, cho biết: “Không có gì quá khó. Các nhân viên của Liên hợp quốc đã giúp mảnh đất của chúng tôi thêm màu mỡ”.


Kể từ đó đến nay, Liên hợp quốc đã mở rộng dự án tới 41 ngôi làng ở Iran và khoảng 13.000 người nông dân đã được tiếp thu phương pháp canh tác mới.


“Nếu trời phù hộ, không chỉ có các con của tôi mà ngay cả tôi cũng có thể thấy lại hồ Orumieh một lần nữa”, anh Rahmanpour tâm sự.


Hà Linh (Theo Reuters)

IAEA: Iran bắt đầu minh bạch hóa chương trình hạt nhân
IAEA: Iran bắt đầu minh bạch hóa chương trình hạt nhân

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano ngày 18/8 cho biết Iran đã bắt đầu thực hiện các bước nhằm làm minh bạch chương trình hạt nhân của nước này trước thời hạn chót vào ngày 25/8 tới như đã thống nhất với IAEA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN