Tìm cách làm “tan băng” trong hợp tác lao động Việt – Séc

Hạ viện Quốc hội Séc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và trường Đại học Quan hệ quốc tế Praha ngày 30/5 tại Praha đã tổ chức Hội thảo Sử dụng lao động kỹ thuật Việt Nam tại thị trường CH Séc và khả năng hợp tác trên lĩnh vực đào tạo.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo. Ảnh: Mai Tâm

Mục đích của Hội thảo là tìm các biện pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ vướng mắc trong việc hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước. Ông Vojtech Filip, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc, đã chủ trì Hội thảo với sự tham dự của một số hạ nghị sỹ, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Lao động Xã hội, Hôi Séc – Việc, đại diện Bộ Nội vụ, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp Séc quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng nhân lực có trình độ của Việt Nam. Về phía Nam tham dự Hội thảo có Đại sứ Trương Mạnh Sơn, lãnh đạo Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp môi giới việc làm tại CH Séc.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc Vojtech Filip nêu rõ: Trong thập niên 80 của thế kỷ trước có hàng chục nghìn lao động Việt Nam lao động và học nghề tại Tiệp Khắc. Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Tiệp Khắc đánh giá cao về sự cần cù, chịu khó, khéo tay. 


Hiện nay các doanh nghiệp Séc có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ của Việt Nam, các cơ sở giáo dục của Séc có khả năng đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam để sử dụng một thời gian tại Séc và sử dụng lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước gặp những rào cản lớn. Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Xã hội của hai nước chưa có những thỏa thuận rõ ràng về việc xử lý những người Việt vi phạm pháp luật ở Séc và vi phạm hợp đồng lao động, đào tạo. Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Séc cũng chưa ký Hiệp định về dẫn độ tội phạm…

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Mai Tâm

Về phần mình, Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết: Lao động Việt Nam hiện nay có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, Italy, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Saudi Arabia, Brunei… CH Séc được xác định là một trong những địa bàn truyền thống của Việt Nam. 


Theo Hiệp định Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc, từ năm 1980 đến năm 1989 đã có hơn 37.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Tiệp Khắc, cùng với gần 10.000 học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, lao động Việt Nam tại CH Séc ngày càng giảm dần mặc dù năm 1994 chính phủ hai nước tiếp tục ký Hiệp định hợp tác song phương về lao động. Từ năm 2009 đến nay thị trường lao động Séc ở tình trạng “đóng băng” đối với lao động Việt Nam.


Tại Hội thảo Đại sứ quán Việt Nam đưa ra ba giải pháp để làm “tan băng” sự hợp tác lao động Việt – Séc: Thứ nhất, làm việc với các cơ quan chức năng của CH Séc để tiếp tục triển khai hoặc ký mới Hiệp định Hợp tác lao động giữa hai nước; thứ hai, phối hợp với các đối tác Séc tìm hiểu rõ yêu cầu của thị trường lao động Séc, tổ chức tuyển lựa, đào tạo để đảm bảo trình độ, chất lượng tay nghề mà thị trường Séc, EU và thế giới yêu cầu; Thứ ba, đề ra cơ chế, biện pháp và các chế tài để quản lý lao động, đảm bảo các lao động Việt Nam sang Séc phải thực hiện đúng hợp đồng, ổn định cư trú và làm việc, không được gây khó khăn, phức tạp cho các cơ sở sử dụng lao động.


Thứ trưởng Bộ Lao động Xã hội Séc Jiri Vanasek khẳng định: Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp của Séc thấp – 3,7%, mỗi chỗ làm việc trống có 3,3 ứng cử viên. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài vẫn có nhưng chỉ đối với nhân lực kỹ thuật có trình độ và tập trung ở một số ngành nghề. Các doanh nghiệp Séc phải ưu tiên tuyển dụng công dân nước mình và công dân EU. Chỉ sau khi qua thời hạn 30 ngày mà không tìm được ứng cử viên Séc và EU cho chỗ làm việc trống thì các doanh nghiệp mới được Bộ Lao động và Xã hội cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài.


Tại Hội thảo các doanh nghiệp Séc và các doanh nghiệp môi giới lao động và du học Việt Nam phản ánh thực trạng hiện nay là người lao động và sinh viên Việt rất khó khăn trong việc xin thị thực nhập cảnh vào Séc và đây chính là rào cản lớn nhất đối với sự hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước.


Ông Ondrej Brychta, đại diện Cục Di trú và Chính sách tỵ nạn thuộc Bộ Nội vụ CH Séc, cho biết: Bộ Nội vụ Séc đang soạn thảo dự luật di trú sửa đổi để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Séc và lao động nước ngoài đáp ứng nhu cầu của nhau. Tuy nhiên, việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài còn phụ thuộc vào hoạt động phối hợp của Bộ Lao động Xã hội và Bộ Ngoại giao CH Séc.


Nhiều người có mặt tại Hội thảo lấy làm tiếc rằng sự vắng mặt của đại diện Bộ Ngoại giao CH Séc đã làm giảm hiệu quả thực tế của việc tìm giải các pháp làm tan băng sự hợp tác lao động và đào tạo giữa hai nước. Ông Lê Duy Kỳ, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới du học Việt – Séc, cho biết: Các du học sinh Séc chỉ cần 3 ngày, thậm chí một ngày, để nhận thị thực sang Việt Nam, trong khi các du học sinh Việt Nam chờ 3 tháng vẫn chưa vào được trang visapoint của Bộ Ngoại giao Séc để đăng ký lịch hẹn phỏng vấn của phòng Lãnh sự Séc tại Hà Nội.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về rào cản thị thực vào CH Séc đối với lao động và du học sinh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hạ viện Quốc hội CH Séc Vojtech Filip nhấn mạnh: Cần phải tổ chức một cuộc hội thảo ở các cấp có thẩm quyền giữa CH Séc và Việt Nam bàn một cách cụ thể về cách thức tuyển chọn lao động và du học sinh thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của phía Séc. Đặc biệt là hai bên cần thảo luận về “kỹ thuật cấp thị thực” vào CH Séc đối với lao động và du học sinh Việt Nam.


Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Praha)
CH Séc: Nhập cư có kiểm soát mang lại lợi ích kinh tế
CH Séc: Nhập cư có kiểm soát mang lại lợi ích kinh tế

Nền kinh tế Séc sẽ không phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào nếu có khoảng 50 – 80 nghìn người di cư đến đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN