Kim Lân - Cây bút độc đáo của làng quê Việt Nam

Kim Lân là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Sự nghiệp văn học của ông tuy không đồ sộ nhưng lại rất đặc sắc và khó trộn lẫn.

Từ những trang viết thành công về đề tài nông thôn

Một số truyện ngắn của ông được xếp vào hàng kinh điển trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX như Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí… 

Nhà văn Kim Lân, tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1920, tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Quê hương ông là một làng quê nổi tiếng bởi truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, có nhiều người thành danh. Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp nhất, rồi phải đi phụ việc cho các thợ đàn anh (sơn quốc, khắc tranh bình phong) để giúp gia đình kiếm sống. Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm, lại có dịp đi đến nhiều làng xã nên từ hồi còn ít tuổi, ông đã có vốn hiểu biết khá dày dặn trong cuộc sống ở vùng Kinh Bắc quê hương ông.

Nhà văn Kim Lân trong một lần trở về thăm ngôi nhà cũ tại làng Phù Lưu (xã Tân Hồng, Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Gia đình cung cấp

Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, ông được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng này đều cay xè khói bếp, thơm thơm mùi lúa mới, ngai ngái mùi rơm rạ, bảng lảng những cánh cò chao nhịp...

Đặc biệt, cũng với chất liệu của đề tài làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… đã khai thác tưởng chừng ở mức thấu triệt, song cũng trên mảnh đất xưa cũ ấy nhà văn Kim Lân cũng đã xây cho mình ngôi nhà rất riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức với thời gian.

Khác với tư tưởng của các cây viết cùng đề tài, làng quê trong văn Kim Lân dẫu với các nhân vật nghèo, dân lao động thô sơ vẫn không bao giờ bị lam lũ, thô mộc, tuềnh toàng vây bủa. Có lẽ ảnh hưởng từ nét hào hoa, mã thượng với những thú chơi phong tục như chơi chim, chọi gà, đánh vật, đánh võ, chơi pháo… của làng chợ Giầu, Phù Lưu mà hình ảnh làng quê và người nông dân trong văn học Kim Lân không u tối, bần hàn mà vẫn toát lên những nét yêu đời, trong sáng, tài hoa.

Từ tư tưởng này, ông được dư luận chú ý khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê Kinh Bắc (đánh vật, chọi gà, thả chim...). Các truyện: “Đôi chim thành”, “Con mã mái”, “Chó săn”... kể lại một cách sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.

Chính vì thế mà giá trị lớn nhất và cao nhất trong các tác phẩm của ông không phải giá trị hiện thực là bản cáo trạng mà là giá trị nhân đạo. Từ bóng tối hoàn cảnh, Kim Lân muốn làm toả sáng một chất thơ của hồn người. Ánh sáng của tình người toả ra hào quang đặc biệt của chủ nghĩa nhân văn tha thiết và cảm động.

Tư tưởng này xuyên suốt trong các tác phẩm của Kim Lân và có thể nhận thẫy rõ nhất trong “Vợ nhặt” – một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Chính nhà văn Kim Lân khi nói về tác phẩm này đã cho biết: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".

Sau này vẫn viết về nông thôn, Kim Lân đề cập đến sự đổi mới mặt tình cảm của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến, sự đổi đời của họ trong cải cách ruộng đất nhưng hoạt động phục vụ cách mạng. Tuy thầm lặng, bình thường nhưng thật đáng quý trọng. Về phương diện này, nhà thơ Trần Ninh Hồ viết: "Tất cả, tất cả dường như đã được ghi lại bằng những thân phận, những tâm trạng sắc sảo đến cốt, đến lõi. Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy".

Nhìn một cách hệ thống từ những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm Kim Lân viết trước Cách mạng tháng Tám đến các tác phẩm sau này, người đọc dễ dàng nhận ra nét riêng của ông là một ngòi bút sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng để từ đó góp một tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư, tình cảm con người Việt Nam của văn học hiện đại.
Hai truyện “Làng” và “Vợ nhặt” đã được Nhà xuất bản giáo dục tuyển chọn đưa vào bộ sách "Nhà văn và tác phẩm" dùng cho phần giảng văn của học sinh trong các trường phổ thông trong cả nước.

Đến những vai diễn để đời trong điện ảnh

Không chỉ là nhà văn sâu sắc và đa tài, mà nhà văn Kim Lân còn để lại trong lòng khán giả những vai diễn ấn tượng trong làng điện ảnh. Một văn sĩ - nghệ sĩ được nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhớ tới. Kim Lân có vị trí và chiếm được nỗi nhớ khán giả nhiều đến mức các diễn viên chuyên nghiệp, có tiếng cũng khát khao. Cũng như viết văn, ông đóng phim rất ít, nhưng vai nào cũng gây được cảm hứng nghệ thuật tốt cho người xem. Sự “ít” mà “tinh” trong sáng tạo đa dạng của Kim Lân khiến ông thành của hiếm.

Ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực của nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến. Từ Lý Cựu trong “Chị Dậu” dựa theo tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, ông đã đóng rất đạt vai chức dịch trong làng. Vai diễn của ông cùng vai diễn của nhà văn Nguyễn Tuân ở trường đoạn “việc làng ngày đất thuế” đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Đến Pụ Pạng trong “Vợ chồng A Phủ” một nhân vật vừa hèn, vừa ma quái, vừa gây ấn tượng trong phim khiến các diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo ở trường ra cũng nể phục, rồi tới lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”, đều thành vai diễn để đời. NSND Phạm Văn Khoa quả tinh đời khi mời Kim Lân vào vai Lão Hạc. Không ai hợp hơn và thay thế được Kim Lân. Nhân vật ốm yếu vẻ gày gò, khắc khổ, thương xót vật nuôi, đó là con người Kim Lân. Cảnh Lão Hạc dỗ con chó vàng để nó chịu bán đi, vỗ về nó ăn bữa cuối, khiến triệu người rơi nước mắt.

Có lẽ, sự sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng của từng con người, từng số phận của một Kim Lân trong văn học đã góp phần làm nên một vị thế riêng của một Kim Lân trong điện ảnh.

Đã 10 năm kể từ ngày Kim Lân ra đi vào cõi vĩnh hằng, thế nhưng, những người yêu văn học vẫn thường xuyên nhớ tới ông, không chỉ vì những di sản tinh thần của ông để lại, mà có lẽ còn bởi chúng ta luôn có thể tìm thấy ẩn chứa trong tác phẩm, trong tư tưởng sống của ông những điều còn thiết thân và giá trị với chính chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Thanh Hoa (TTXVN)
Kinh Bắc có phố Kim Lân
Kinh Bắc có phố Kim Lân

Đại gia đình nhà văn Kim Lân và nhiều nghệ sĩ có cuộc hội ngộ tưởng nhớ nhà văn Kim Lân- tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN