Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nông dân Việt Nam

Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đột phá trong các hoạt động hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Là một tổ chức chính trị xã hội, các cấp Hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của giai cấp nông dân Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hộ nông dân Trương Minh Trung, xã An Lục Long, huyện Châu Thành có diện tích 1,8 ha trồng thanh long, cho thu khoảng 80 tấn quả/năm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xây dựng đội ngũ nông dân năng động, sáng tạo

Đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018- 2023) cho thấy, một trong những hoạt động được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh là "Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Thời gian qua, phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, "dồn điền, đổi thửa" tạo vùng sản xuất tập trung, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản.

Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao. Hằng năm, bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký (đạt 104,04% so với chỉ tiêu Đại hội VII), trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,74% so với chỉ tiêu Đại hội VII. 

Nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào như: thành lập "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú", "Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế"... với hàng vạn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào ở địa phương. Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đạt chỉ tiêu Đại hội VII về số hộ hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và số hộ hội viên được công nhận.

Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân và giúp trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương.

Chú thích ảnh
Nông dân Chương Mỹ (Hà Nội) trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, giai đoạn 2018 - 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhưng các cấp Hội đã nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai phong trào. Phong trào đã xây dựng được một đội ngũ nông dân mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo, làm giàu. 

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 11,8 triệu lượt hội viên, vượt 39,24% so với chỉ tiêu Đại hội VII; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 12.927 mô hình điểm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả phục vụ sản xuất, kinh doanh, đến nay có trên 7,3 triệu hội viên truy cập Internet, vượt 23% chỉ tiêu Đại hội VII đề ra.

Hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân được đẩy mạnh, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được giúp tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn); 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; hơn 78 nghìn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử. Xây dựng và duy trì trên 200 cửa hàng “nông sản an toàn” để trưng bày, giới thiệu, quảng bá kết nối hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu

Chú thích ảnh
Người dân Hà Nam mua cam tại gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương nông dân Việt Nam xuất sắc mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả rất tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. 

Từ phong trào này xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, cải tiến, chế tạo máy móc, nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc gia.

Nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội Nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP; các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. 

Để phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng cho rằng, các hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập cần nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Kinh tế hợp tác xã không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên, đặc biệt nông dân và khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh và tiếp cận thị trường nếu không có sự hợp tác, liên kết với nhau.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, Đại hội lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân Việt Nam dự kiến tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, gồm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Nghị quyết đã cụ thể hóa hơn nữa những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về Hội Nông dân, xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân; đồng thời nhấn mạnh, Hội Nông dân Việt Nam tăng cường trách nhiệm, phát huy vai trò để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phát huy quyền làm chủ của nông dân, hỗ trợ để nông dân làm tốt vai trò chủ thể đã được nêu trong Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Đỗ Bình (TTXVN)
Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023: Nông dân Việt Nam đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (phần 2)
Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023: Nông dân Việt Nam đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (phần 2)

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã đổi mới, sắp xếp, củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, phương thức vận động, mở rộng đối tượng kết nạp hội viên thông qua xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đã thu hút đa dạng thành phần nông dân tham gia. Hội Nông dân Việt Nam đã vận động nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN