Các đơn vị kinh doanh vận tải không tự ý tăng giá cước

Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành giao thông vận tải tỉnh Nghê An đã tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện về bến bãi, phương tiện, tổ chức vận chuyển hành khách bảo đảm chu đáo, an toàn, văn minh.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp vận tải tại Bến xe phía Bắc thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh tư liệu: Tá Chuyên/TTXVN

Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị các doanh nghiệp vận tải tăng cường phương tiện vận tải hành khác công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện đến các đầu mối giao thông tập trung như nhà ga, cảng hàng không, bến xe...

Các đơn vị vận tải phải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh cao; trong đó, tập trung chủ yếu bố trí phương tiện, kế hoạch tăng cường; bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bố trí lái xe, nhân viên phục vụ. Qua đó giúp hành khách không bị chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển. Ngành giao thông vận tải cũng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phân luồng, hướng dẫn giao thông nhằm giảm ùn tắc.

Ông Nguyễn Đình Khang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, để bình ổn giá vé trong dịp tết, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết và không tự ý tăng giá cước vận tải.

Trường hợp có nhu cầu tăng giá cước, doanh nghiệp phải xây dựng phương án phù hợp, đúng với quy định của Bộ Tài chính để trình Sở Giao thông vận tải xem xét. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng phải niêm yết công khai giá vé tại quầy bán vé của bến xe. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vị phạm đối với kinh doanh vận tải không chấp hành niêm yết giá vé, tự tăng giá vé...

Ngành giao thông vận tải cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung triển khai công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý. Đặc biệt, không để mặt đường có ổ gà, sình lún, hằn lún sâu ảnh hưởng đến an toàn giao thông; kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, biển báo, cọc tiêu để sửa chữa khắc phục nếu có hiện tượng mất an toàn.

Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị thi công trên đường đang khai thác phải trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đi lại, nhất là các tuyến trong đô thị (hoàn thành trước 1 tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán) và có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên, người lao động trực gác, hướng dẫn, điều tiết giao thông trong trường hợp cần thiết.

Nghệ An có 323 đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải với tổng số 7.435 phương tiện; trong đó 44 đơn vị vận tải hành khách; 258 đơn vị vận tải hàng hóa; 21 đơn vị vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hoá. Toàn tỉnh có 18 bến xe khách đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách

Để kéo giảm và kiềm chế tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang thực hiện các biện pháp tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN