Khám phá các cuộc biểu tình ở xứ sở Kim Tự Tháp

Ai Cập từ lâu nổi tiếng trên khắp thế giới với các di tích thời kỳ cổ đại. Kể từ khi nổ ra phong trào “Mùa Xuân Arập” vào đầu năm 2011, quốc gia Bắc Phi này còn được nhắc đến với hình ảnh các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài hàng tháng trời, làm đảo lộn cuộc sống của người dân sở tại và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Dãy lều bạt của người biểu tình kéo dài khoảng 3 km tại quảng trường Rabaa Al-Adawyia


Theo một báo cáo mang tên "Chỉ số Dân chủ" do Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC) công bố vào cuối tháng 6/2013, trong suốt một năm cầm quyền của Tổng thống vừa bị phế truất Mohamed Morsi, Ai Cập đã chứng kiến gần 9.500 cuộc biểu tình. Tính ra, trung bình có tới gần 30 cuộc biểu tình nổ ra mỗi ngày, cao hơn rất nhiều so với năm cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak và phá vỡ mọi kỷ lục kể từ thời đại các Pharaoh.


Tuy nhiên, kỷ lục trên nhanh chóng bị phá vỡ vào tháng 7/2013. Theo đó, tổng cộng 1.432 cuộc biểu tình đã nổ ra tại Ai Cập trong tháng vừa qua, với trung bình 46 cuộc mỗi ngày và 2 cuộc mỗi giờ. Tính riêng 3 ngày đầu tháng 7 đã xảy ra 420 cuộc biểu tình. Đặc biệt, đã có tới 147 cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước trong ngày cao điểm 1/7.

Các cuộc biểu dương lực lượng này đã thu hút tổng cộng hơn 31 triệu người tham gia, trong đó hơn 30 triệu đã xuống đường để phản đối chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng như ủng hộ giai đoạn chuyển tiếp theo lộ trình được quân đội vạch ra cuộc chính biến ngày 3/7.


Kể từ cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, quảng trường Tahrir bỗng “nổi như cồn”. Giờ đây, bên cạnh các Kim Tự Tháp, sông Nile và Thung lũng các vị vua…, nhắc đến Ai Cập người ta còn nhớ ngay đến quảng trường này với các cuộc biểu tình rầm rộ thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.


Từ hơn hai năm nay, địa điểm này - vốn là giao điểm của gần chục tuyến đường ra vào khu nội đô và nằm sát trụ sở của nhiều thể chế nhà nước hàng đầu như Thượng viện, Hạ viện, Văn phòng nội các và các cơ quan quan trọng như Liên đoàn Arập, Bảo tàng Ai Cập - thường xuyên bị phong tỏa bằng hàng rào dây thép gai và các bức tường bê tông cao 5-7m.

Hàng rào gạch ở bên ngoài địa điểm biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại quảng trường raba Al-Adawiya ở Cairo.


Khu vực trung tâm Tahrir trở thành nơi tá túc của những người vô gia cư và là nơi kiếm sống của những người bán hàng rong và cả những kẻ lưu manh. Một khu chợ tự phát cũng họp ngay trong khuôn viên trụ sở Bộ Nội vụ nằm ngay sát quảng trường. Hàng hóa ở đây khá phong phú, từ mớ rau, con cá đến quần áo, nồi niêu xoong chảo, những ổ bánh mỳ rẻ tiền và cả những thứ lặt vặt “Made in China”.

Điều khá bất ngờ đối với nhiều người là hàng rong ngồi sát tận chân cầu thang, thậm chí ngay trước cửa các phòng làm việc bên trong trụ sở cơ quan quyền lực này. Dưới thời ông Morsi, chính quyền đã nhiều lần ra tay giải tỏa khu vực quảng trường Tahrir song địa điểm này tiếp tục là điểm nóng về trật tự xã hội gây nhức nhối trong dư luận.

Tuy nhiên, bất chấp nguy cơ nổ ra các cuộc đụng độ bạo lực cũng như nhiều mối nguy hiểm khác như bị đe dọa, tấn công tình dục…, Tahrir vẫn thu hút một lượng du khách đáng kể, từ những người tò mò và ưa mạo hiểm đến các chính khách nổi tiếng thế giới như Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton.

Nếu khung cảnh Tahrir khá lộn xộn thì quảng trường Rabaa Al-Adawiya - địa điểm tập trung của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, nằm cách đấy khoảng 15 km về phía Đông Bắc - lại được tổ chức khá quy củ và chặt chẽ với hàng nghìn lều bạt dựng sát sạt trong bán kính khoảng 3 km.


Kể từ ngày 28/6 vừa qua, thường xuyên có trên 5.000 người Hồi giáo, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, bám trụ suốt ngày đêm tại quảng trường này, bất chấp cái nắng như thiêu như đốt cũng như các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội và cảnh sát.

Đều đặn hai lần mỗi tuần, Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) – lực lượng vừa được thành lập do tổ chức Anh em Hồi giáo đứng đầu và quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo – lại tổ chức hàng loạt cuộc diễu hành xuất phát từ các thánh đường Hồi giáo ở khắp Cairo kéo về quảng trường này. Quy mô cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo tại địa điểm này đạt đỉnh điểm vào ngày 26/7 với vài trăm nghìn người tham gia.

Đám đông tập trung trước khán đài hôm 6.8 nhằm đòi phục chức cho ông Morsi.


Quảng trường Rabaa được tổ chức giống như một “pháo đài” với 5 bức tường dài khoảng 200m dựng bằng gạch lát vỉa hè, 3 chốt chặn an ninh được bố trí từ ngoài vào trong.

Mới đây, phe Hồi giáo còn cho xây dựng tiếp một lớp tường bằng bê tông cốt thép dày khoảng 50 cm và dự định sẽ cho lắp cổng điện tử tại tất cả các lối vào nhằm ngăn chặn các xe bọc thép trong trường hợp quân đội và cảnh sát quyết định dùng vũ lực để giải tán cuộc biểu tình ngồi này.


Đứng canh gác tại vòng ngoài là hàng chục thanh niên khỏe mạnh mặc đồng phục, được trang bị gậy gộc và gạch đá. Tiếp đó là hàng trăm thanh niên tình nguyện túc trực tại các ngôi lều ở gần đó sẵn sàng ứng chiến. Các lều bạt được xây dựng khác chắc chắn bằng khung thép. Mỗi ngôi lều như vậy chứa khoảng 20-30 người và thường được trang bị TV và chảo thu vệ tinh. 

Bên trong địa điểm biểu tình này, có thể mua được các loại hàng tạp hóa, từ quần áo, đồ lưu niệm đến các poster in hình cựu Tổng thống Mohamed Morsi. Ngoài ra, còn có các cửa hàng cắt tóc, bệnh viện dã chiến, nơi cấp phát thuốc miễn phí và các bếp ăn tập thể có khả năng cung cấp hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày.

Khu vực trung tâm biểu tình có khán đài, chỗ tập trung cho nam và nữ riêng biệt, phòng media, các điểm cao cho phóng viên tác nghiệp. Riêng khu vực khán đài được kiểm soát rất chặt; chỉ những người có “thư tay” của ban tổ chức và các phóng viên báo đài nước ngoài có thẻ tác nghiệp mới được phép tiếp cận địa điểm này.

Người biểu tình ở đây tỏ ra rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cả bữa ăn của mình cho du khách, khác hẳn với thái độ quá khích, quyết “tử vì đạo” trong các cuộc đụng độ bạo lực với các lực lượng chức năng. Bên cạnh những tiếng hô khẩu hiệu “long trời lở đất” của hàng nghìn người phản đối cái gọi là cuộc “đảo chính quân sự” hôm 3/7 vừa qua, bầu không khí ở đây cũng khá sôi nổi với các màn ca hát, nhảy múa, hoạt náo của đám đông thanh niên. 

Ngoài cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo tại quảng trường Rabaa Al-Adawiya ở quận Nasr City, những người ủng hộ ông Morsi hiện còn duy trì một địa điểm tập trung khác tại quảng trường Nahda trước cửa Đại học Cairo ở tỉnh Giza bên cạnh, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành vào giữa đêm tới trụ sở các cơ quan an ninh và quân đội, bất chấp những lời cảnh báo không được tiến lại gần các địa điểm này.


Các cuộc đụng độ bạo lực nghiêm trọng có nguy cơ bùng nổ vào bất cứ thời điểm nào khi chính quyền lâm thời Ai Cập đã nhiều lần phát tín hiệu sẽ dùng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình ngồi này của phe Hồi giáo. Bầu không khí căng thẳng và thế bế tắc chính trị hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài trong bối cảnh chính phủ và các lực lượng Hồi giáo ủng hộ ông Morsi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc.

Có thể thấy rằng gần 3 năm sau khi tràn qua hàng loạt nước Trung Đông – Bắc Phi, phong trào “Mùa Xuân Arập” vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó và tiếp tục gây bất ổn cho các nước trong khu vực.

Hữu Chiến(P/v TTXVN tại Cairo)  

Israel oanh kích căn cứ rocket ở Ai Cập
Israel oanh kích căn cứ rocket ở Ai Cập

Israel đã oanh kích một căn cứ rocket của một tổ chức "thánh chiến" theo đường lối cứng rắn ở thành phố Rafah trên Bán đảo Sinai của Ai Cập, gần biên giới Israel-Palestine, khiến ít nhất 5 phần tử thiệt mạng và nhiều tên khác bị thương nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN